Gần 3 năm xảy ra đại dịch COVID-19 và hiện Chính phủ cùng doanh nghiệp các nước trong đó có Việt Nam và Singapore đã chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, từng bước phục hồi, tăng tốc và tăng trưởng trong trạng thái bình thường mới bền vững. Ở giai đoạn này, việc thực thi chiến lược tăng trưởng thành công, song song với tăng trưởng bền vững trong điều kiện bình thường mới đã trở thành ưu tiên ngày càng quan trọng.
Những nội dung cốt lõi của VSBF 2022 gồm: Đánh giá môi trường kinh doanh chiến lược châu Á; thực thi chiến lược tăng trưởng thành công; từng bước đưa tính bền vững vào trọng tâm chiến lược kinh doanh; tích hợp các nguyên tắc bền vững vào chiến lược.
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Hoàng Quốc Vượng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, năng lượng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của các quốc gia nói chung, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam là một nền kinh tế năng động với tốc độ tăng trưởng cao trong nhiều năm liên tục. Để đạt các mục tiêu về phát triển kinh tế bền vững, Chính phủ Việt Nam đẩy mạnh, quyết tâm thực hiện chuyển đổi cơ cấu ngành năng lượng theo định hướng xanh hơn, sạch hơn và sử dụng năng lượng hiệu quả hơn.
Chính phủ Việt Nam đang hoàn thiện Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia, Quy hoạch Điện VIII. Theo đó, tổng công suất nguồn điện sạch bao gồm thuỷ điện và điện khí sẽ chiếm 73% vào năm 2030 và 88% vào năm 2045 (không bao gồm các nhà máy điện than chuyển đổi nhiên liệu biomass/amoniac). Trong đó, tính riêng công suất nguồn điện năng lượng tái tạo (không bao gồm thuỷ điện) chiếm khoảng 26% vào năm 2030 và 54% vào năm 2045).
PVN có trách nhiệm chung tay cùng Chính phủ vừa đảm bảo an ninh năng lượng, vừa giảm phát thải khí nhà kính để bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần thực thi thành công chiến lược phát triển bền vững.
PVN đã xây dựng Chiến lược phát triển với định hướng trở thành tập đoàn năng lượng hàng đầu Việt Nam và khu vực; trong đó ưu tiên mở rộng phát triển các nguồn năng lượng sạch bền vững như khí tự nhiên/LNG, điện gió ngoài khơi…
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết, thực thi chiến lược tăng trưởng thành công và từng bước đưa tính bền vững vào trọng tâm chiến lược kinh doanh trở thành yêu cầu bắt buộc đối với cả khu vực công và tư nhân. Các mục tiêu phát triển đang được điều chỉnh theo hướng nhấn mạnh hơn các thành tố của phát triển bền vững, nhấn mạnh về chất thay về chỉ chú trọng đến lượng. Từ kinh nghiệm quốc tế, “tăng trưởng xanh” và “phát triển bền vững” trở thành những thành tố quan trọng trong hoạch định chiến lược của các chính phủ, địa phương và doanh nghiệp.
“Chính sách khí hậu và bảo vệ môi trường được Chính phủ Việt Nam rất quan tâm, coi là nhiệm vụ trọng tâm để góp phần phát triển nhanh và bền vững. Tại Hội nghị của Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu (COP26), Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải carbon trung tính vào năm 2050”, Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh.
Để đạt mục tiêu này, Việt Nam đang từng bước chuyển dịch cơ cấu năng lượng theo hướng tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo, giảm nguyên liệu hóa thạch. Cụ thể, Việt Nam xác định tỷ lệ nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt 15-20% năm 2030 và 25-30% năm 2045, tương ứng tỷ lệ điện năng của năng lượng tái tạo trong tổng điện năng sản xuất toàn quốc là khoảng 30% năm 2030 và 40% năm 2045. Bên cạnh các chính sách về khí hậu và bảo vệ môi trường, Chính phủ Việt Nam cũng đang xây dựng và triển khai các chính sách nhằm phát triển kinh tế số, xã hội số. Trong đó xác định, tỷ trọng kinh tế số đạt 20% GDP năm 2025 và 30% GDP năm 2030