Vào lúc khoảng 4 giờ chiều tại New York, đồng yen được giao dịch với tỷ giá 146,3 yen/USD. Dữ liệu được công bố vào tuần trước cho thấy giá tiêu dùng của Mỹ tăng mạnh hơn so với tháng trước, lần đầu tiên trong 13 tháng, càng làm gia tăng dự đoán lạm phát tăng cao sẽ không biến mất.
Biên bản từ cuộc họp diễn ra trong hai ngày 25-26/7 của Ủy ban Thị trường mở Liên bang, được công bố vào ngày 16/8, tiết lộ rằng "hầu hết những người tham gia cuộc họp tiếp tục nhận thấy những rủi ro tăng đáng kể đối với lạm phát, điều này có thể đòi hỏi phải thắt chặt hơn nữa chính sách tiền tệ".
Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) lại có những dấu hiệu tiếp tục nới lỏng tiền tệ quy mô lớn. Suy đoán của giới đầu tư rằng sẽ tiếp tục có sự khác biệt đáng kể giữa lãi suất của Mỹ và Nhật Bản đã dẫn đến việc bán đồng yen để mua đồng USD. Hơn nữa, những khó khăn về tài chính của một trong những nhà phát triển bất động sản tư nhân lớn nhất Trung Quốc đã thúc đẩy xu hướng chuyển sang đồng USD, vốn được coi là nơi trú ẩn an toàn.
Ngày 15/8, Bộ trưởng Tài chính Shunichi Suzuki cho biết Nhật Bản đang theo dõi chặt chẽ các xu hướng trên thị trường ngoại hối với mức độ thận trọng cao và “sẽ có hành động thích hợp nếu có biến động quá mức".
Về mức độ mà Nhật Bản sẽ tiến hành việc can thiệp bằng cách bán USD, mua đồng yen, ông nói: "Không có con số tuyệt đối nào về việc chúng tôi sẽ làm điều đó nếu ngưỡng đó bị vi phạm."
Chính phủ và BoJ đã can thiệp vào thị trường ngoại hối vào ngày 22/9/2022, lần đầu tiên sau 24 năm. Vào thời điểm đó, đồng yen đã giảm xuống mức 145,90 yen/USD ngay trước khi BoJ thực hiện hành động can thiệp. Đồng yen hiện đang thấp hơn mức đó, dẫn đến suy đoán rằng Nhật Bản có thể sẽ can thiệp vào thị trường một lần nữa.