Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, tổng diện tích gieo trồng khoai lang ở huyện Châu Thành được hơn 3.400 ha, chiếm 98,6% diện tích trồng khoai lang toàn tỉnh, tập trung trồng nhiều nhất là ở các xã Tân Phú, Phú Long và Hòa Tân. Trồng giống khoai tím Nhật chiếm 85%, năng suất bình quân 34 tấn/ha, sản lượng hằng năm đạt 115.821 tấn, giá trị đạt hơn 367 tỷ đồng. Vùng trồng khoai lang ở huyện Châu Thành thành lập được 2 Hợp tác xã, 2 Tổ hợp tác và 2 Hội quán sản xuất và kinh doanh khoai lang.
Để khoai lang có giá trị xuất khẩu, trước mắt huyện Châu Thành tập trung phát triển chuỗi giá trị thông qua việc xây dựng các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn VietGAP. Mục tiêu hỗ trợ nông dân canh tác khoai lang đạt năng suất, chất lượng, an toàn đạt hiệu quả kinh tế cao.
Vừa qua, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Châu Thành triển khai thí điểm mô hình giảm giá thành sản xuất khoai lang theo hướng VietGAP năm 2020 tại xã Tân Phú với diện tích 50 ha, có 41 hộ tham gia sản xuất. Tham gia mô hình này, ước tính chi phí giống, phân bón, chăm sóc cho vụ khoai lang chỉ khoảng 22 triệu đồng/ha, giảm khoảng 10 - 20% so với phương pháp cũ.
Khi tham gia mô hình, các hộ được hỗ trợ sử dụng giống khoai lang tím có chất lượng và làm đất, bón phân theo đúng quy trình, ghi chép nhật ký sản xuất... Qua sử dụng VietGAP việc sử dụng phân hữu cơ vi sinh giúp hệ sinh vật trong đất ổn định, từ đó áp lực bệnh hại giảm nên số lần phun thuốc bệnh giảm, giúp tiết kiệm chi phí và đảm bảo sức khỏe khi canh tác. Mô hình cũng góp phần giúp nông dân thay đổi được thói quen, tập quán sản xuất cũ.
Theo ThS.Nguyễn Vĩnh Phúc - Phân viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, để khai thác tối đa tiềm năng ngành hàng khoai, cần nghiên cứu chế biến một số sản phẩm từ khoai như: bột dinh dưỡng từ khoai, khoai sấy, khoai chế biến chân không, sữa khoai, rượu khoai, miến khoai... Điều này góp phần tạo ra các sản phẩm giá trị gia tăng, tạo sức cạnh tranh nông sản. Bên cạnh đó, nghiên cứu đầu tư thiết bị và công nghệ sau thu hoạch; hoàn thiện quy trình sơ chế, xử lý và bảo quản khoai; đẩy mạnh việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất khoai.
Huyện Châu Thành đang từng bước sản xuất đạt tiêu chuẩn OCOP cho các sản phẩm chế biến từ khoai lang. Theo anh Huỳnh Thanh Hiệp - Giám đốc Công ty TNHH Nam Huy Đồng Tháp cho biết, trước đây vùng trồng khoai lang ở Châu Thành chủ yếu được trồng bán tươi. Hiện nay, khoai lang được công ty của anh và nhiều công ty khác thu mua sản phẩm và chế biến ra các sản phẩm khoai lang sấy, tạo ra chuỗi giá trị của ngành hàng khoai lang; đồng thời làm ra sản phẩm chất lượng để đạt sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm). Ngoài sấy khô bán, khoai lang còn được làm bánh, mứt và sắp tới sẽ được làm ra nhiều sản phẩm khác.
Huyện Châu Thành chú trọng việc quy hoạch vùng sản xuất khoai lang, từng bước sản xuất theo tiêu chuẩn để xuất khẩu, hướng đưa khoai lang vào chế biến thành sản phẩm OCOP chất lượng cao. Hướng từ cánh đồng sản xuất nguyên liệu ra đến sản phẩm OCOP. Song song đó, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại; tăng cường sự kết nối giữa doanh nghiệp với nông dân trồng khoai; phát triển đa dạng các sản phẩm từ khoai lang gắn với Chương trình OCOP của địa phương.
Ông Võ Đình Trọng - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành cho biết, thời gian tới, để phát triển ngành hàng khoai lang, huyện sẽ tập trung duy trì ổn định vùng quy hoạch khoai lang của huyện. Cùng với đó, tập trung phát triển ngành hàng theo hướng liên kết sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị, gắn chế biến để phát triển sản phẩm OCOP; tăng cường quản lý nhà nước trong sản xuất, kinh doanh giống khoai lang; xây dựng nhãn hiệu tập thể đối với sản phẩm khoai lang Châu Thành.