Đồng euro đã tăng lên mức 1,0226 USD đổi 1 euro – tương đương mức tăng 0,5% trong ngày.
Các hợp đồng tương lai gắn với chỉ số Nasdaq 100 và S&P 500 tăng 0,2% trong phiên giao dịch châu Á, trong khi hợp đồng tương lai châu Âu tăng 0,4%.
Theo hãng tin Reuters, động thái nối lại dòng chảy khí đốt từ Nga sang Đức đã tạm xóa tan nỗi lo ngại về kịch bản Nga ngừng cung cấp hoàn toàn khí đốt cho châu Âu. Bên cạnh đó, trong ngày 21/7, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng nhóm họp bắt đầu thảo luận về một chu kỳ tăng lãi suất mới của châu Âu. Các thị trường đang đặt cược vào mức tăng 25 điểm cơ bản hoặc 50 điểm cơ bản với mục đích hỗ trợ trong trường hợp đồng euro giảm xuống dưới 1 USD.
“Họ cần phải tăng lãi suất để đối phó với lạm phát đang gia tăng kỷ lục. Nhưng thách thức nan giải mà họ gặp phải là việc thiếu quy hoạch an ninh năng lượng, điều đã đẩy các khu vực của Liên minh châu Âu rơi vào tình thế rất khó khăn”, George Boubouras – người đứng đầu Quỹ Quản lý tài sản K2 tại Melbourne - nhận định.
Ông Joe Manimbo, nhà phân tích thị trường cấp cao tại công ty dịch vụ tài chính Western Union Business Solutions, cho biết thị trường tiền tệ tiếp tục chờ chính sách của các ngân hàng trung ương. Chuyên gia này nhận định đang diễn ra một sự thay đổi tinh tế nhưng quan trọng trong triển vọng chính sách tiền tệ xuyên Đại Tây Dương và điều đó đang có lợi cho đồng euro. Tuy nhiên, các nhà phân tích vẫn chưa có gì chắc chắn về việc liệu đồng euro đã thực sự chuyển sang xu hướng tăng giá hay chưa.
Ông Dominic Bunning, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu ngoại hối châu Âu tại ngân hàng HSBC, cho biết đợt tăng này có khả năng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.