Đồng Nai thả cá giống để tái tạo nguồn lợi thủy sản

Ngày 1/4, tỉnh Đồng Nai tổ chức Lễ phát động thả cá giống nhằm tuyên truyền và thực hiện việc tái tạo nguồn lợi thủy sản vào vùng nước tự nhiên ở khu vực sông Đồng Nai tại chùa Phước Thạnh Cổ Tự, xã Bình Hòa, huyện Vĩnh Cửu. Đây cũng là hoạt động chào mừng Kỷ niệm 63 năm Ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam (1/4/1959 - 1/4/2022).

Chú thích ảnh
Thả cá giống trên sông Đồng Nai. Ảnh: TTXVN phát

Tại buổi lễ, hơn 130.000 cá thể giống gồm: tôm càng xanh, cá chạch lấu, cá thát lát cườm và các loại cá trắm đen, mè trắng, mè hoa, chép và một số loại cá khác đã được thả vào sông Đồng Nai. Tiếp theo vào ngày 2/4, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Đồng Nai và phật tử cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai tiếp tục thả cá phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản tại Hồ Trị An với số lượng hơn 100.000 con. Kinh phí chủ yếu từ nguồn xã hội hóa.

Theo ông Cao Văn Quang, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Nai cho biết, buổi lễ thả giống phóng sinh, tái tạo, bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản năm 2022 với mong muốn phát động toàn dân tham gia bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản, chung tay thả giống thủy sản vào các vùng nước tự nhiên để góp phần phục hồi nguồn lợi thủy sản, phục hồi đa dạng sinh học trên hệ thống sông Đồng Nai.

Tại buổi lễ, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Nai phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ, phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản, đưa việc thả giống phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản trở thành phong trào thi đua thiết thực nhằm góp phần phục hồi, ưu tiên tái tạo quần đàn các loài thủy sản đang bị suy giảm trên địa bàn tỉnh.

Đồng Nai là một tỉnh nằm trong vùng nội địa, không giáp biển nhưng với diện tích mặt nước lớn nhất vùng Đông Nam bộ, nhiều thuận lợi cho phát triển nuôi thủy sản như có các hồ chứa thủy điện, hệ thống hồ đập, sông ngòi khá phong phú; hệ thống sông Đồng Nai, sông La Ngà và sông Thị Vải với diện tích gần 70.000 ha mặt nước.

Cơ cấu ngành thủy sản đang có sự chuyển dịch khá rõ rệt theo hướng tăng nhanh tỷ trọng nuôi trồng, giảm tỷ trọng khai thác. Toàn tỉnh có 18 hồ chứa nước thủy lợi và trên 60 con sông, kênh rạch lớn nhỏ thuận lợi cho việc nuôi trồng các loài thủy sản; đặc biệt 2 con sông lớn là sông Đồng Nai và sông La Ngà ảnh hưởng và chi phối rất lớn đến điều kiện thủy văn của tỉnh.

Trên hệ thống sông Đồng Nai có khoảng 300 loài cá sống trong nước ngọt, nước lợ và nước mặn; trong đó, có 17 loài nằm trong sách đỏ Việt Nam ở các mức độ đe dọa khác nhau cần được bảo vệ. Thành phần các giống loài thủy sản trên sông Đồng Nai rất đa dạng với 127 loài cá thuộc 15 họ; 12 loài tôm nước ngọt thuộc họ Palaemonidae.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, trong các năm qua, Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã tích cực lao động, sản xuất để từng bước vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thúc đẩy phát triển ngành thủy sản góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế chung của ngành nông nghiệp. Giá trị sản phẩm thủy sản năm 2021 đạt từ 2,6 - 2,8%, sản lượng thủy sản đạt 69.173 tấn; trong đó, sản lượng nuôi trồng là 63.263 tấn, sản lượng khai thác là 5.910 tấn; toàn tỉnh có khoảng 1.360 phương tiện khai thác thủy sản; trong đó có hơn 200 phương tiện hoạt động trên sông Đồng Nai.

Nguồn lợi thủy sản ở các thủy vực tự nhiên trên địa bàn tỉnh ngày càng giảm sút nghiêm trọng cả về thành phần giống loài cũng như sản lượng do tác động của tự nhiên và con người qua việc khai thác thủy sản bằng các phương pháp không theo quy định. Một số loài cá đã mất đi, một số loài đã và đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng ngoài thủy vực tự nhiên.

Nhiều loài cá trước đây hiện diện phổ biến trên lưu vực sông Đồng Nai, song nay lại rất hiếm gặp như cá sơn đài, cá may, cá me, cá ngựa xám, cá ngựa xương, cá cóc đậm, các loài cá trèn. Một số loài thủy sản nước ngọt đặc hữu có giá trị kinh tế, khoa học tại khu vực sông Đồng Nai như tôm càng xanh (Macrobrachium rosenbergii), cá vồ đém (Pangasius larnaudii), cá chạch lấu (Mastacembelus favus), cá bống tượng (Oxyeleotris marmorata), cá lăng nha (Hemibagrus wyckioides), cá thát lát cườm (Chitala ornate) ngày càng suy giảm nghiêm trọng cần được bảo vệ, phục hồi và phát triển.

Cũng dịp này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Đồng Nai đã ký Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực phóng sinh, tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Nguyễn Văn Việt (TTXVN)
Thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản và tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân
Thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản và tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân

Nhân kỷ niệm 63 năm Ngày truyền thống ngành thủy sản Việt Nam (1/4/1959-1/4/2022), ngày 31/3, tại bến sông Nhật Lệ (thành phố Đồng Hới, Quảng Bình), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Bình và Báo Người Lao động tổ chức thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản và tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN