Theo đó, tại văn bản số 2617/UBND-KTN cho ý kiến bổ sung về dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu do UBND tỉnh Đồng Nai gửi Bộ Giao thông Vận tải vào tháng 3/2022, tỉnh Đồng Nai cho rằng, qua rà soát sơ bộ chi phí giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn tỉnh, chi phí giải phóng mặt bằng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được đơn vị tư vấn khái toán là thấp so với mặt bằng chung của các dự án đã, đang được địa phương triển khai thu hồi đất. Tỉnh đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo đơn vị tư vấn cập nhật lại chi phí giải phóng mặt bằng của dự án sao cho phù hợp với tình hình thực tế.
Tiếp đó, trong phiếu xin ý kiến thành viên Hội đồng thẩm định Nhà nước về kết quả thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu vào ngày 17/3/2022, ở mục ý kiến khác, UBND tỉnh Đồng Nai tiếp tục đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo đơn vị tư vấn cập nhật lại chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng của dự án cho phù hợp với thực tế.
Đồng thời, UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng, để triển khai cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, ngành chức năng phải thu hồi đất của hàng nghìn hộ; trong đó, có trên 2.800 hộ giải tỏa "trắng"; tỉnh dự kiến xây dựng 4 khu tái định cư phục vụ người dân. Việc thu hồi đất, xây khu tái định cư gặp nhiều khó khăn, Đồng Nai khó hoàn thành giải phóng mặt bằng trong năm 2023.
Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu chiều dài gần 54km, từ Đồng Nai đến Bà Rịa – Vũng Tàu với tổng mức đầu tư khoảng 18.000 tỷ đồng, quy mô từ 4 - 6 làn xe theo từng đoạn tuyến. Cao tốc được chia làm 3 dự án thành phần; trong đó, dự án thành phần 1 và thành phần 2 thuộc địa bàn Đồng Nai, dự án thành phần 3 thuộc Bà Rịa – Vũng Tàu. Theo khái toán, chi phí giải phóng mặt bằng dự án thành phần 1 tăng gần 1.200 tỷ đồng; dự án thành phần 2 tăng hơn 1.400 tỷ đồng; dự án thành phần 3 tăng gần 1.000 tỷ đồng.
Tháng 6 vừa qua, cao tốc Biên Hòa khởi công, song đến nay việc thi công tại 2 dự án thành phần ở Đồng Nai bị ngưng trệ, nguyên nhân là hầu hết mặt bằng chưa được bàn giao.