“Nếu từ nay đến cuối năm, các địa phương giải ngân tốt thì chuyện thiếu vốn là có thể xảy ra. Để xử lý với tình huống này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang nghiên cứu, chủ trương chung là huy động mọi nguồn lực để bổ sung cho giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên, không phải lúc nào ngân sách cũng có nguồn lực dư để thực hiện việc đó”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho hay.
Nếu tình trạng thiếu vốn xảy ra, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, giải pháp sẽ điều chỉnh hài hòa kế hoạch đầu tư công, bởi, trong giải ngân vốn đầu tư công luôn luôn có tình trạng có địa phương thiếu và có địa phương thừa. Rõ ràng, địa phương thừa sẽ phải điều chuyển đến địa phương thiếu để làm sao cân đối có thể giải ngân hết được nguồn tiền, không được ôm tiền, không được giữ tiền mà không làm gì. Vì vậy, khâu điều chỉnh, điều hòa kế hoạch là khâu rất quan trọng.
“Quán triệt quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là phải từ sớm từ xa, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Thủ tướng chủ trương rà soát kế hoạch 2024 ngay từ bây giờ để phát hiện sớm những địa phương thừa để Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận tổng hợp. Đến khi có địa phương thiếu thì sẵn sàng khoản vốn dư để điều chuyển đến địa phương đó để giải ngân”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.
Mới đây, Bộ Tài chính vừa ban hành công văn số 4848/BTC-ĐT ngày 13/5/2024 gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về công khai các dự án giải ngân 0% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 nguồn ngân sách trung ương (vốn trong nước) do địa phương quản lý.
Theo đó, tổng số kế hoạch vốn ngân sách trung ương theo ngành, lĩnh vực (trong nước) do địa phương quản lý là 82.243,909 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến hết ngày 31/3/2024 các dự án mới giải ngân được 8.634,291 tỷ đồng, đạt 10,5% kế hoạch vốn được giao, thấp hơn tỷ lệ giải ngân chung của cả nước (12,16%). Đến ngày 30/4/2024 còn nhiều dự án có tỷ lệ giải ngân là 0% so kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Điện Biên là tỉnh có số lượng dự án chưa giải ngân nhiều nhất lên tới 105 dự án, tiếp đó là các tỉnh Sơn La là 22 dự án; Hoà Bình 18 dự án; Quảng Bình 13 dự án, Bắc Cạn là 9 dự án, các tỉnh Đắc Nông, Nghệ An, Hà Tĩnh là 8 dự án; Bắc Giang, Quảng Trị, Bình Thuận, Hà Giang là 7 dự án…
Tỉnh Lâm đồng dù chỉ có 6 dự án chưa giải ngân nhưng số vốn đầu tư địa phương triển khai năm 2024 chưa giải ngân đến ngày 30/4/202 lên tới gần 1.076,955 triệu đồng.
Nhằm đạt mục tiêu giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024 trên 95%, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã yêu cầu các bộ ngành, địa phương phải đẩy mạnh phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công, xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
“Phải kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc về nguồn cung cát, đá... để đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, sân bay, cảng biển, đường cao tốc, dự án liên vùng, liên tỉnh, hạ tầng năng lượng”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần có giải pháp phát huy vai trò, gắn trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương trong giải ngân vốn đầu tư công. Người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên. Đồng thời khẩn trương nâng cao năng lực của chủ đầu tư, nhà thầu thi công, xây lắp.
Đặc biệt, cần tập trung xử lý vấn đề giải phóng mặt bằng, Chính phủ nên bố trí giải phóng mặt bằng thành một dự án độc lập, được thực hiện với các quy định đặc thù, phù hợp với điều kiện thực tế, nhằm nâng cao tính sẵn sàng cho việc triển khai dự án. Các cơ chế và mức bồi thường giải phóng mặt bằng phải thỏa đáng, bảo đảm quyền lợi cho người dân khi di dời, tái định cư để có sự đồng thuận khi triển khai.
Bên cạnh đó, cần có cơ chế điều chỉnh kịp thời định mức thầu, giá thầu và giá các loại vật tư, vật liệu xây lắp khi có biến động giá trên thị trường; đảm bảo đầy đủ, kịp thời vật liệu xây lắp, đắp nền.
Đại diện phía địa phương, ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang đề nghị các chủ đầu tư tập trung đôn đốc tiến độ thực hiện công trình, dự án và giải ngân kế hoạch vốn đảm bảo yêu cầu. Đối với các dự án đầu tư mới, chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành thủ tục đầu tư đúng tiến độ và tiến hành khởi công.
Riêng các dự án chuyển tiếp, tiến hành rà soát giải quyết nhanh vướng mắc còn tồn đọn trên từng dự án. Song song đó, khẩn trương hoàn thành các khu tái định cư để bố trí tái định cư cho người dân. Đối với các dự án đã hoàn thành, chủ đầu tư khẩn trương hoàn tất hồ sơ quyết toán, giải ngân kế hoạch vốn đã được phân bổ.
“Các chủ đầu tư bám sát tiến độ giải ngân vế hoạch vốn được phân bổ. Cụ thể, đến ngày 1/10/2024 phải giải ngân 100% nguồn vốn chuyển tiếp. Đối với các dự án giao vốn từ đầu năm 2024, phải giải ngân đạt tối thiểu 60% trước 1/7/2024”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang lưu ý.