Thu hoạch cá tra tại vùng nuôi ở huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp (ảnh tư liệu).
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp ông Huỳnh Minh Tuấn cho biết, năm 2025, ngành hàng cá tra nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm và sản xuất bền vững, phấn đấu có 100% cơ sở nuôi cá tra được số hóa mã nhận diện theo quy định; 100% cơ sở nuôi cá tra thương phẩm được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất hoặc ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn theo quy định; 50% diện tích nuôi cá tra thương phẩm áp dụng và được chứng nhận tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt GAP và 90% diện tích hộ cá thể nuôi cá tra tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ. Trên 75% con giống phục vụ nuôi thương phẩm là con giống chất lượng cao; đảm bảo 60% các cơ sở sinh sản cá tra bột phải sử dụng đàn cá cải thiện di truyền. Trên 85 - 90% cơ sở nuôi nuôi cá tra cung ứng nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu. Trên 90% cơ sở chế biến cá tra xuất khẩu đạt được chứng nhận HACCP, ISO 2200.
Tỉnh phát triển diện tích nuôi cá tra năm 2025 là 2.450 ha, với sản lượng 555.000 tấn, tương đương giá trị sản xuất trên 9.000 tỷ đồng. Giá trị xuất khẩu cá tra đạt trên 980 triệu USD.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, tỉnh tập trung phát triển ngành hàng cá tra theo hướng hiện đại, chú trọng sản phẩm giá trị gia tăng đáp ứng điều kiện về chất lượng và an toàn thực phẩm phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Đồng Tháp hiện có 378 cơ sở nuôi cá tra thương phẩm được cấp mã số nhận diện ao nuôi với diện tích 1.630 ha. Đến nay, toàn tỉnh có 91,5% cơ sở nuôi cá tra thương phẩm được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất hoặc ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn theo quy định. Về giống cá tra, toàn tỉnh có 94 cơ sở sản xuất giống; hơn 1.000 cơ sở ương dưỡng giống cá tra. Hàng năm các cơ sở sản xuất ước đạt hơn 1,2 tỷ con giống cá tra đủ cung cấp vùng nuôi trong tỉnh.
Một thành tựu quan trọng trong các mô hình nuôi cá tra trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã áp dụng ứng dụng công nghệ hiện đại vào nuôi giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Tỉnh đã đầu tư vào nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới như chọn giống chất lượng cao, công nghệ chế biến sâu và các giải pháp sinh học để cải thiện hiệu quả sản xuất. Đặc biệt, việc kiểm soát chất lượng và an toàn thực phẩm giúp sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế. Nhờ áp dụng công nghệ tiên tiến và tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng như ASC, GlobalGAP, BAP,… sản phẩm cá tra Đồng Tháp đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường quốc tế. Cá tra Đồng Tháp tiếp tục chinh phục nhiều thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ, EU...
Hệ thống giao thông đường thủy là lợi thế của tỉnh Đồng Tháp trong phát triển cá tra bền vững, để vận chuyển con giống, thức ăn và sản phẩm trong các vùng nuôi cá Tra. Đồng Tháp có lực lượng lao động dồi dào và có kỹ năng, đặc biệt là trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Hiện nay, tỉnh có trên 30.000 lao động trực tiếp tham gia vào các hoạt động nuôi cá tra, chế biến và dịch vụ liên quan.
Để phát triển ngành hàng cá tra bền vững ngoài phương thức liên kết theo chiều dọc giữa hộ nuôi với các doanh nghiệp thì trên địa bàn tỉnh còn có phương thức liên kết theo chiều ngang giữa các hộ nuôi với nhau theo hình thức là hội quán, hợp tác xã, tổ hợp tác. Các mô hình này giúp giảm thiểu rủi ro, tối ưu hóa chi phí sản xuất và tăng cường khả năng cạnh tranh.
Tỉnh Đồng Tháp hiện có 28 nhà máy chế biến cá tra với công suất thiết kế 700.000 tấn/năm, góp phần đủ khả năng chế biến cá tra thành phẩm xuất khẩu tại nhiều thị trường quốc tế, đặc biệt là các nước Mỹ, EU, Trung Quốc... Sự gia tăng nhu cầu tiêu thụ cá tra ở các thị trường này đã thúc đẩy các doanh nghiệp mở rộng sản xuất để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Các doanh nghiệp đã đầu tư vào công nghệ chế biến hiện đại và nâng cấp dây chuyền sản xuất, giúp tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Các hệ thống tự động hóa và công nghệ mới cũng giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình sản xuất, từ đó tăng sản lượng chế biến.
Nổi bật ở Đồng Tháp có Công ty TNHH Hùng Cá giữ vững vùng nuôi hơn 700 ha. Công ty áp dụng các quy trình sản xuất khép kín từ khâu nuôi, chế biến và xuất khẩu theo tiêu chuẩn quốc tế, bảo đảm được nguồn nguyên liệu ổn định, giám sát nghiêm ngặt quá trình sản xuất. Ông Trần Văn Hùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hùng Cá cho biết, để phát triển sản xuất cá tra bền vững phải tuân thủ đúng quy trình quốc tế về hệ thống nước, ao nuôi, kỹ thuật nuôi và hệ thống nhà máy chế biến cá tốn rất nhiều kinh phí nhưng bù lại, cá nuôi ít bệnh, sản lượng tăng từ 3-5%, nâng cao chất lượng sản phẩm và hạ giá thành sản xuất...