Ngày càng tồi tệTại hội thảo quốc tế “Nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mekong” diễn ra tại TP Hồ Chí Minh ngày 4/12, nhiều chuyên gia quốc tế đã lên tiếng cảnh báo rằng, ảnh hưởng từ 11 công trình thủy điện đã được đề xuất trên dòng chính sông Mekong của các quốc gia Lào, Thái Lan, Campuchia sẽ khiến vùng ĐBSCL sớm thiếu nước ngọt, tài nguyên cá cạn kiệt, tình trạng xói mòn dọc bờ biển, xâm nhập mặn sẽ ngày càng tồi tệ hơn.
Một khoảng ruộng canh tác theo mô hình tôm - lúa bị nhiễm mặn. Ảnh: Kim Há/TTXVN |
Từ năm 1994, kế hoạch xây dựng hàng loạt các công trình thủy điện của các quốc gia hạ lưu vực sông Mekong nói trên trong bối cảnh ý thức và các khái niệm về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững trong lưu vực chưa được định hình đã khiến Việt Nam - một quốc gia nằm ở cuối nguồn, quan ngại về những hệ lụy của các công trình này. Tuy nhiên, bất chấp những cảnh báo của các nhà khoa học và cả cộng đồng, việc tiến hành xây dựng các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mekong đã gây ra những hệ quả tổn thất lâu dài, không thể phục hồi đối với vùng đồng bằng ngập lũ, môi trường thủy sinh, tác động tiêu cực đến điều kiện sống của hàng triệu người dân vùng châu thổ... ngày càng hiện diện rõ nét.
Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai cho biết, hội nghị lần này nhằm để báo cáo kết quả nghiên cứu các kịch bản phát triển thủy điện dòng chính sông Mekong. Thời gian tới, còn xem xét thủy điện dòng chính kết hợp cùng các hoạt động phát triển khác mà các quốc gia ven sông đang có kế hoạch triển khai như tiếp tục phát triển thủy điện trên các dòng nhánh và kế hoạch chuyển nước ra ngoài lưu vực của Thái Lan. Từ đó, trên cơ sở ý kiến đóng góp của các bên liên quan, tư vấn quốc tế sẽ hoàn thành đánh giá tác động và đưa ra các kiến nghị về các biện pháp giảm thiểu tác động trong báo cáo cuối cùng. Sau đó sẽ chuyển giao cho các quốc gia thành viên và Ban Thư ký Ủy hội sông Mekong quốc tế nhằm xem xét điều chỉnh lại quy hoạch. |
Tại hội thảo, các nhà khoa học đã công bố công trình nghiên cứu cho thấy việc các nước thượng nguồn xây thủy điện đã tác động đến lĩnh vực nông nghiệp, sinh kế của người dân vùng hạ lưu sông Mekong. Theo đó, tổng lượng phù sa, bùn cát và dinh dưỡng bị giảm tới 65% ở khu vực Tân Châu - Châu Đốc (tỉnh An Giang) và giảm dần ở những vị trí xa dòng chính. Điều này kéo theo sự giảm sút năng suất sinh học, sản lượng nông nghiệp, làm gia tăng xói lở và ảnh hưởng tới diễn biến bồi lắng vùng ven sông và ven biển.
Về lĩnh vực thủy sản, tuyến di cư của các loài di cư xa (cá trắng) chiếm tới 74% sản lượng của 10 loài cá có giá trị kinh tế lớn nhất sẽ bị hoàn toàn cản trở. Các đập thủy điện cũng sẽ cản trở sự di chuyển lên thượng lưu và xuống hạ du của tất cả các loài cá, sinh vật thủy sinh di cư khác. “Sẽ gây giảm tới 50% sản lượng đánh bắt cá cho Việt Nam. Nguy cơ sẽ mất đi hoặc thậm chí tuyệt chủng tới 10% các loài cá. Điều này gây tổn thất sản lượng đánh bắt cá và sẽ gây tác động bất lợi tới an ninh lương thực, sinh kế, phúc lợi xã hội và kinh tế của phần lớn người dân sống trong vùng ngập lũ của Campuchia và vùng ĐBSCL của Việt Nam đang phụ thuộc trực tiếp, gián tiếp vào nghề cá và các nghề có liên quan”, Giáo sư Lan Cowx, Giám đốc Viện Thủy sản quốc tế Hull - đại học Hull (Anh) cho biết.
Sẽ không còn là “bất thường”Thời gian qua, vùng ĐBSCL đón nhận nhiều tác động tiêu cực từ những trở ngại của thiên nhiên như hiện tượng xâm nhập mặn ngay cả vào mùa mưa, ảnh hưởng không chỉ đến sản xuất nông nghiệp mà còn cấp nước sinh hoạt và đời sống cho hàng triệu người dân ven biển. Vấn đề này cần phải xác định rõ nguyên nhân không chỉ từ yếu tố biến đổi khí hậu - nước biển dâng, mà còn do sự sụt giảm ngày càng nghiêm trọng lượng nước ngọt từ thượng nguồn sông Mekong, mà phần lớn từ hệ quả của các công trình thủy điện đang hoạt động ở vùng thượng lưu.
Các nhà khoa học cho biết, hiện tượng xâm nhập mặn thường xuất hiện trên vùng các cửa sông ĐBSCL từ khoảng tháng 12 năm trước đến tháng 5 năm sau, với đỉnh điểm là cuối tháng 4 và đầu tháng 5. Tuy nhiên, yếu tố nước biển dâng cộng với lượng nước từ thượng nguồn sông Mekong về thấp nên năm 2016 mặn sẽ xâm nhập sớm và sâu vào nội địa. Theo đó, dự báo trên hệ thống sông Cửu Long, độ mặn cao nhất năm có thể xuất hiện trong tháng 3/2016 ở mức xấp xỉ hoặc cao hơn độ mặn cao nhất mùa khô năm 2015, cao hơn trung bình nhiều năm.
Việc ĐBSCL đang đối mặt với việc thiếu nước ngọt không còn là nguy cơ mà đã là hiện hữu. Theo đó, vào những ngày tháng 11 vừa qua, trên địa bàn huyện Phước Long và Hồng Dân - vùng trọng điểm sản xuất lúa tôm của tỉnh Bạc Liêu đã xuất hiện nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng với độ mặn từ 1 đến 7,9%o khiến cho gần 5.000/22.000 ha đất sản xuất bị thiệt hại nặng từ 30 - 70%. Ngành nông nghiệp địa phương còn dự báo mùa khô 2015 - 2016, việc nuôi trồng thủy sản sẽ tiếp tục gặp khó khăn do độ mặn trên các ao nuôi có khả năng tăng cao hơn 25%o, vượt quá ngưỡng tăng trưởng thích hợp của tôm, trong khi đó mực nước ngầm hạ thấp dẫn đến tình trạng thiếu nước ngọt sử dụng ở một số địa phương.
Các chuyên gia cho rằng, mặn xâm nhập sớm và sâu không còn là điều bất thường và sẽ ngày càng diễn biến xấu đi nếu 11 công trình thủy điện nói trên tiếp tục triển khai xây dựng. Trong khi đó, ngành nông nghiệp của nước ta, đặc biệt là vùng nông nghiệp trọng điểm ĐBSCL đang phải chật vật chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi; xây dựng, nâng cấp hệ thống thủy lợi, đê sông, biển trong điều kiện nguồn lực rất hạn hẹp để ứng phó với điều kiện biến đổi khí hậu. Rõ ràng, ngành nông nghiệp và nhân dân vùng ĐBSCL đang phải đối mặt với mối nguy hại “kép”.
Do vậy, việc Chính phủ Việt Nam đầu tư nguồn vốn để các nhà khoa học tổ chức nghiên cứu, đánh giá nghiêm túc, đạt tiêu chuẩn quốc tế những tác động của 11 công trình thủy điện trên dòng chính hạ lưu vực Mekong không chỉ với mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam mà còn cho cả vùng châu thổ Mekong và vùng biển hồ Tonle Sáp (Campuchia). Đó cũng là những mong mỏi của cả cộng đồng khu vực sông Mekong và của các nhà khoa học với mong muốn phát triển thủy điện theo hướng phù hợp, hài hòa hơn.