Sau khi được phê duyệt chủ trương đầu tư, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)/Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã bắt tay ngay lựa chọn nhà thầu để tháng 10/2023 khởi công dự án cung đoạn Nhà máy Nhiệt điện Nam Định I – Thanh Hóa và đến ngày 18/1/2024 triển khai đồng loạt 3 dự án còn lại.
Từ khi triển khai xây dựng dự án đường dây 500kV mạch 3, từ lãnh đạo cao nhất Tập đoàn, đến lãnh đạo Tổng công ty hàng ngày di chuyển đến từng vị trí, vừa kịp thời động viên anh em công nhân, vừa đốc thúc tiến độ trên tuyến. Do vậy, người lao động luôn hăng say làm việc trong điều kiện rất khắc nghiệt của khu vực phía Bắc, nhất là khi nhiệt độ nhiều nơi lên đến hơn 40 độ C.
Đáng chú ý, đối với việc xây dựng các đường dây cao áp, bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) là nút thắt lâu được tháo gỡ và luôn là đường găng của mỗi dự án thì tại dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối, mặt bằng lại đợi nhà thầu. Có được kết quả này bởi thực hiện chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, 9 địa phương trong vùng dự án đã bàn giao sớm mặt bằng cho các đơn vị thi công. Đây là điểm rất khác biệt so với các dự án đường dây 500kV mà EVNNPT đã triển khai từ nhiều năm trước đây.
Ông Nguyễn Văn Tình, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung (CPMB) cho biết, CPMB đã từng được giao quản lý đầu tư rất nhiều dự án lưới điện trọng điểm và đều hoàn thành tốt. Nhưng với đường dây 500kV mạch 3 là dự án cấp bách thì rút ra nhiều bài học trong GPMB, đặc biệt là sự chỉ đạo trực tiếp từ Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở đó, lãnh đạo các địa phương có dự án đi qua đều đã chỉ đạo trực tiếp, thúc đẩy bồi thường GPMB rất thuận lợi.
“Chưa có dự án nào thuận lợi trong bồi thường GPMB nhanh và thuận lợi như thế, bởi đây là yếu tố gây chậm trễ nhất với các dự án, gần như các đơn vị thi công không kịp khi mặt bằng đã được giao, mặt bằng đợi người thi công”, Phó Giám đốc Nguyễn Văn Tình khẳng định.
Với khó khăn như năm nay, CPMB đã đưa ra các giải pháp cụ thể chỉ đạo các nhà thầu thi công, đặc biệt là yêu cầu nhà thầu vận chuyển tất cả thiết bị vật tư cần thiết tại chân cột trong những ngày nắng để đảm bảo dù trời mưa vẫn có thể thực hiện các thao tác dưới chân cột và khi tạnh ráo có thể triển khai ngay trên cột.
Theo Phó Giám đốc Nguyễn Văn Tình, trước các dự án khác không gấp về tiến độ thì nhà thầu hoàn toàn có thể đảm bảo thi công, nhưng với tiến độ gấp, khối lượng công việc lớn sẽ triển khai thi công đồng thời từ dựng cột, kéo dây. Trong khi lực lượng trèo cao rất thiếu, Tập đoàn đã đề nghị các đơn vị tổ chức phối hợp. CPMB đứng ra tổ chức tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, việc triển khai các hạng mục còn lại đảm bảo tiến độ.
Hàng trăm cán bộ công nhân của Công ty truyền tải điện 3 (PTC3) từ 9 tỉnh Nam miền Trung - Tây Nguyên đã tự nguyện đăng ký tham gia tăng cường, hỗ trợ việc xây dựng đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối. Từ giữa tháng Năm, 7 đơn vị truyền tải điện là Đắk Lắk, Gia Lai, Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Bình Định và Lâm Đồng đã được điều động nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án này.
Ông Phạm Ngọc Minh, đội phó đội Truyền tải điện Buôn Ma Thuột, Truyền tải điện Đắk Lắk cho biết, anh em trong đội tham gia từ vị trí 161, 179 khu vực Thái Bình. Tại vị trí 21 thuộc thị xã Hoàng Mai, Nghệ An, hiện đang dựng cột được hơn 50% khối lượng công việc. Theo kế hoạch nếu thời tiết thuận lợi, vật tư đầy đủ, khoảng 1 tuần nữa sẽ dựng xong vị trí này .
Anh Minh chia sẻ: Ngoài này thời tiết khắc nghiệt hơn so với khu vực miền Trung - Tây Nguyên, lúc nắng lại mưa to, rất thất thường. Để làm quen anh em phải ra tuyến làm từ 6h, đến 11h nắng nóng nghỉ sớm, buổi chiều từ 14h làm đến 19h tối. Sau đó sẵn sàng tăng cường cho các vị trí khác khi được Công ty/EVNNPT điều động”.
Ông Hồ Trọng Hiếu, Chỉ huy trưởng gói thầu 31 thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn PC 1 đảm nhận thi công dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Quỳnh Lưu hồ hởi cho hay: “Từ khi lãnh đạo giao thi công đường dây này với thời gian rất ngắn, khối lượng công việc nhiều, thực sự có áp lực nhưng chúng tôi đều tự hào vì mình đóng góp sức nhỏ vào tiến độ dự án lớn này”.
“Trách nhiệm với tiến độ chung, với nghề xây lắp xa nhà đã quen nên anh em công nhân không ngại. Gia đình qua xem trên các phương tiện truyền thông đều hiểu tính chất công việc, sự vất vả và trách nhiệm chung đối với dự án nên rất đồng thuận. Để thi công đường dây này Tập đoàn PC 1 cũng luôn động viên, tổ chức đến công trường thăm hỏi nên công nhân và người lao động cùng chung suy nghĩ cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ thi công đường dây mạch 3 này”, ông Hiếu tâm sự.
Công ty cổ phần Ứng dụng và Công nghệ thông tin AIT nhận xây lắp 2 gói 19 và 21 thuộc đường dây 500kV Quỳnh Lưu - Thanh Hóa. Đây là đơn vị từng thi công nhiều công trình truyền tải lớn như đường dây 500kV PLeiku - Mỹ Phước - Cầu Bông, nhưng chưa bao giờ đảm nhận một công trình gấp rút về thời gian và khối lượng lớn như dự án này. Những công trình trước gần như không có móng cọc nhiều như này, chủ yếu là móng trụ nên thi công tốn rất nhiều thời gian, trong khi áp lực về thời gian chỉ 6 - 7 tháng, ông Hà Trọng Duy, cán bộ kỹ thuật Công ty cho biết.
Khi bắt đầu thi công, đơn vị lo lắng nhất tiến độ nên đã huy động 6 -12 tổ đội thi công. Trung bình thời gian dựng 1 cột là 15 ngày, nhưng cột đôi 2 thân phải từ 20 - 25 ngày.
Tại vị trí 148 trên địa bàn Nông Cống (Thanh Hóa) thuộc gói 21 đang kéo rải căng dây. Đến ngày 20/7, khối lượng gói 21 AIT đã hoàn thành 95%. Theo ông Hà Trọng Duy, 2 tháng nay mưa gió thường xuyên, đường vào các vị trí, xe chở vật tư, xe cẩu vào dựng cột rất khó khăn. Những công việc không ảnh hưởng đường xá do thời tiết gây ra anh em làm ngày, làm đêm việc thủ công, còn thuê máy xúc, máy san vào để sửa đường đưa máy móc vào.
Vào thời điểm thi công nước rút như hiện nay, do tiến độ về đích đang rất gần, nhà thầu huy động 6-7 tổ đội thường xuyên vừa dựng cột, vừa kéo dây, có những hôm làm 3 ca 4 kíp, dựng cột cả ban đêm, để hoàn thành khối lượng còn lại, đảm bảo tiến độ đóng điện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
“Được tham gia thi công ở những công trình lưới điện lớn và gấp rút như này, chúng tôi rút ra nhiều kinh nghiệm, trình độ anh em kỹ thuật lên cao hơn, phân công các tổ đội tốt hơn. Riêng đội ngũ lao động kỹ thuật trèo cao một phần của công ty, để đáp ứng hơn 10 tổ đội thì cũng phải liên kết với các đối tác để tăng cường”, ông Duy cho hay và thừa nhận: “Nhiều người trong nghề tâm sự là lần đầu tiên được thi công một dự án cấp bách như thế này. Các công trình khác có thể cấp bách nhưng khối lượng nhỏ hơn, còn công trình này khối lượng lớn quá”.
Để việc thi công đảm bảo chất lượng, thuận lợi cho quản lý vận hành lưới truyền tải điện sau này, không thể thiếu vai trò giám sát của đơn vị truyền tải điện. Anh Nguyễn Hữu Sơn, Tư vấn giám sát từ vị trí 142 đến 152, gói thầu 20-21 của Truyền tải điện Thanh Hóa cho biết: Trong quá trình làm việc từ đúc móng dựng cột, kéo dây hiện tại, thời tiết mưa nắng miền Trung đặc biệt ảnh hưởng tới việc thi công, nhưng với yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và của ngành, tư vấn giám sát luôn bám sát công trường hàng ngày, hàng giờ, trên toàn tuyến, đảm bảo giám sát thi công theo đúng bản vẽ thiết kế, đảm bảo công trình đưa vào vận hành được an toàn sau này.
“Chúng tôi thương những người công nhân thi công dự án. Họ gần như làm việc không có thời gian dừng nghỉ, trừ mưa to nắng gắt. Song hành với công sức của họ bỏ ra, được sự đôn đốc của ban tiền phương, anh em tư vấn giám sát đem hết kỹ năng, sức lực, cùng vượt thời tiết nắng mưa để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Như vị trí 148 đang đấu lèo cơ bản hoàn thành xong 1 mạch và ngày 21/7 hoàn thành nốt mạch 2”, anh Sơn chia sẻ.
Bài cuối: Phát huy sức mạnh nội sinh