Tính đến 12/4/2024, Gia Lai mới chỉ giải ngân được trên 337 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 8,85% kế hoạch, trong khi tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 là hơn 3.800 tỷ đồng.
So với kế hoạch, tỷ lệ giải ngân vốn của tỉnh Gia Lai còn thấp, nhiều dự án trọng điểm chậm tiến độ do vướng mắc về mặt bằng; thiếu vốn đối ứng từ nguồn tiền sử dụng đất năm 2024; vốn kéo dài từ năm 2023 sang 2024 vẫn chưa được phê duyệt…
Điển hình là Dự án đường hành lang kinh tế phía Đông (đường tránh Quốc lộ 19) với tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng. Dự án có vai trò quan trọng trong việc kết nối các huyện Đak Đoa, Chư Păh với thành phố Pleiku để thúc đẩy phát triển kinh tế - du lịch của tỉnh. Tuy nhiên, do vướng mắc về mặt bằng và thiếu đất san lấp, tiến độ thi công dự án đang bị chậm trễ, ảnh hưởng đến mục tiêu hoàn thành vào giữa năm 2025.
Ông Nguyễn Văn Quảng, đại diện Công ty cổ phần Xây dựng công trình 510 (Khánh Hòa) đang thi công công trình cầu Biển Hồ thuộc xã Tân Sơn, thành phố Pleiku cho biết: Dự án cầu Biển Hồ có mức đầu tư 378 tỷ đồng được khởi công từ tháng 12/2022 nhưng đang gặp phải vướng mắc lớn nhất là phần giải phóng mặt bằng. Để thi công phần hạ bộ cầu cần có đường vào nhưng hiện mỗi đầu cầu mới chỉ có được 100m mặt bằng và thiếu đất đắp đã ảnh hưởng lớn đến việc thi công đường đầu cầu.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Huy Hùng, Trưởng phòng Quản lý dự án, Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Gia Lai chia sẻ thêm, theo quyết định phê duyệt, dự án đường hành lang kinh tế phía Đông có 8 vị trí mỏ san lấp nhưng đến nay duy chỉ có thành phố Pleiku cấp phép cho một vị trí. Để đảm bảo tiến độ, đề nghị các cấp, ngành và các địa phương sớm bàn giao mặt bằng và giải quyết nguồn đất san lấp.
Tương tự, huyện Phú Thiện cũng đang loay hoay trong giải ngân vốn đầu tư công. Huyện này có tổng nguồn vốn đầu tư công năm 2024 là 146 tỷ đồng, song đến nay mới giải ngân được 6%. Nguyên nhân do chưa được bố trí vốn từ tiền sử dụng đất ngân sách tỉnh năm 2024 và vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Theo ông Phạm Văn Lượng, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Phú Thiện, tính đến thời điểm hiện tại địa phương cũng chỉ mới giải ngân mới được 6%, mức độ giải ngân rất thấp so với mặt bằng chung của tỉnh. Nguyên nhân chính dẫn đến việc giải ngân thấp là do chưa được cấp kế hoạch vốn từ nguồn tiền sử dụng đất; vướng mắc giải phóng mặt bằng 5 tuyến đường nội thị và các chính sách của Dự án 1 Chương trình Mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều biện pháp như: tập trung đôn đốc phân bổ các nguồn vốn; triển khai thủ tục đầu tư; đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư công nhất là đối với 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Ngoài ra, tỉnh còn thành lập 4 Tổ công tác đi thực tế kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công và thu ngân sách Nhà nước năm 2024.
Thực tế cho thấy, với tốc độ giải ngân vốn đầu tư công như hiện tại, mục tiêu giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch của tỉnh Gia Lai trong năm nay đang gặp nhiều thách thức. Do đó, để đạt được mục tiêu, tỉnh Gia Lai cần tiếp tục đẩy mạnh đồng bộ các giải pháp, quyết liệt gỡ nút thắt để đảm bảo tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.