Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông:Đẩy nhanh tiến độ

Là một trong 8 dự án đường sắt nội đô của Hà Nội làm nhiệm vụ vận chuyển hành khách di chuyển trong khu vực thành phố, dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông với năng lực vận chuyển tối đa 28.000 hành khách/giờ/hướng đang được các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công nhằm mục tiêu hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2015.

Giữ vững tiến độ đặt ra


Dự án xây dựng đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông dài 13,08 km có điểm đầu là ga Cát Linh (nằm trên địa bàn quận Đống Đa), điểm kết thúc tại ga Yên Nghĩa (nằm trên địa bàn quận Hà Đông). Toàn tuyến đi trên cao và chủ yếu chạy trên dải phân cách giữa 2 làn đường bộ thuộc trục đường Hào Nam và đường Nguyễn Trãi.

Nhiều cột trụ của tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông đã hoàn thành.


Dự án này được khởi công từ tháng 10/2011. Sau 6 tháng khẩn trương xây dựng, hình hài của tuyến đường sắt này đang dần dần hiện rõ với những hàng cột trụ đã thi công xong và đang tiếp tục thi công. Dự kiến trong năm nay, các nhà thầu phải hoàn thành cơ bản việc thi công các trụ và các công việc liên quan để trong tháng 4/2013 sẽ lao dầm tạo mặt bằng của tuyến đường sắt này.

Theo ông Trần Văn Lục, Giám đốc ban quản lý dự án đường sắt – đơn vị được Bộ GTVT phân công làm đại diện chủ đầu tư, đến thời điểm hiện tại lực lượng thi công đã hoàn thành 10% tổng khối lượng, bao gồm 19 trụ đã thi công xong (tập trung tại khu vực hồ Đống Đa, Hoàng Cầu), đang thi công 17 trụ tại khu vực Ba La (Hà Đông) và nút giao vành đai 3; san lấp được 21/20 ha mặt bằng tại khu Depo khu vực Yên Nghĩa (quận Hà Đông); bàn giao được 90% mặt bằng dự án…

Cũng theo ông Lục, năm 2012 là năm quan trọng để quyết định thời điểm hoàn thành dự án. Do vậy, kế hoạch năm nay nhà thầu sẽ phải đạt 25% khối lượng bao gồm: Hoàn thành thêm 230 trụ, nâng tỷ lệ lên thành 266/430 trụ; Xử lý nền đất yếu khu Depo; Bắt đầu triển khai đúc dầm; Kết thúc năm 2012, tiến độ chung đạt khoảng 20%.

Khu Depo diện tích 23 ha đang được san lấp.


“Để đạt mục tiêu này, chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với nhà thầu cam kết lập ra tiến độ cụ thể, trên cơ sở đó có phương án tập trung máy móc, thiết bị và mũi thi công cụ thể. Nếu nhà thầu phụ nào không đạt tiến độ thi công chúng tôi sẽ thay thế và cho nhà thầu khác làm”, ông Lục khẳng định.

Theo hợp đồng, trúng thầu xây dựng dự án này là Tập đoàn cục 6 đường sắt Trung Quốc. Để thực hiện, thi công, ngoài nhà thầu chính này còn có các nhà thầu phụ Việt Nam. Hiện nay có 4 nhà thầu phụ Việt Nam đang thi công phần nền, móng và cột trụ là Công ty xây lắp Thành Long, Công ty cổ phần thiết bị công trình (ECE), Công ty liên danh xây dựng công trình TONE – Thăng Long và Tổng công ty Thành An.

Cam kết sẽ giữ vững tiến độ, ông Trương Kiến Huân, Phó Giám đốc dự án, Chỉ huy Trưởng công trường thuộc Tập đoàn cục 6 đường sắt Trung Quốc cho biết, từ tháng 6 trở đi, nhà thầu chính sẽ tăng số lượng nhà thầu phụ lên đến 10 đơn vị để tổ chức thành 12-13 mũi thi công trên toàn công trường.

Vẫn khó về mặt bằng

Tuy cam kết về tiến độ thi công, nhưng cả lãnh đạo Ban quản lý dự án đường sắt và nhà thầu đều băn khoăn về tiến độ giải phóng mặt bằng hiện nay cũng như công tác phê duyệt hồ sơ thiết kế.

Theo báo cáo của Ban quản lý dự án đường sắt, mặc dù hiện nay diện tích đất thu hồi đã đạt trên 90%, tuy nhiên mặt bằng để phục vụ thi công lại đứt khúc từng đoạn ngắn, rất khó khăn cho nhà thầu tổ chức thi công.

Cụ thể đến thời điểm này, mặt bằng phần diện tích công cộng với các công trình hạ tâng kỹ thuật mới có một số đoạn như 1,3 km đầu tuyến, đường nhánh vào khu Depo Vân Nội, riêng 3 khu dân cư phường Cát Linh, Thịnh Quang (Đống Đa), Thượng Đình (Quận Thanh Xuân) với tổng 200 hộ hiện nay vẫn chưa bàn giao xong mặt bằng. Trên đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân), các cột điện chiếu sáng nằm trên dải phân cách từ đoạn nút giao vành đai 3 đến ga Thanh Xuân đã thu dây nhưng vẫn còn những dây thông tin treo ở cột. Lý do những dây thông tin nằm trong dự án ngầm hóa thông tin của Sở Giao thông Hà Nội, hiện nay chưa có nguồn vốn đầu tư thực hiện.

Thêm vào đó, phần mặt bằng khoảng 1 ha thuộc đường nhánh ra vào khu Depo (thuộc phường Phú Lương, quận Hà Đông) cũng đang gặp khó. Đoạn đường này đi qua 3 khu dân cư và 1 nghĩa trang với 250 ngôi mộ. Hiện quận Hà Đông mới đang lập dự án di dời. Dự kiến đến tháng 6 năm nay mới có thể bàn giao mặt bằng phần đất ruộng, tháng 12 mới bàn giao phần nghĩa trang. Trong khi đó, theo tiến độ dự án thì đến tháng 4/2012 nhà thầu phải bắt đầu tiến hành đúc phiến dầm đầu tiên ở khu vực này.

Ông Trần Văn Lục cũng cho biết, tiến độ dự án còn gặp một số khó khăn khác như chỉ giới đường đỏ, điều chỉnh chính tuyến và mặt bằng nhà ga chưa được phê duyệt do quá trình hoàn chỉnh hồ sơ, xin thỏa thuận với địa phương mất nhiều thời gian; chẳng hạn như ga La Thành-quận Đống Đa 4 tháng nay quận chưa có quan điểm chính thức. Công tác di dời hạ tầng kỹ thuật cũng đang được hoàn thiện bản vẽ thiết kế thi công nhưng hiện nay phụ thuộc vào nguồn vốn bố trí là trái phiếu Chính phủ nhưng Chính phủ chưa có thông báo.

“Để triển khai thi công cho kịp tiến độ, trong những điều kiện thực tế nêu trên, trong năm nay chúng tôi sẽ cố gắng giải tỏa mặt bằng của 200 hộ dân ảnh hưởng bởi dự án, còn khu nào chưa có mặt bằng chấp nhận thi công “xôi đỗ”, ông Lục cho biết thêm.

Nhà thầu của dự án này cũng cho biết, việc ứng vốn thi công cũng như thanh toán khối lượng đã đạt được bị chậm trễ cũng khiến cho tiến độ bị ảnh hưởng. Đã có những “thông điệp kỹ thuật” của nhà thầu gửi cho những đơn vị liên quan về việc chậm thanh toán, như trường hợp của nhà thầu phụ Thành Long thi công trụ đoạn đầu tuyến đã xong nhưng không dỡ bỏ hàng rào quây công trường để trả lại mặt bằng lưu thông đường. Lý do theo nhà thầu này, việc chưa dỡ vách ngăn có liên quan đến việc thanh toán tiền của nhà thầu chính với nhà thầu phụ.

Chống ùn tắc cho Hà Nội

Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đi qua địa bàn các quận Đống Đa, Thanh Xuân, Từ Liêm và Hà Đông của thành phố Hà Nội. Tổng mức đầu tư của dự án là 552,9 triệu USD. Trong đó vốn vay ODA của Trung Quốc là 419 triệu USD, còn lại là vốn đối ứng của Việt Nam.

Toàn tuyến đường sắt được thiết kế đi trên cao và chủ yếu chạy trên dải phân cách giữa 2 làn đường bộ thuộc trục đường Hào Nam và đường Nguyễn Trãi; điểm khởi đầu là ga Cát Linh (quận Đống Đa), điểm kết thúc tại ga Yên Nghĩa (quận Hà Đông) gồm 12 ga đón tiễn khách (Cát Linh - La Thành - Thái Hà - Láng - Đại học Quốc gia - Vành đai III - Thanh Xuân III - Bến xe Hà Đông - Hà Đông - La Khê - Văn Khê - Bến xe Hà Đông mới) và khu Depo (trung tâm điều hành tuyến) tại phường Phú Lương, quận Hà Đông.

Dự kiến, dự án này sẽ đưa vào khai thác vào năm 2015 và sẽ đóng vai trò nòng cốt cho giao thông công cộng, cùng với mạng lưới xe buýt nhanh sẽ giải quyết cơ bản vấn đề tắc nghẽn giao thông tại Thủ đô Hà Nội và phấn đấu đạt mục tiêu giao thông công cộng đáp ứng được 35 - 45% nhu cầu đi lại của nhân dân Thủ đô.
Trong tương lai Hà Nội sẽ có 8 tuyến đường sắt đô thị, trong đó tuyến Cát Linh - Hà Đông có một vị trí quan trọng. Đây là tuyến đường sắt đô thị nối trung tâm Hà Nội với quận Hà Đông là trục huyết mạch phía tây, trục giao thông có mật độ đông đúc nhất Thủ đô.

Thành Hiển

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN