Những năm gần đây, một loạt khu đô thị được xây dựng ven đô, đã tạo dựng bộ mặt mới cho đô thị Hà Nội. Tuy nhiên, các khu đô thị này đang còn nhiều bất cập về hạ tầng, chưa đáp ứng được nhu cầu đời sống của người dân nơi đây. Để giải quyết vấn đề này, kỳ họp thứ 7- HĐND Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về các chính sách ưu tiên đầu tư và huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng các khu đô thị, nhà ở, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, thuận tiện ở ngoại thành. Đây cũng là một trong những Nghị quyết để cụ thể hóa Luật Thủ đô.
Thiếu đồng bộ
Trước kỳ họp lần thứ 7, HĐND Hà Nội đã thực hiện giám sát quy hoạch tại 10 khu đô thị (KĐT) đã đưa vào sử dụng của Hà Nội. Kết quả, chỉ có 4 KĐT có trường công lập, gây khó khăn cho người dân ở KĐT khi gửi con đi học. Hạ tầng xã hội ở các khu đô thị còn rất nhiều tồn tại. Đơn cử như KĐT Nam Trung Yên đã 8 lần điều chỉnh quy hoạch cục bộ nhưng vẫn chưa thể hoàn thành hệ thống hạ tầng kỹ thuật, một số công trình dịch vụ, công trình công cộng và xã hội hóa chưa được triển khai.
Khu vực phía nam Thủ đô thay đổi nhờ các công trình hạ tầng đô thị. Ảnh: Huy Hùng – TTXVN |
Cũng theo kết quả giám sát, các khu đô thị, khu nhà ở mới khi điều chỉnh quy hoạch, thay vì đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hoàn thiện KĐT, thì lại chỉ xin tăng chiều cao công trình, tăng hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng, chuyển chức năng sử dụng đất từ cây xanh, công trình công cộng sang hỗn hợp, nhà ở cao tầng; nhiều điểm quy hoạch trên địa bàn dành cho trường học đã bị chuyển đổi mục đích sử dụng.
Theo đánh giá của Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, việc kết nối giao thông, thoát nước, xử lý nước thải… giữa KĐT mới và khu lân cận cũng còn nhiều bất cập. Việc cung cấp nước sạch ở nhiều địa điểm không đảm bảo, chất lượng nước còn có nhiều vấn đề. Hệ thống chiếu sáng tại một số khu vực trong KĐT còn thiếu. Thêm vào đó là tình trạng ách tắc giao thông thường xuyên xảy ra tại các điểm nút ra vào ở các KĐT như KĐT mới Định Công, Bắc Linh Đàm, Đại Kim… Sự gia tăng đột biến của các phương tiện giao thông, cũng như các xe tải quá khổ, đã dẫn tới sự gia tăng ách tắc và ô nhiễm.
"Hay như KĐT mới Đại Kim có cao độ nền trong KĐT cao hơn hoặc thấp hơn khu vực xung quanh, nên không có sự khớp nối hệ thống thoát nước gây nên úng lụt cục bộ sau những trận mưa to, gây khó khăn cho giao thông đi lại của khu vực", một đại biểu HĐND cho biết.
Điều 19 (Luật Thủ đô): Quản lý dân cư hướng tới giải pháp kinh tế - xã hội: Khoản 2: Giao Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội trách nhiệm ban hành chính sách ưu tiên đầu tư và huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng các khu đô thị, nhà ở, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, thuận tiện ở ngoại thành; phối hợp với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong vùng Thủ đô phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết việc làm nhằm hạn chế tình trạng di dân tự phát vào nội thành. |
Chính vì vậy, trong các đợt tiếp xúc cử tri tại khu dân cư đô thị mới, người dân đều đề nghị chủ đầu tư phải sớm hoàn thiện hạ tầng cơ sở và kỹ thuật, để đảm bảo cuộc sống cho người dân gồm nhà ở, bệnh xá, trường học, công trình văn hóa xã hội, các công trình thương mại dịch vụ (cửa hàng, hệ thống siêu thị), không gian xanh... Bên cạnh đó, cần tăng cường sự kết nối giữa KĐT với khu lân cận về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, tăng cường các diện tích cây xanh để nâng cao chất lượng cuộc sống.
Giảm áp lực tăng dân cư nội thành
Theo tính toán, Hà Nội đang phải chịu áp lực ngày một tăng do tình trạng tăng dân cư quá nhanh, đặc biệt là ở nội thành. Mật độ dân số trung bình Hà Nội hơn 2.000 người/1km2, gấp 8 lần bình quân cả nước. Riêng 4 quận nội thành cũ hiện dân số trên 1,2 triệu người trong khi hạ tầng kỹ thuật cho phép chỉ 800.000 người. Với áp lực tăng dân số trên, thành phố không đủ kinh phí cải thiện cơ sở hạ tầng, cũng như tăng khả năng cung ứng dịch vụ công như giáo dục, y tế, giao thông. Nhằm góp phần giải quyết tình trạng tập trung quá đông dân cư trong khu vực nội thành của Thủ đô và bảo đảm quy mô, mật độ, cơ cấu dân cư hợp lý trong toàn thành phố, điều 19 của Luật Thủ đô quy định đồng bộ hai giải pháp: Kinh tế - xã hội và hành chính để quản lý dân cư. Trong đó khoản 2 với việc hình thành khu đô thị ngoại thành được coi là một trong những giải pháp giảm áp lực dân số nội thành.
Theo ý kiến của các chuyên gia quy hoạch, bên cạnh các chính sách ưu tiên đầu tư và huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng các KĐT, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, cũng cần có cơ chế giám sát các chủ đầu tư thực hiện theo quy hoạch để sớm giải quyết những bất cập trong xây dựng các KĐT ven đô hiện nay, nhất là khu nhà tái định cư.