Dự kiến năm 2021 xuất siêu 2,1 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu gần 332 tỷ USD

Đại diện Bộ Công Thương cho biết kim ngạch xuất-nhập khẩu của Việt Nam năm 2021 có thể đạt con số 660 tỷ USD, tăng 21% so với năm 2020, kim ngạch xuất khẩu ước đạt khoảng 331,1 tỷ USD và xuất siêu khoảng 2,1 tỷ USD.

Chú thích ảnh
Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam năm 2021 diễn ra theo hình thức trực tuyến và trực tiếp.

Chia sẻ tại Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam năm 2021 do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 15/12, Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Trần Quốc Khánh cho biết, tính đến hết tháng 11 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất-nhập khẩu đạt 602 tỷ USD tăng 22.8% so với cùng kỳ, cán cân thương mại 11 tháng xuất siêu 1,46 tỷ USD. 

Tổng kim ngạch xuất-nhập khẩu năm 2021 ước đạt khoảng 660,1 tỷ USD tăng 21% so với năm 2020, trong đó kim ngạch xuất khẩu ước đạt khoảng 331,1 tỷ USD, tăng 17,2% so với năm 2020; kim ngạch nhập khẩu ước đạt khoảng 329 tỷ USD, tăng 25,2% so với năm 2020, cán cân thương mại năm 2021 ước xuất siêu là khoảng 2,1 tỷ USD, tăng 0,64% so với năm 2020.

Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, có kết quả  này là nhờ hoạt động xúc tiến xuất khẩu vừa qua. "Nhờ các hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) trên nền tảng số được duy trì, nông sản hàng hoá vẫn được kết nối tiêu thụ ngay trong thời điểm khó khăn nhất của dịch bệnh", Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhìn nhận.

Tuy nhiên, dịch bệnh đã khiến XTTM xuất khẩu theo phương thức truyền thống thông qua tổ chức hội chợ, triển lãm bị hạn chế, thay vào đó là sự chuyển dịch sang nền tảng số. Điều này đòi hỏi sự chuyển dịch, thích ứng từ cấp quản lý ngành, tới địa phương và trực tiếp là các doanh nghiệp xuất khẩu.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, hoạt động XTTM còn gặp nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19. Nhiều hoạt động XTTM đã được các đơn vị tổ chức cũng như doanh nghiệp tham gia chuẩn bị rất công phu nhưng phải hủy đột xuất do các quy định phòng chống dịch COVID-19, gây không ít thiệt hại về tài chính, nhân lực... Cùng với đó, năng lực cung ứng sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ và vừa còn yếu, chưa đáp ứng được các đơn hàng nhập khẩu đòi hỏi chất lượng cao, số lượng lớn. 

Khó khăn nữa với các doanh nghiệp nhỏ và vừa là tập quán thương mại, thói quen tiêu dùng đã thay đổi, chuyển sang mua sắm trực tuyến, xúc tiến trực tuyến nhiều hơn nhưng năng lực còn hạn chế.

"Nếu năng lực ứng dụng công nghệ, ngoại ngữ, marketing của doanh nghiệp trên nền tảng số không tốt, sẽ ảnh hưởng tới hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, bạn hàng", Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho hay.

Mặt khác, cơ chế tài chính hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến xuất khẩu đã có nhưng "thực tế luôn đi nhanh hơn chính sách", nên cũng khiến xúc tiến thương mại chậm nhịp hơn với yêu cầu thực tiễn.

Ông Vũ Bá Phú cho biết, năm 2022 các hoạt động xúc tiến thương mại tới đây sẽ chú trọng vào các chương trình trung - dài hạn với những mặt hàng xuất khẩu trọng điểm, khai thác lợi thế của các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Hiện Việt Nam đã đàm phán, ký kết và thực thi 17 FTA với nhiều đối tác lớn như Hàn Quốc, khu vực ASEAN, EU, Mỹ... trong đó có những thị trường ghi nhận thương mại song phương hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ USD mỗi năm.

“Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục đánh giá thực tiễn, sửa đổi bổ sung cơ chế chính sách, định hướng hoạt động XTTM nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia hiệu quả hoạt động XTTM khai thác thị trường xuất khẩu, tìm kiếm thị trường nhập khẩu hiệu quả máy móc, thiết bị, nguyên liệu đầu vào trong nước còn thiếu hụt để phục vụ sản xuất, xây dựng, phát triển, quảng bá thương hiệu trên thị trường tiềm năng; Kiến nghị cơ chế hỗ trợ tài chính cho hoạt động xúc tiến nhập khẩu các nguyên liệu đầu vào, xúc tiến nhập khẩu và chuyển giao công nghệ cao phục vụ khôi phục sản xuất kinh doanh trong thời gian tới”, ông Vũ Bá Phú cho hay.

Bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng cần đẩy nhanh chuyển đổi số trong xúc tiến xuất khẩu, chuyển đổi số kết hợp với xúc tiến thương mại truyền thống, tạo sự cộng hưởng cho phát triển hoạt động xuất nhập khẩu quốc gia.

"Xúc tiến thương mại không nên tập trung ở một mặt hàng hay thị trường cụ thể, mà tính tới sự liên kết, giữa các thị trường. Khi đó, cùng một công sức, hoạt động xúc tiến xuất khẩu sẽ có tính lan toả, kết nối và gia tăng giá trị xuất khẩu lên gấp bội", bà Minh đề xuất.

Thu Trang/Báo Tin tức
Ùn tắc container đông lạnh tại cửa khẩu Móng Cái, xuất khẩu hàng hóa gặp khó
Ùn tắc container đông lạnh tại cửa khẩu Móng Cái, xuất khẩu hàng hóa gặp khó

Thành phố Móng Cái phối hợp với các ngành chức năng tiếp tục hội đàm với phía Trung Quốc để thúc đẩy việc thông quan nhanh chóng, hiệu quả nhất trên cơ sở số lực lượng chức năng làm việc tại cửa khẩu của phía Trung Quốc hiện có.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN