Đồng Nai: Đeo vòng... cho lợn, người nuôi lúng túng

Trước việc giá lợn liên tục xuống thấp, nhiều người chăn nuôi thua lỗ nặng nề, phải bỏ trang trại, đầu tháng 4/2017, Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai đã có văn bản kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm cứu ngành chăn nuôi.

Theo đó, Hiệp hội Chăn Nuôi tỉnh Đồng Nai kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét việc quản lý giá vắc xin và thuốc thú y, ngăn chặn tình trạng độc quyền, tự ý nâng giá như trong thời gian qua.

Giá lợn tại Đồng Nai xuống thấp khiến người chăn nuôi “đứng ngồi không yên”. Ảnh: Lê Xuân/TTXVN

Theo lý thuyết, chi phí vắc xin, thuốc thú y chỉ chiếm 3% giá thành chăn nuôi nhưng hiện ở Việt Nam chi phí này chiếm tới 10%. Khảo sát của Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cho thấy, từ đầu năm 2017 đến nay, giá thuốc thú y, vắc xin trên thị trường liên tục tăng, có những loại thuốc tăng giá tới 21% so với cuối năm 2016.

Từ tháng 3/2017, TP Hồ Chí Minh quy định lợn phải đeo vòng truy xuất nguồn gốc (mỗi con đeo 2 vòng, giá mỗi vòng là 3.000 đồng) thì mới được bán vào thị trường thành phố. Người chăn nuôi ở Đồng Nai ủng hộ chủ trương này song cách làm hiện nay còn nhiều bất cập, khiến bà con gặp rất nhiều khó khăn.

Hiện mỗi ngày có khoảng 5.000 con lợn tại Đồng Nai được xuất bán vào TP Hồ Chí Minh. Đây là thị trường tiêu thụ lợn chủ yếu của Đồng Nai. Theo quy định, lợn muốn bán vào TP Hồ Chí Minh cần phải đeo vòng chân nhận diện, trong khi người chăn nuôi lợn tại Đồng Nai chưa nắm rõ quy định này thì thành phố đã triển khải áp dụng.

Việc này đã gây lúng túng, khó khăn cho người nuôi trong bối cảnh đang thua lỗ vì giá lợn xuống đáy trong những ngày qua (27.000 - 30.000 đồng/kg).

Với quy định đeo vòng, mỗi con lợn phải gánh thêm chi phí 6.000 đồng, điều này khiến giá thành chăn nuôi tăng. Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cũng kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì chủ trì hội thảo nhằm thống nhất phương pháp triển khai truy xuất nguồn gốc lợn tất cả các tỉnh, thành trong cả nước hoặc toàn khu vực miền Nam; Hỗ trợ chi phí vòng truy xuất nguồn gốc cho người dân ở Đồng Nai, nhằm giúp họ vượt qua khó khăn, đến khi giá lợn ổn định trở lại người chăn nuôi sẽ tự trả tiền đeo vòng.


Theo ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, trên địa bàn tỉnh hiện có trên 2 triệu con lợn. Với giá bán như hiện nay, người nuôi thua lỗ từ 800.000 đồng - 1.000.000 đồng/con lợn. Bên cạnh giá lợn xuống thấp, hơn 1 tháng qua, các đại lý bán thức ăn, thuốc thú y trên địa bàn tỉnh không cho người chăn nuôi được trả chậm, khiến khó khăn của họ thêm chồng chất.

Vài tháng nữa, nếu giá lợn vẫn duy trì như hiện nay cộng với ngành chức năng không đưa ra giải pháp hỗ trợ, có thể sẽ xảy ra tình trạng người nuôi bỏ trại đồng loạt.

Công Phong (TTXVN)
Vẫn còn hộ chăn nuôi trong nội đô thành phố Biên Hòa
Vẫn còn hộ chăn nuôi trong nội đô thành phố Biên Hòa

Từ tháng 8/2016, UBND thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) thực hiện cưỡng chế bằng cách ngừng cung cấp điện sinh hoạt đối với các hộ chăn nuôi lợn tại các phường Long Bình, Trảng Dài và Tân Phong (3 phường nội đô của thành phố Biên Hòa).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN