Theo đó, mục tiêu đến năm 2030 nông nghiệp Việt Nam đứng trong số 15 nước phát triển nhất thế giới; trong đó, ngành chế biến nông sản đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới và là một trung tâm chế biến sâu, logistics của thương mại nông sản toàn cầu. Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có những chia sẻ với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam về kế hoạch triển khai Chỉ thị trên của ngành nông nghiệp.
Chỉ thị số 25/CT-TTg đã đưa ra những mục tiêu rõ ràng cho lĩnh vực công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản và cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp. Xin ông cho biết, ngành nông nghiệp sẽ triển khai như thế nào để đạt được kết quả như Thủ tướng Chính phủ đưa ra.
Chỉ thị 25/CT-TTg được ban hành trước hết thể hiện tầm nhìn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc lựa chọn công nghiệp chế biến, cơ giới hóa để giải quyết bài toán tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp.
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, công nghiệp chế biến có tốc độ tăng trưởng đáng kể từ 5-7%/năm, góp phần đưa kim ngạch khẩu nông sản đạt 41,2 tỷ USD năm 2019, đứng 15 trên thế giới, thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á. Việt Nam hình thành các cơ sở chế biến nông sản rộng khắp với 7.500 doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trước đòi hỏi thực tiễn và tầm nhìn như Thủ tướng mong muốn là đến năm 2030 nông nghiệp Việt Nam đứng trong số 15 nước phát triển nhất thế giới; trong đó, ngành chế biến nông sản đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới và là một trung tâm chế biến sâu, logistics của thương mại nông sản toàn cầu thì song song với tái cơ cấu nông nghiệp, chế biến và cơ giới hóa phải đặt ra những mục tiêu và tầm nhìn với giải pháp cụ thể.
Để Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030, ngành công nghiệp chế biến phải tận dụng được những lợi thế so sánh, cơ hội thuận lợi, phát huy những tiềm năng sẵn có để có bước phát triển vượt bậc. Chúng ta sẽ tập trung vào những nhóm giải pháp mang tính chiến lược chủ yếu.
Thứ nhất là chuyển dịch cơ, cơ cấu lại công nghiệp chế biến nông sản, với các vấn đề cần tập trung sâu như: điều chỉnh, phân bổ các cơ sở chế biến theo hướng gắn với vùng nguyên liệu tập trung, tiêu thụ sản phẩm, cơ cấu lại vật nuôi cây trồng trên phạm vi toàn quốc. Đây cũng là điều thuận lợi khi cả nước đang xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2020-2030, cũng như từng địa phương đã rà soát lại các nhóm cây trồng vật nuôi chủ lực trong kỳ đại hội các cấp.
Cùng với đó là phát triển các cụm liên kết chế biến, tiêu thụ nông sản tại các địa phương, vùng, miền có sản lượng nông sản lớn, có điều kiện thuận lợi về giao thông, logistics, lao động; có tiềm năng trở thành cực tăng trưởng cho cả khu vực như Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, Tây Bắc...
Ngành tập trung cơ cấu lại công nghiệp chế biến theo hướng nâng cao tỷ lệ chế biến sâu, chế biến tinh, có giá trị gia tăng cao và giảm tỷ lệ chế biến thô có giá trị gia tăng thấp, cân đối sản phẩm hợp lý trong nhóm nông sản chế biến theo 3 cấp độ: nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, nhóm chủ lực cấp tỉnh và nhóm đặc sản theo Chương trình Mỗi xã một sản phẩm.
Giải pháp thứ hai là tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng và tạo mọi yếu tố thuận cho đầu tư vào chế biến, cơ giới hóa nông sản. Đầu tiên phải xây dựng một chiến lược chung về công nghiệp chế biến nông sản và các đề án chế biến thành phần của các nhóm như: rau quả, thủy sản, lâm sản để định hướng lâu dài cho đầu tư.
Thủ tướng đã giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản đến năm 2030 cũng như các đề án phát triển 3 ngành chế biến: rau, củ, quả; thủy, hải sản; gỗ và sản phẩm từ gỗ, sẽ trình Thủ tướng trong năm nay.
Ngành tiếp tục xem xét bãi bỏ về thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý và hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư có tính đặc thù trên từng địa bàn, vùng miền. Trong chính sách tạo điều kiện môi trường đầu tư cần quan tâm đến khung chính sách, pháp lý trong việc hỗ trợ giao dịch đất nông nghiệp để đầu tư sản xuất chuyên canh quy mô lớn, đảm bảo cung cấp đủ nguyên liệu cho chế biến và xây dựng nhà máy.
Thứ ba là phát triển các công ty, tập đoàn lớn mang tính quốc tế để có đủ sức dẫn dắt, cạnh tranh cao trong chế biến. Bên cạnh đó, cũng cần phát triển những doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ để tiêu thụ nông sản tại chỗ cho nông dân.
Quan tâm tới các ngành hàng Việt Nam có lợi thế về nguyên liệu, công nghệ chế biến, lao động như: tôm, cá tra, trứng, gia cầm, sắn, cà phê, hồ tiêu… Đây rõ ràng là các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh nhưng về mặt chế biến cần làm sâu, tốt hơn để nâng cao giá trị xuất khẩu.
Quan tâm đầu tư vào công nghệ, đó là công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, cũng như giải quyết được bài toán về phế phụ phẩm trong nông nghiệp để phục vụ kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ. Những công nghệ này cũng có thể để phục vụ cho các ngành khác như y tế, dược phẩm, mỹ phẩm…
Thứ tư là phát triển khoa học công nghệ và nguồn nhân lực. Gần đây, Thủ tướng đã phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Ngành nông nghiệp nhận thấy đây là cơ hội để phát triển mạnh mẽ trong phát triển số hóa trong nông nghiệp. Đó là ứng dụng về công nghệ thông tin, kết nối trong sản xuất…
Với cơ giới hóa, ngành đẩy mạnh chuyển giao kết quả của các đề tài nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn; đặc biệt là khuyến khích các doanh nghiệp cơ khí phục vụ cơ giới hóa theo chuỗi sản xuất. Từ đó đồng bộ hóa trong sản xuất và tạo dựng những mô hình nông nghiệp thông minh, nông nghiệp 4.0.
Cùng với đó, Bộ cùng các bộ, ngành lập kế hoạch đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, chuẩn bị lực lượng lao động chất lượng cao, có chuyên môn sâu về chế biến để có thể điều hành các nhà máy, tổ hợp chế biến lớn.
Thủ tướng chỉ đạo phải có 3 ngành chế biến nông sản đứng trong số 5 nước hàng đầu thế giới. Ông đánh giá thế nào về vị thế và khả năng đạt mục tiêu của các ngành hàng này?
Chúng ta có các lợi thế với các ngành hàng như: rau quả, thủy sản, gỗ. Cả 3 ngành hàng này đều có đóng góp lớn trong cơ cấu xuất khẩu nông sản Việt Nam. Hiện rau quả xuất khẩu khoảng 4 tỷ USD, gỗ khoảng 11 tỷ USD, thủy sản khoảng 9 tỷ USD. Đây cũng là những ngành hàng rất có triển vọng nhưng cũng đang đối mặt với những thách thức. Chính vì thách thức đó, chúng ta mới cần xác định tầm nhìn và đầu tư, quan tâm cho ngành hàng này đạt mục tiêu như Chỉ thị đề ra.
Để đạt mục tiêu đó, Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có 3 đề án trình Chính phủ về 3 ngành hàng chế biến này. Hiện nay, rau quả có dư địa phát triển lớn trên thị trường thế giới. Trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm mặt hàng này trên thế giới khoảng 250 tỷ USD thì Việt Nam mới có khoảng 4 tỷ USD. Như vậy so với tiềm năng thì tỷ trọng còn đang rất khiêm tốn.
Tuy nhiên, phát triển ngành hàng này phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu. Việt Nam có khoảng 1,1 triệu ha cây ăn quả, với sản lượng khoảng 13,5 triệu tấn gồm 3 loại nhóm sản phẩm: nhóm nhiệt đới như thanh long, chuối, dừa, xoài; nhóm á nhiệt đới có cam, quýt, vải, nhãn; nhóm ôn đới như mận, đào, lê… cơ bản đã đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu tới 50 nước và vùng lãnh thổ.
Với sức mua và dư địa còn rất lớn, Việt Nam lại có lợi thế 3 nhóm sản phẩm đặc thù như vậy, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng đây là ngành hàng chủ lực trong tương lại.
Về thủy sản, hàng năm Việt Nam sản xuất được khoảng 8 triệu tấn nhờ bờ biển dài, đa dạng nguồn tài nguyên biển cũng như đa dạng hệ sinh thái về nuôi trồng. Việt Nam đã có Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển, một nghề cá lâu đời… Ngành cũng có Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2020 và đang tiếp tục xây dựng chiến lược đến 2030. Thủy sản là mặt hàng đứng đầu trong phát triển kinh tế nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là nước có trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế về bảo vệ, giữ gìn nguồn lợi thủy sản.
Thủy sản xuất khẩu cũng chiếm gần 1/4 trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành, với thị trường khoảng 130 nước và vùng lãnh thổ. Với đặc điểm đó, thủy sản Việt Nam hoàn toàn có lợi thế. Trong khi đó, chế biến thủy sản Việt Nam đang thuộc top đầu thế giới, nhiều sản phẩm đa dạng, thậm chí có cả dược phẩm, mỹ phẩm… Thủy sản là ngành hàng chúng ta có thể yên tâm với các lợi thế so sánh trong khu vực và thế giới.
Nhóm thứ 3 là gỗ và lâm sản. Đây là nhóm ngành hàng có sự tăng trưởng không ngừng, từ khâu phát triển rừng bền vững đến giá trị xuất khẩu. Năm 2019, ngành hàng này đạt kim ngạch xuất khẩu 11 tỷ USD. Đặc biệt, Việt Nam đã có những cam kết quốc tế rất mạnh mẽ về phát triển bền vững như Hiệp định Đối tác tự nguyện về Thực thi Luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) với EU. Hay xuất khẩu gỗ sang Mỹ chiếm trên 50% tổng kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam.
Chế biến gỗ ngày càng được đầu tư mạnh hơn để phục vụ nhu cầu thế giới. Là sản phẩm công nghiệp nhưng gắn với các tiêu chí về gỗ bền vững, tới đây, Việt Nam sẽ làm tốt hơn khâu truy xuất nguồn gốc. Đây là những lợi thế so sánh của Việt Nam khi tham gia sân chơi quốc tế.
Ngoài ra, Việt Nam cũng có tới khoảng 6.000 làng nghề chế biến gỗ, đây là lực lượng quan trọng tham gia vào sân chơi đồ truyền thống có tính văn hóa cao như trạm, khảm… hay các sản phẩm từ mây tre đan.
Cả 3 ngành hàng chủ lực này đều phải xác định vào sân chơi với các Hiệp định thương mại tự do thì thị trường càng rộng, trình độ áp dụng khoa học công nghệ càng phải cao. Đây cũng là lý do Thủ tướng yêu cầu Việt Nam phải trở thành trung tâm chế biến của khu vực và thế giới để hội tụ được những tinh hoa về khoa học công nghệ nhằm hoàn thiện ngành nghề.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng việc đầu tư về vốn, khoa học công nghệ… không mấy khó khăn khi đầu tư vào chế biến. Cái khó khăn của họ là có được vùng nguyên liệu để làm sao duy trì được nhà máy đó. Vậy Bộ sẽ có những hỗ trợ cũng như định hướng phát triển vùng nguyên liệu như thế nào?
Vùng nguyên liệu là yếu tố then chốt trong bất cứ ngành hàng chế biến nào. Để có vùng nguyên liệu cần có những quỹ đất và đây là nhóm chính sách mà từ Trung ương đến địa phương đều rất quan tâm khi đang tiếp tục hoàn thiện Luật Đất đai.
Chủ trương về liên kết sản xuất đã triển khai nhiều năm qua, các doanh nghiệp khi tham gia vào sân chơi chế biến cần phải coi đó là động lực để liên kết với nông dân, hợp tác xã. Sẽ rất khó để sở hữu tư liệu sản xuất đó. Chúng ta phải nhìn trong dài hạn, chia sẻ lợi ích giữa các chủ thể để bằng con đường liên kết tạo dựng được giá trị dài hạn.
Việc này cũng đòi hỏi mỗi địa phương phải xác định được sản phẩm chủ lực của mình từ đó hoạch định từng nhóm đối tượng vật nuôi, cây trồng trong điều kiện không còn quy hoạch từng ngành hàng. Bà con cũng cần kiên định, làm tốt khâu liên kết để bảo đảm đầu ra cho sản phẩm, lợi ích trong sản xuất.
Về chính sách, các chính sách thu hút đầu tư hiện nay đã có như Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị định số 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn…
Xin cảm ơn ông!