Bản Bướt thuộc xã Tân Xuân là một trong những bản nghèo và xa nhất huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Dù vùng đất này sở hữu các loại măng nổi tiếng trong ẩm thực của đồng bào Thái ở Sơn La, đặc biệt là măng khô từ cây măng tre rừng còn được gọi là măng “hốc”, mà cuộc sống của bà con vẫn khổ.
Được sự ủng hộ của chính quyền địa phương, năm 2019, chị Cao Thị Tâm đã thành lập Hợp tác xã nông nghiệp trung tâm Tân Xuân 269 chuyên về sản xuất măng nứa sấy khô. Đến nay, Hợp tác xã đã có 70 thành viên, trong đó có 40 thành viên là phụ nữ, trong đó chiếm số lượng lớn là người dân tộc Thái. Hợp tác xã thu mua lại măng của bà con rồi chế biến thành măng khô.
Chị Tâm cho biết: Lúc đầu, măng được sản xuất, chế biến theo quy trình thủ công rất khó khăn, năng suất thấp. Sau đó, tham gia vào Dự án Thúc đẩy Bình đẳng giới thông qua hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch (GREAT) do chính phủ Úc tài trợ tại tỉnh Sơn La, HTX đã được đầu tư thêm xưởng sản xuất và lò sấy hiện đại. Nhờ vậy, trong năm 2021, HTX đạt doanh thu khoảng 3 tỷ, trong đó lợi nhuận chiếm 30% - 35%, cao gấp 3 lần so với lúc chưa được trang bị lò sấy.
Tất cả các sản phẩm măng khô của HTX trước khi đưa ra thị trường đều được kiểm tra chất lượng sản phẩm nghiêm ngặt, cam kết không sử dụng các chất bảo quản, chất gây hại tới sức khỏe con người. Măng nứa sấy khô là một trong những loại thực phẩm được người tiêu dùng bình chọn là ngon nhất và là sản phẩm độc đáo của vùng đất Sơn La. Sản phẩm cũng được chứng nhận OCOP 4 sao.
"Trong thời điểm dịch bệnh, sản phẩm vẫn tìm được đầu ra. Bên cạnh các thị trường truyền thống, chúng tôi còn được tham dự các khóa tập huấn, đào tạo kỹ năng của GREAT như chụp ảnh sản phẩm, đăng bài giới thiệu, cách tiếp cận khách hàng online… để đưa sản phẩm có mặt trên các kênh bán hàng trực tuyến”, chị Cao Thị Tâm chia sẻ.
Măng Tân Xuân đã được giới thiệu bằng hình thức online như từ những kênh cá nhân như Facebook, Zalo đến sàn thương mại điện tử Shopee, Voso…
Qua hơn 4 năm thành lập, HXT Tân Xuân 269 đã mở rộng được vùng nguyên liệu với hơn 1.000 ha măng tre, nứa. Không chỉ tập trung vào sản phẩn chủ đạo là măng, chị Cao Thị Tâm cho biết, HTX còn trồng thêm những loại cây nông nghiệp khác như gạo nếp nương, cây ăn quả, gừng, sắn… theo tiêu chuẩn VietGAP để chế biến thành những sản phẩm như mì sợi, chuối sấy dẻo… từ đó đa dạng thêm sản phẩm và thu nhập cho các thành viên, đặc biệt là chị em dân tộc tham gia vào HTX.
Hiện tại, thu nhập của các thành viên dao động từ 5-6 triệu đồng/tháng. Có thu nhập ổn định, cuộc sống của bà con đỡ vất vả hơn, họ có điều kiện chăm lo nhiều hơn cho gia đình, con cái. Đặc biệt, nhờ có dự án GREAT các chị em phụ nữ người dân tộc, họ có tiếng nói hơn, được tham gia đóng góp ý kiến, bàn bạc và cùng quyết định các công việc trong gia đình.