Sự kiện do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) phối hợp với Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng tổ chức.
Với chủ đề đầu tiên là "Áp dụng hiệu quả Luật Đất đai 2024 và các văn bản hướng dẫn thi hành vào thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp bất động sản", các chuyên gia tập trung làm rõ một số vấn đề "nóng" như: quy hoạch đất đai, dự án; đấu giá, đấu thầu dự án; phương pháp định giá đất, bảng giá đất; xác định giá đất cụ thể đối với các trường hợp đã được giao đất, cho thuê đất trước Luật Đất đai 2024; quy định chuyển tiếp; tác động đến doanh nghiệp bất động sản, giá bất động sản khi áp dụng cách tính giá đất mới...
Tiến sỹ Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch VNREA nhấn mạnh, với tầm quan trọng của 3 Luật mới, đặc biệt là Luật Đất đai, ngày 10/10, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ký Công điện số 105/CĐ-TTg, gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Chủ tịch HĐND và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về việc tập trung chỉ đạo, triển khai thi hành Luật Đất đai. Công điện nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sớm đưa Luật Đất đai vào cuộc sống, coi đây là nhiệm vụ cấp bách để giải quyết các khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn.
Thủ tướng cũng chỉ đạo các tỉnh, thành phố phải hoàn thành việc ban hành đầy đủ các nội dung quy định chi tiết trong Luật Đất đai và các nghị định kèm theo trước thời hạn 15/10/2024. Nếu tiếp tục chậm trễ, lãnh đạo địa phương sẽ phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ và Thủ tướng. Sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo các cấp đã tạo ra hiệu ứng thay đổi tâm lý và chính sách quan trọng cho thị trường bất động sản Việt Nam - ông Khôi dẫn chứng.
Dưới góc độ địa phương, Đại diện Hiệp hội Bất động sản Bắc Giang phản ánh: Khoản 4 điều 116 Luật Đất đai về căn cứ giao đất cho thuê đất, cho phép sử dụng đất có nêu “trường hợp quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án có phân kỳ tiến độ hoặc việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo tiến độ thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất quyết định việc giao đất, cho thuê đất theo tiến độ của dự án đầu tư, tiến độ thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư”.
Đây là quy định mới của Luật Đất đai 2024. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý ở tỉnh không thống nhất và không hiểu rõ việc thu hồi giao đất theo tiến độ là như thế nào. Liệu có phải là UBND cấp huyện thu hồi đất, giải phóng mặt bằng sạch đến đâu thì giao đất đến đó và nếu giao như vậy thì có ảnh hưởng gì đến việc xác định giá đất giữa các lần giao đất hay không.
Bên cạnh đó, tiến độ thu hồi bồi thường hỗ trợ tái định cư sẽ phải căn cứ vào quy định nào để đảm bảo quy định của pháp luật cũng đang là băn khoăn. Nếu trong dự án đầu tư ban đầu chưa xác định thì có phải là căn cứ vào kế hoạch giải phóng mặt bằng đã được UBND huyện phê duyệt không...
Chia sẻ của doanh nghiệp, ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, công tác tập huấn về Luật Đất đai 2024 vẫn còn nhiều điều cần bàn. Theo ghi nhận và phản ánh, tại rất nhiều địa phương, cấp huyện còn chậm chạp và đang loay hoay "mày mò" về Luật Đất đai. Qua hội nghị lần này, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cần lắng nghe và báo cáo lại với lãnh đạo bộ để cử cán bộ xuống địa phương hướng dẫn hoặc tổ chức tập huấn về thi hành Luật Đất đai.
Theo ông Hiếu, những dự án đang triển khai dở dang thì huyện mà chấp thuận lại chủ trương đầu tư thì e rằng sẽ khó. Theo đó, phương án thay thế có thể là thu hồi bồi thường tái định cư theo phân kỳ, tiến độ phù hợp với chủ trương đầu tư. Điều này hoàn toàn có căn cứ trong luật.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Khôi cho biết, trong quá trình làm luật, ý kiến về phân kỳ cũng đã được nêu ra. Còn tiến độ thực hiện ra sao vẫn cần phải có hướng dẫn. Ví dụ, giải phóng mặt bằng 30 ha thì tiến độ phân kỳ ra sao. Tiến độ liệu có thể hiểu là ô quy hoạch của dự án hay không. Bởi trên thực tế, ô quy hoạch chưa chắc đã được giải phóng mặt bằng mà có thể các ô quy hoạch sau còn chồng lên ô quy hoạch trước đó. Do đó, việc phân kỳ cần có sự hướng dẫn cụ thể từ Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Một trong những nội dung được nhiều doanh nghiệp quan tâm là một số địa phương chấp thuận dự án đầu tư có sử dụng đất lên đến hàng nghìn ha với tổng mức đầu tư lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng. Nhưng như vậy thì chỉ có 1 vài doanh nghiệp đủ năng lực để tham gia đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Doanh nghiệp e ngại việc này hạn chế quyền tham gia của các doanh nghiệp nhỏ hơn thông qua "giải pháp kỹ thuật".
Tiếp nhận phản ánh này, Tiến sỹ Nguyễn Quang Tuyến - Phó Chủ tịch Hội đồng Trường, Trưởng Khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội phân tích: Quy mô doanh nghiệp hiện nay chủ yếu là vừa và nhỏ nên phải tính đến năng lực tương lai của doanh nghiệp phát triển to lên, quy mô hơn. Cho nên, chính sách này của Luật Đất đai, cũng như quy định của Luật Kinh doanh bất động sản cấm phân lô tại đô thị loại 3 thì doanh nghiệp phải nâng cao năng lực, chứ không thể kéo dài thời gian khi chỉ thực hiện dự án vài ha. Đây không phải rào cản mà là động lực để doanh nghiệp thay đổi, phát triển hơn.
Hội nghị là dịp lắng nghe những ý kiến đóng góp, kiến nghị của doanh nghiệp, từ đó giải đáp các vấn đề còn gây băn khoăn hoặc vướng mắc phát sinh đã và có thể xảy đến trong thực tiễn áp dụng khuôn khổ pháp lý mới về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản cho người dân, doanh nghiệp.
Đồng thời, làm rõ những tác động của luật mới đối với hoạt động, môi trường đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp bất động sản, bao gồm cả cơ hội và rủi ro. Từ đó, đưa ra khuyến nghị phù hợp cho doanh nghiệp và đề xuất giải pháp góp phần hoàn thiện hơn chính sách pháp luật về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản, hướng tới tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.