Đổi mới công nghiệp chế biến để đổi đời sản phẩm nông nghiệp - Bài cuối: Hướng tới nền nông nghiệp xuất khẩu bền vững

Hiện nay, giá trị xuất khẩu nông sản của nước ta vẫn chưa được như kỳ vọng, do nhiều mặt hàng được chế biến, bảo quản chưa đạt tiêu chuẩn chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Do vậy, nền nông nghiệp nước ta đang đứng trước những thử thách vô cùng lớn.

 

Xây dựng thương hiệu qua chế biến

 

Theo PGS.TS. Trịnh Khắc Quang, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam: “Thị trường Mỹ, Nhật, châu Âu có nhu cầu nhập khẩu một số sản phẩm quả từ Việt Nam như: nhãn, vải thiều, thủy sản... nhưng họ đòi hỏi các sản phẩm quả của ta phải được sản xuất, chế biến theo tiêu chuẩn hàng hóa GlobalGAP (thực hành sản xuất tốt toàn cầu)”.

 

Trung tâm đóng gói hạt điều xuất khẩu của Hapro tại Bình Dương.Ảnh: Dương Chí Tưởng - TTXVN

“Do vậy, việc sản xuất nông sản chất lượng, an toàn, được chế biến tốt, gắn với việc xây dựng thương hiệu, sản xuất theo một quy trình thống nhất tại các vùng sản xuất và đạt chứng nhận GlobalGAP là rất cần thiết”, PGS.TS Trịnh Khắc Quang, nhấn mạnh.


Cùng chung quan điểm này, TS Đặng Quang Thiệu, Giám đốc Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần áp dụng công nghệ bảo quản, chế biến thực phẩm hiện đại để làm tăng giá trị của nông sản Việt, nhất là các sản phẩm xuất khẩu chủ lực”.


Cho đến nay, trên thế giới và ở Việt Nam có nhiều công nghệ chế biến, bảo quản hải sản, nông sản, thực phẩm, trong đó có công nghệ lạnh đông nhanh hay siêu nhanh (IQF) trong bảo quản, chế biến hải sản.


Tuy nhiên, ngay cả khi áp dụng phương pháp bảo quản bằng công nghệ lạnh đông nhanh, nhiều mặt hàng nông sản vẫn bị suy giảm chất lượng và thời gian bảo quản không được lâu (chỉ khoảng từ 3 đến 6 tháng). Sản phẩm sau rã đông bị suy giảm chất lượng, vì cấu trúc mô tế bào bị phá vỡ, do quá trình lạnh đông làm nước đóng băng.


Để khắc phục những nhược điểm của phương pháp trên, PGS.TS Trần Ngọc Lân, Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng, Bộ KH&CN cho biết: “Công nghệ CAS (hệ thống tế bào còn sống) là công nghệ bảo quản nông sản hiện đại nhất hiện nay. Phương pháp bảo quản này có ưu điểm là giữ được sản phẩm bảo quản tươi nguyên như ban đầu”.


Công nghệ CAS là sáng chế độc quyền của công ty ABI Nhật Bản, hiện đã được công nhận sáng chế ở Hoa Kỳ, châu Âu và 24 quốc gia khác trên thế giới.


Các sản phẩm được bảo quản bằng công nghệ CAS sau một thời gian nhất định, từ 1 đến vài năm, sau khi rã đông vẫn đạt độ tươi nguyên như lúc vừa mới thu hoạch, sản phẩm giữ nguyên được cấu trúc mô - tế bào, màu sắc, hương vị và chất lượng”, PGS.TS Trần Ngọc Lân, Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng cho biết.


Hướng tới nền nông nghiệp an toàn


Trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, những nhà nhập khẩu sẽ đòi hỏi minh bạch thông tin về nguồn gốc sản phẩm; đưa ra yêu cầu sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, đảm bảo những nguyên tắc về môi trường sản xuất an toàn, không chứa các tác nhân gây bệnh như chất độc sinh học (vi khuẩn, nấm, virus,...) và hóa chất (dư lượng thuốc BVTV, hàm lượng nitrat, kim loại nặng).


“Vì vậy, người trồng cây ăn quả phải lựa chọn loại phân bón, thuốc BVTV, phòng trừ sâu bệnh trong danh mục cho phép. Việc thu hoạch, vận chuyển sản phẩm, chế biến, bảo quản cũng phải tuân thủ đúng quy định”, PGS.TS Trịnh Khắc Quang, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam nhấn mạnh.


Nếu được sản xuất, chế biến đạt chứng nhận GlobalGAP, nông sản Việt sẽ có thêm cơ hội thâm nhập các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hoa Kỳ, các nước châu Âu.


Lê Nghĩa- Hữu Vinh

Đổi mới công nghiệp chế biến - Bài 2: Cao su thiệt đơn, thiệt kép vì xuất thô
Đổi mới công nghiệp chế biến - Bài 2: Cao su thiệt đơn, thiệt kép vì xuất thô

Ngoài các loại hoa quả nhiệt đới, cây công nghiệp cũng là một trong những thế mạnh của nông nghiệp Việt Nam. Nếu được đưa vào chế biến, giá trị của cao su sẽ tăng 10-20 lần.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN