Dự án giao thông chậm tiến độ, đội vốn - Bài cuối: Quy trách nhiệm đến cùng

Nhiều chuyên gia giao thông khi được hỏi đều có chung tâm trạng “sốt ruột”, “lo lắng” đối với các dự án hạ tầng giao thông huyết mạch nhưng nhiều năm vẫn “nằm trên giấy”, hoặc thi công “ì ạch”, đặc biệt là việc đội vốn ở nhiều dự án.

Chú thích ảnh
Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có chiều dài tuyến đi trên cao là 13,5 km (từ Cát Linh đi Hà Đông). Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Theo đại biểu Dương Minh Tuấn (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), câu chuyện đội vốn, chậm tiến độ của các dự án đầu tư công trọng điểm không phải là mới. Tuy nhiên, việc khắc phục còn chuyển biến rất chậm. Đây là trách nhiệm của chủ đầu tư, sau đó là trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan trong quá trình xem xét, phê duyệt, triển khai dự án.

TS. Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia giao thông cho rằng, nguyên nhân dẫn đến các dự án giao thông đội vốn, chậm tiến độ, trước tiên là do các ban quản lý dự án không làm tròn nhiệm vụ. Ban quản lý dự án thay mặt chủ đầu tư thực hiện dự án ngay từ đầu nhưng viện lý do không đủ chuyên môn, kinh nghiệm dẫn đến dự án phải điều chỉnh thiết kế nhiều lần cũng như không dự báo tốt được những biến động của giá cả dẫn đến tăng mức đầu tư của các dự án.

Ngoài ra, TS. Nguyễn Hữu Đức nhận định, một trong những nguyên nhân dẫn đến các dự án giao thông bị đội vốn là do việc chuẩn bị dự án chậm trễ, trung bình mất khoảng 3 năm, nhiều dự án mất cả chục năm để chuẩn bị. Như vậy, sau 3 năm sẽ có nhiều biến động dẫn đến dự toán lập ban đầu không còn sát thực tế. Vì vậy, cần phải thay đổi phương thức triển khai dự án làm sao nhanh gọn nhất, tránh những biến động của thị trường.

Chuyên gia Nguyễn Hữu Đức lấy ví dụ: sân bay Vân Đồn do tư nhân là Tập đoàn Sungroup làm chủ đầu tư triển khai rất nhanh từ lập dự án đến giai đoạn thi công chưa đầy 2 năm. Vì vậy, hiệu quả đầu tư dự án được đảm bảo và tránh được những biến động của giá cả thị trường và cơ chế chính sách pháp luật.

Đề xuất giải pháp thúc đẩy tiến độ các dự án và giảm việc tăng mức đầu tư dự án, TS. Nguyễn Hữu Đức cho rằng, cần phải thay đổi cơ cấu quản lý dự án đảm bảo việc quy trách nhiệm cụ thể cho cá nhân, tổ chức thực hiện dự án chậm, đội vốn. Những cá nhân, tổ chức không hoàn thành nhiệm vụ phải kỷ luật.

Theo ý kiến của TS. Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông, các dự án giao thông bị chậm tiến độ, đội vốn thời gian gần đây đã gây ra những hệ lụy xấu. Nguyên nhân là do bộ máy vận hành của các ban quản lý dự án còn nhiều hạn chế. Ví dụ như, trong đàm phán hợp đồng một số dự án còn nhiều sơ hở, chưa ràng buộc được trách nhiệm các bên; các chỉ tiêu quan trọng nhất như chất lượng công trình, thời gian hoàn thành, vấn đề tài chính… chưa được quy định cụ thể, rõ ràng.

“Tôi cho rằng, trong thời gian tới, việc quản lý các dự án đầu tư công, dự án ODA cần phải xây dựng chi tiết cụ thể để khi xảy ra vấn đề đội vốn, chất lượng kém, thời hạn hoàn thành không đúng tiến độ phải quy được trách nhiệm cá nhân, tập thể. Đối với những nhà thầu trong và ngoài nước đã có những dự án chậm tiến độ, đội vốn thì cương quyết xếp vào danh sách những nhà thầu không cho tham gia các dự án tiếp theo của ngành giao thông”, TS. Nguyễn Xuân Thủy đề xuất.

Đi vào vấn đề cụ thể, TS. Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vừa qua bị phản ánh đội vốn, chậm tiến độ trước tiên phải xem xét trách nhiệm từ chính mình. Bởi, phải nhận thức rằng đường sắt đô thị là một ngành mới, thế giới có hàng trăm năm nhưng với Việt Nam là mới. Vì thế, về nhân sự, phải tìm kiếm được những người giỏi có kinh nghiệm, thậm chí là phải có Tổng công trình sư cho các dự án đường sắt đô thị nói chung. Về vấn đề này, Việt Nam chưa chọn được nhân sự đủ trình độ quản lý các công trình trọng điểm quốc gia.

“Việc đội vốn của các dự án giao thông nói chung chẳng qua là do việc đánh giá ban đầu của từng dự án chưa sát, việc này có nguyên nhân từ việc chưa tuyển chọn được nhân sự có đủ trình độ. Vì vậy, trước khi thực hiện dự án, chúng ta cần chuẩn bị nhân sự tốt, cử đi đào tạo, học hỏi kinh nghiệm của nước ngoài trước khi được cử quản lý dự án”, TS. Nguyễn Xuân Thủy phân tích.

Theo các chuyên gia kinh tế, các dự án giao thông được đầu tư bằng nguồn vốn ODA hay nguồn vốn ngân sách đang đặt ra nhiều thách thức, khó khăn cần giải quyết để đảm bảo hiệu quả đầu tư. Vì vậy, các cơ quan hữu quan phải khẩn trương chỉ đạo, gấp rút đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành các dự án trọng điểm trên. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng cần vào cuộc, nếu phát hiện vi phạm khuyết điểm liên quan đến nguyên nhân chậm tiến độ dự án, cần phải truy trách nhiệm tới cùng đối với các cá nhân, tổ chức để xảy ra sai phạm.

PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế phân tích, việc các dự án chậm tiến độ đã tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài việc lãng phí tài nguyên đất đai, tăng chi phí, giảm hiệu quả đầu tư, ảnh hưởng tới kết quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp thì tác động tiêu cực tới sự phát triển xã hội là không nhỏ. Nhưng thiệt hại lớn nhất về mặt tinh thần là làm giảm niềm tin của người dân vào tính hiệu lực, hiệu quả của bộ máy Nhà nước.

Giao thông vận tải là ngành kinh tế đặc biệt, là mạch máu của nền kinh tế, vì vậy, Bộ Giao thông Vận tải cần triển khai các giải pháp đồng bộ, tích cực nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án, khắc phục việc đội vốn.

Chú thích ảnh
Công trình tuyến metro số 1 đang được TP Hồ Chí Minh thúc đẩy để “về đích” cuối năm 2020. Ảnh: Tiến Lực/TTXVN

Trả lời về trách nhiệm của các cá nhân trong việc để xảy ra tình trạng dự án giao thông chậm tiến độ, đội vốn hàng nghìn tỷ đồng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, mỗi dự án đều có chủ đầu tư, vừa qua, Thanh tra Bộ đã thanh tra tất cả dự án được phản ánh về chất lượng, các cơ quan chức năng khác cũng đã vào cuộc xử lý.

Việc dự án chậm tiến độ có nguyên nhân khách quan như giải phóng mặt bằng, bố trí vốn không kịp thời. Đối với trách nhiệm chủ quan thuộc về chủ đầu tư, ban quản lý dự án đều được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Về phía bộ chủ quản, để đẩy nhanh tiến độ các dự án, khắc phục việc đội vốn, Bộ Giao thông Vận tải sẽ thực hiện đồng thời các giải pháp; trong đó, có việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư, xây dựng, đấu thầu, quản lý đất đai, môi trường... đảm bảo thống nhất, chặt chẽ, phù hợp với cơ chế thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế…

Bộ Giao thông Vận tải sẽ tập trung nâng cao chất lượng khảo sát, thiết kế, chuẩn bị dự án đầu tư. Thực hiện chặt chẽ khâu tuyển chọn các đơn vị tư vấn có năng lực, kinh nghiệm phù hợp với yêu cầu để chuẩn bị dự án.

Đặc biệt, Bộ Giao thông Vận tải sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện, xử lý các vấn đề phát sinh. Đặc biệt, Bộ phối hợp chặt chẽ với các địa phương để đẩy nhanh giải phóng mặt bằng đảm bảo đáp ứng tiến độ thi công các dự án...

Quang Toàn (TTXVN)
Dự án giao thông chậm tiến độ, đội vốn - Bài 1: Đi tìm căn nguyên
Dự án giao thông chậm tiến độ, đội vốn - Bài 1: Đi tìm căn nguyên

Nhiều dự án giao thông huyết mạch triển khai nhiều năm vẫn chưa hoàn thành, đội vốn hàng chục nghìn tỷ đồng gây bức xúc dư luận, lãng phí nguồn lực quốc gia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN