Đồng hành cùng Tây Nguyên phát triển

Sự vào cuộc

Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ 2 năm 2013 tổ chức tại Gia Lai, chương trình an sinh xã hội đã có 14 ngân hàng thương mại, tập đoàn, công ty, doanh nghiệp tham gia ủng hộ với số tiền trên 248,39 tỷ đồng, trong đó, tiền tài trợ từ các ngân hàng thương mại chiếm 73,5%. Đến Hội nghị xúc tiến đầu tư, an sinh xã hội vùng Tây Nguyên lần thứ 3 năm 2015 tổ chức tại Lâm Đồng, có 31 đơn vị tham gia góp sức, gồm các bộ, ngành, địa phương, các ngân hàng thương mại, tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, ủng hộ số tiền 166,11 tỷ đồng. Từ nguồn vốn hỗ trợ này, các tỉnh Tây Nguyên cam kết đầu tư xây dựng trường học, trạm xá, hỗ trợ sản xuất, xóa nhà tạm cho đồng bào các dân tộc nghèo ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trao tiền hỗ trợ xây nhà cho người nghèo của 5 tỉnh Tây Nguyên trong Chương trình an sinh xã hội - nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “Khát vọng đại ngàn” tổ chức tại Lâm Đồng.


Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn VinGroup) đã triển khai gói hỗ trợ 5.000 con bò sinh sản, trị giá 50 tỷ đồng cấp trực tiếp cho 5.000 hộ gia đình đồng bào nghèo ở 5 tỉnh Tây Nguyên, mỗi tỉnh 1.000 con. Đặc biệt, Quỹ Thiện Tâm còn trực tiếp đi mua bò sinh sản để về nuôi dưỡng vỗ béo, tiêm phòng dịch bệnh, nuôi nhốt thích nghi môi trường từng vùng, từng địa phương, sau đó mới cấp trực tiếp cho từng hộ gia đình nghèo. Hiện nay, Quỹ Thiện Tâm của Tập đoàn VinGroup đã cơ bản cấp xong bò sinh sản cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nghèo ở các tỉnh Tây Nguyên.

Trung ương Hội và Hội Chữ thập đỏ các cấp cũng đã tích cực triển khai các hoạt động nhân đạo trên địa bàn khu vực Tây Nguyên, với tổng số tiền hỗ trợ trên 83,7 tỷ đồng để trợ giúp cho 475.708 đồng bào các dân tộc có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào nghèo. Trong đó, tiếp tục triển khai chương trình “Ngân hàng bò, chung sức cùng đồng bào các huyện nghèo, xã biên giới xây dựng nông thôn mới”, hỗ trợ cho đồng bào bị nhiễm chất độc da cam từ vật chất đến chăm sóc sức khoẻ… góp phần cải thiện cuộc sống mang lại niềm vui, hạnh phúc cho nạn nhân cũng như gia đình nạn nhân chất độc da cam. Các Ngân hàng thương mại cổ phần như Kỹ thương, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đầu tư và Phát triển, Ngoại thương Việt Nam... đã tự nguyện tham gia đóng góp mỗi ngân hàng từ 20 - 66,5 tỷ đồng để làm nhà ở cho các hộ gia đình đồng bào DTTS nghèo, gia đình neo đơn, các gia đình chính sách. Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cũng thăm, tặng quà cho đồng bào nghèo ở các tỉnh Tây Nguyên và 29 huyện miền núi giáp Tây Nguyên gần 8 tỷ đồng. Tổng Công ty Dầu khí Việt Nga, Tập đoàn Viễn thông Quân đội, Công ty Dầu khí Vietsopetro, Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam, Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội… đầu tư xây dựng nhiều trường học, trạm y tế, mua sắm các trang thiết bị khám chữa bệnh, bàn ghế, đồ dùng học tập… trị giá hàng trăm tỷ đồng hỗ trợ các địa phương vùng sâu, vùng xa. Thành phố Hồ Chí Minh trích ngân sách trên 70 tỷ đồng để đầu tư xây dựng nhà ở, trường học, trạm y tế, điện, cầu, đường giao thông nhằm giúp đồng bào các dân tộc Tây Nguyên ở vùng sâu, vùng xa khám chữa bệnh, học tập, sinh hoạt, đi lại... được thuận lợi hơn.

Tập trung nguồn lực cho giảm nghèo

Tại các Hội nghị xúc tiến đầu tư Tây Nguyên, bên cạnh việc thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, các tỉnh Tây Nguyên còn trao giấy chứng nhận đầu tư cho hàng trăm dự án của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần thứ 3, các tỉnh Tây Nguyên đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 13 dự án của 13 doanh nghiệp với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 16.643 tỷ đồng, tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi), du lịch, thương mại, chế biến sản phẩm nông nghiệp, khai thác, chế biến khoáng sản, năng lượng, giáo dục. Ngành ngân hàng ký hợp đồng tín dụng cam kết đầu tư vốn tín dụng vào các lĩnh vực giao thông, vận tải, thủy điện, nông nghiệp… gồm 15 dự án và 3 thỏa thuận hợp tác với tổng số tiền cam kết đầu tư lên đến 14.485 tỷ đồng.


Từ các nguồn vốn hỗ trợ của các bộ, ngành, các doanh nghiệp, các tỉnh, thành phố trong cả nước đã góp phần tạo điều kiện cho Tây Nguyên phát triển. Chỉ riêng 5 tháng đầu năm nay, tổng vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do các tỉnh quản lý đã thực hiện được trên 2,6 nghìn tỷ đồng, cùng với nguồn vốn hỗ trợ của các doanh nghiệp, bộ, ngành để tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế, cấp nước sinh hoạt nông thôn, đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới. Tuy bị hạn hán, nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn khá ổn định. Cơ cấu cây trồng tiếp tục chuyển đổi, diện tích cây công nghiệp có nhu cầu thị trường cao tăng khá. Ngày càng có thêm nhiều mô hình đầu tư thâm canh, sản xuất sạch, áp dụng công nghệ cao trong lĩnh vực trồng cây ăn quả, chè, rau, hoa, nuôi bò, cá nước lạnh… Chăn nuôi nhiều nơi đã chuyển dần từ nhỏ lẻ sang quy mô trang trại... Đời sống đồng bào, nhất là đồng bào DTTS không ngừng tăng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống chỉ còn 10,12%, bình quân mỗi năm giảm gần 3% …

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Chính trị trong Kết luận số 12-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị (khóa IX) phát triển vùng Tây Nguyên thời kỳ 2011 - 2020, tình hình Tây Nguyên vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Tiềm lực, trình độ phát triển kinh tế, xã hội còn ở mức thấp, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội yếu kém, chưa đồng bộ, chất lượng nguồn nhân lực thấp. Chênh lệch giàu nghèo giữa các bộ phận dân cư và nhiều buôn làng chưa thoát ra khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu… Do vậy, trong thời gian tới các tỉnh vùng Tây Nguyên mong muốn các bộ, ngành Trung ương, các ngân hàng, các doanh nghiệp trong ngoài nước, các địa phương càng có thêm nhiều nguồn lực hỗ trợ để góp phần tạo điều kiện cho các tỉnh Tây Nguyên phát triển bền vững.

Từ năm 2013 đến nay, thông qua hai Hội nghị xúc tiến đầu tư do Ban Chỉ đạo Tây Nguyên phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức đã vận động doanh nghiệp, nhà đầu tư, các địa phương và cá nhân trong cả nước đóng góp trên 414,5 tỷ đồng để cùng với các tỉnh Tây Nguyên thực hiện tốt công tác an sinh xã hội cho đồng bào các dân tộc thiểu số nghèo ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.


Quang Huy
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN