* Thị trường gạo châu Á
Giá gạo xuất khẩu từ Thái Lan và Việt Nam giảm do nguồn cung tăng cao, trong khi đồng USD mạnh hạn chế hoạt động gạo nhập khẩu vào Bangladesh, quốc gia đang bị lũ lụt, trong tuần này.
Bangladesh bắt đầu nhập khẩu gạo từ nước láng giềng Ấn Độ sau khi chính phủ cho phép các thương nhân nhập khẩu 1 triệu tấn gạo và cắt giảm thuế nhập khẩu sau khi lũ lụt phá hủy mùa màng.
Mặc dù Bangladesh là nước sản xuất gạo lớn thứ ba thế giới, nhưng quốc gia này thường xuyên phải nhập khẩu lương thực để đối phó với tình trạng thiếu hụt do ảnh hưởng của thiên tai như lốc xoáy và lũ lụt.
Tại Ấn Độ- nước xuất khẩu gạo hàng đầu, giá gạo đồ 5% tấm không thay đổi so với tuần trước, ở mức 362 - 368 USD/tấn, khi nhu cầu yếu "bù trừ" những lo ngại về nguồn cung.
Trong khi đó, tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm giảm xuống 400 USD/tấn trong tuần này, giảm so với mức 420 USD/tấn của tuần trước.
Còn tại Việt Nam, giá gạo 5% tấm giảm xuống mức 395- 413 USD/tấn, giảm từ mức 415- 420 USD/tấn của tuần trước.
Một thương nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Nhu cầu yếu trong khi nguồn cung nội địa tăng mạnh nhờ vào vụ thu hoạch Hè Thu”.
* Thị trường nông sản Mỹ
Trong phiên giao dịch ngày 29/7, giá các loại nông sản kỳ hạn trên sàn giao dịch Chicago (Mỹ, CBOT) biến động trái chiều, với giá ngô và đậu tương tăng trong khi giá lúa mỳ giảm.
Chốt phiên này, giá ngô giao tháng 12/2022 tăng 1 xu Mỹ (tương đương 0,16%) lên 6,2 USD/bushel. Giá đậu tương giao tháng 11/2022 tăng 28 xu Mỹ (1,94%), lên 14,685 USD/bushel. Còn giá lúa mỳ giao tháng 9/2022 giảm 9,25 xu Mỹ (1,13%) xuống 8,0775 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Giá lúa mỳ của Mỹ giảm trước tin tức rằng một số lô hàng hóa mắc kẹt có thể rời cảng vào cuối tuần này nhờ một hành lang xuất khẩu an toàn được Nga và Ukraine thiết lập. Trong khi đó, công ty nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago cho rằng của thị trường sẽ tiếp tục biến động mạnh. Theo số liệu thống kê, thị trường đậu tương trải tuần giao dịch tăng trưởng tốt nhất kể từ năm 2004.
* Thị trường cà phê thế giới
Trong phiên giao dịch cà phê ngày 30/7, giá cà phê thế giới kỳ hạn tiếp tục trái chiều khi đồng USD suy yếu đã hỗ trợ hầu hết các đồng tiền mới nổi lấy lại giá trị.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London kéo dài chuỗi tăng lên phiên thứ năm. Giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 9/2022 tăng thêm 15 USD, lên 2.030 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 11 tăng thêm 14 USD, lên 2.028 USD/tấn, các mức tăng đáng kể. Khối lượng giao dịch duy trì trên mức trung bình. Giá Robusta London lên đứng ở mức cao 4 tuần.
Trái lại, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York tiếp tục sụt giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 giảm thêm 1,20 xu Mỹ, xuống 217,20 xu Mỹ/lb và kỳ hạn giao tháng 12 giảm thêm 0,80 xu Mỹ, còn 213,80 xu Mỹ/lb, các mức giảm nhẹ (1 lb = 0,4535 kg). Khối lượng giao dịch khá cao trên mức trung bình.
Trong khi đó, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên tăng thêm 300 – 400 đồng, lên dao dộng trong khung 40.500 – 41.100 đồng/kg.
Giá cà phê kỳ hạn diễn biến trái chiều tương tự như phiên ngày hôm trước, sụt giảm ở New York và duy trì đà tăng ở London. Giá cà phê Robusta còn có thêm sự hỗ trợ của báo cáo kinh tế khu vực Eurozone vẫn tăng trưởng vững chắc, cho dù đang xảy ra cuộc xung đột ở Đông Âu và khủng hoảng năng lượng trong khu vực đã đẩy giá hàng hóa lên cao.
Báo cáo lạm phát của Mỹ, không bao gồm lương thực và năng lượng (PCE), trong tháng Sáu đã tăng cao hơn dự kiến của thị trường, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước, làm dấy lên lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục mạnh tay để kiềm chế lạm phát trong cuộc họp chính sách tháng 9 tới.