Để có cách nhìn khái quát, toàn diện về chặng đường phát triển thời gian qua cũng như định hướng phát triển trong thời gian tới của tỉnh Thái Bình, TTXVN xin giới thiệu tới bạn đọc loạt 4 bài viết có tiêu đề: “Đưa Thái Bình trở thành tỉnh phát triển nhanh, toàn diện và bền vững”.
Bài 1: Bứt phá trong thu hút đầu tư
Không chỉ được biết đến với tên gọi “Quê hương năm tấn”, một vài năm trở lại đây Thái Bình đã có tên trên “bản đồ” thu hút đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Năm 2023, với việc thu hút gần 3 tỷ USD vốn FDI, Thái Bình đã lập nên kỳ tích khi lần đầu tiên đứng trong top 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI. Đây là tiền đề quan trọng, tạo đà để Thái Bình bứt phá vươn lên.
Xây dựng nền móng
Với vị trí 3 mặt giáp sông, 1 mặt giáp biển, trước đây đời sống kinh tế - xã hội tỉnh gặp nhiều khó khăn, kinh tế nông nghiệp là chính, Thái Bình được ví như “ốc đảo” khi giao thông giữa tỉnh với các địa phương lân cận chưa được thuận lợi. Cuối năm 2002, tỉnh Thái Bình mới hình thành khu công nghiệp đầu tiên là Khu công nghiệp Phúc Khánh với quy mô 120 ha tại Thành phố Thái Bình, mở ra một hướng mới trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Sau đó năm 2003 tỉnh thành lập Khu công nghiệp thứ hai là Khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh.
Thời điểm đó, do không có nhà đầu tư hạ tầng nên tỉnh đã đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước đối với Khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh và một phần Khu công nghiệp Phúc Khánh. Đến năm 2009, 2010, 2013, 2017, 2019, tỉnh lần lượt thành lập thêm các Khu công nghiệp khác như Khu công nghiệp Sông Trà, Gia Lễ, Cầu Nghìn, Tiền Hải…
Vượt qua những khó khăn ban đầu, tỉnh Thái Bình đã từng bước vươn lên, đưa kinh tế địa phương ngày càng phát triển. Nếu như năm 2003, toàn tỉnh chỉ có 26 dự án đầu tư vào Khu công nghiệp đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh (trong số đó, có 1 dự án FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký 483,5 tỷ đồng, đến nay trên địa bàn đã có 10 Khu công nghiệp với tổng diện tích 2.560 ha; thu hút 333 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt trên 187.600 tỷ đồng; trong đó có 83 dự án đầu tư FDI với tổng vốn đăng ký 4,3 tỷ USD.
Đặc biệt, năm 2017 Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Khu Kinh tế Thái Bình với tổng diện tích tự nhiên 30.583 ha bao gồm 30 xã, 1 thị trấn và phần tiếp giáp ven biển. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng, tạo động lực cho tỉnh Thái Bình phát triển hướng biển. Theo quy hoạch, Khu kinh tế Thái Bình gồm 22 khu công nghiệp với tổng diện tích 8.020 ha; Khu cảng biển Thái Bình rộng 500 ha; Trung tâm điện lực Thái Bình 853 ha; Khu du lịch, dịch vụ 3.110 ha; các khu nông, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản: 4.715 ha và 3.000 ha đô thị.
Ông Phan Đình Dực, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Quản lý Khu Kinh tế và các Khu công nghiệp tỉnh Thái Bình cho biết, việc thành lập Khu Kinh tế có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với tỉnh Thái Bình nhằm tận dụng lợi thế vị trí địa lý của địa phương. Đến nay, Khu Kinh tế Thái Bình đã và đang trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Sau thời gian chuẩn bị về xây dựng quy hoạch, cơ chế chính sách... từ năm 2021, khi Khu Kinh tế Thái Bình bắt đầu triển khai trên thực địa, thu hút đầu tư đã đạt được kết quả bước đầu tích cực. Từ khi thành lập, Khu Kinh tế đã thu hút được 3 dự án hạ tầng khu công nghiệp, bao gồm: Dự án hạ tầng Khu công nghiệp Liên Hà Thái; Dự án hạ tầng Khu công nghiệp Hải Long; Dự án hạ tầng Khu công nghiệp VSIP Thái Bình.
Từ khu công nghiệp đầu tiên được thành lập cuối năm 2002 với những khó khăn từ cơ sở hạ tầng cũng như thu hút đầu tư, sau hơn 20 năm bức tranh tổng thể các khu công nghiệp và đặc biệt việc thành lập Khu Kinh tế Thái Bình đã mang lại cho Thái Bình một diện mạo mới, không chỉ còn là mảnh đất với nông nghiệp là chủ đạo. Theo Ban Quản lý Khu Kinh tế và các Khu công nghiệp tỉnh Thái Bình, tổng vốn đầu tư thu hút vào khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn từ năm 2021 đến nay đạt 107.151 tỷ đồng; trong đó, vốn đầu tư FDI đạt 3,87 tỷ USD, cao gấp hơn 4 lần tổng vốn đầu tư FDI của tỉnh giai đoạn 2020 trở về trước; góp phần đưa Thái Bình xếp thứ 15, 16 của cả nước về thu hút FDI năm 2021, 2022.
Riêng năm 2023 tỉnh Thái Bình đã thu hút được 38 dự án FDI với số vốn đăng ký gần 3 tỷ USD, lần đầu tiên nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố thu hút FDI lớn nhất cả nước. Trong số đó, Thái Bình đã thu hút được một số dự án lớn và đặc biệt lớn như: Dự án Khu công nghiệp VSIP (vốn đầu tư 212 triệu USD), Dự án nhà máy Pegavision (vốn đầu tư 200 triệu USD) và 1 dự án đặc biệt lớn là Dự án nhà máy nhiệt điện khí LNG Thái Bình với số vốn đăng ký 1,99 tỷ USD. Như vậy, đến nay trên địa bàn tỉnh Thái Bình có 154 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 4,71 tỷ USD.
Quý I/2024 tỉnh đã đã chấp thuận, điều chỉnh chủ trương đầu tư; cấp, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 30 dự án với tổng số vốn đăng ký trên 4.503 tỷ đồng (gấp 3,3 lần so với cùng kỳ); trong đó vốn FDI đạt 139,3 triệu USD; thực hiện cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 232 doanh nghiệp, vốn đăng ký 2.204 tỷ đồng (tăng 49%) và 100 chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh... Tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn ước đạt 15.032 tỷ đồng, tăng 20,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Riêng Khu Kinh tế và các Khu công nghiệp trên địa bàn đang tạo việc làm cho trên 76.600 lao động, chuyển dịch cơ cấu việc làm từ nông nghiệp sang công nghiệp, góp phần nâng cao mức sống của người dân. Việc thu hút đầu tư mạnh mẽ là bước đột phá chưa từng có trong phát triển kinh tế địa phương, từng bước khẳng định Thái Bình trở thành điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư không chỉ trong nước mà cả ở nước ngoài.
Đón “làn sóng” đầu tư
Là tỉnh ven biển, nằm ở phía Đông Nam vùng đồng bằng sông Hồng, Thái Bình nằm trong tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và ở trung tâm tam giác phát triển vùng Duyên hải Bắc Bộ là Hà Nội - Ninh Bình - Hải Phòng. Đây là lợi thế lớn để tỉnh thu hút đầu tư, vươn lên phát triển.
Theo Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Chính phủ phê duyệt, mục tiêu đến năm 2030 Thái Bình trở thành địa phương thuộc nhóm phát triển khá và là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng Đồng bằng sông Hồng, có cơ cấu kinh tế hiện đại với công nghiệp là động lực chủ yếu cho tăng trưởng để Thái Bình phát triển nhanh, toàn diện và bền vững. Để đạt được mục tiêu đó, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư với những cơ chế khuyến khích, tạo động lực đón làn sóng đầu tư là một trong những nhiệm vụ trọng tâm tỉnh Thái Bình xác định phải thực hiện ngay.
Ông Phan Đình Dực thông tin, Thái Bình xác định mục tiêu xây dựng và phát triển Khu Kinh tế Thái Bình thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; nâng cao hiệu quả hoạt động của các Khu công nghiệp, gắn kết giữa phát triển công nghiệp với quá trình đô thị hóa tại địa phương. Trong số đó, Khu Kinh tế Thái Bình ưu tiên thu hút đầu tư các dự án hạ tầng khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ, khu công nghiệp phía Bắc và các khu công nghiệp khác trong Khu kinh tế Thái Bình có nhiều điều kiện thuận lợi về kết nối hạ tầng, thu hút đầu tư. Ngoài ra, ưu tiên thu hút đầu tư các dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, khu du lịch sinh thái; dự án khu thương mại tập trung, khu dịch vụ tổng hợp, trung tâm thương mại...; dự án trung tâm dịch vụ logistics; dự án khu bến cảng; dự án khu nuôi trồng và chế biến thuỷ hải sản…
Cùng với thu hút đầu tư vào Khu Kinh tế, Khu công nghiệp Dược - Sinh học tại huyện Quỳnh Phụ cũng là một điểm nhấn trong bức tranh tổng thể thu hút đầu tư của tỉnh trong tương lai. Khu công nghiệp này sẽ được đầu tư đồng bộ, hiện đại để thu hút các dự án đầu tư lĩnh vực dược, sinh học. Đây là một trong hai khu công nghiệp dược ưu tiên kêu gọi đầu tư trên địa bàn cả nước theo Quyết định số 376/QĐ-TTg ngày 17/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045...
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Bình Phạm Đức Thành cho biết, để việc thu hút đầu tư đạt hiệu quả cao, tỉnh Thái Bình đã và đang thực hiện đồng bộ và hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Tỉnh tập trung cải cách hành chính, rà soát, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính (trên 30% so với quy định của Trung ương). Cùng đó, duy trì tốt việc giải quyết thủ tục hành chính theo phương án "5 tại chỗ" tại Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện; tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt trong thu hút đầu tư theo hướng thực chất, hiệu quả. Đồng thời, ban hành và triển khai thực hiện kế hoạch tháo gỡ các vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư nguồn vốn ngoài ngân sách.
Bên cạnh đó, tỉnh Thái Bình tập trung nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng phát triển kinh tế-xã hội, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực về đất đai, tài chính, lao động. Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh; đặc biệt là các dự án giao thông tạo liên kết giữa các vùng, các trục giao thông quốc gia và các khu, cụm công nghiệp, các vùng sản xuất; hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hạ tầng phục vụ du lịch, dịch vụ, thông tin truyền thông...
Đặc biệt, Khu Kinh tế Thái Bình được xác định là khu kinh tế trọng điểm, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương và là địa bàn đặc biệt ưu đãi đầu tư. Vì vậy, các dự án đầu tư vào Khu Kinh tế Thái Bình sẽ được hưởng mức ưu đãi đầu tư cao nhất theo quy định của Nhà nước và những cơ chế riêng của địa phương. Trong số đó, các dự án thứ cấp được hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 15 năm; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo; miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa tạo tài sản cố định; miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được để sản xuất của các dự án đầu tư trong thời hạn 5 năm. Ngoài các ưu đãi đầu tư chung theo quy định của Nhà nước, tỉnh Thái Bình còn có các hỗ trợ đầu tư như: Hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề không quá 5 triệu đồng/người lao động; hỗ trợ thực hiện thủ tục hành chính nhanh gọn, thuận lợi.
Theo ông Phan Đình Dực, Thái Bình luôn cam kết đồng hành, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong suốt quá trình nghiên cứu khảo sát đầu tư, thực hiện dự án và hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Đối với các dự án lớn, tỉnh thành lập tổ công tác riêng để hỗ trợ nhà đầu tư trong suốt quá trình triển khai dự án tại Thái Bình.
Nhà đầu tư sẽ được hỗ trợ 100% thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện các thủ tục để khởi công dự án (đối với thủ tục thuộc thẩm quyền của tỉnh sẽ rút ngắn tối đa thời gian giải quyết; đối với thủ tục thuộc thẩm quyền của bộ, ngành Trung ương, tỉnh sẽ đồng hành cùng nhà đầu tư làm việc với các bộ, ngành); đồng thời đảm bảo các điều kiện về an ninh trật tự để nhà đầu tư yên tâm đầu tư. Đây là điểm nhấn khác biệt trong xúc tiến, thu hút đầu tư của Thái Bình, nhà đầu tư rất ấn tượng và đánh giá cao về nỗ lực của tỉnh Thái Bình.
Bài 2: Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ tiên phong, kiểu mẫu