Độc đáo mô hình khởi nghiệp từ hạt gạo và tre của thanh niên vùng cao

Những năm gần đây, phong trào khởi nghiệp diễn ra mạnh mẽ ở Sơn La. Nhiều bạn trẻ đã lựa chọn khởi nghiệp bằng sản phẩm thân thiện với môi trường, bước đầu cho thấy hiệu quả kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm cho thanh niên địa phương.

Ấn tượng với tranh thủ công làm từ gạo

Chú thích ảnh
Doanh thu từ việc làm tranh gạo của anh Lâm từ 700 - 800 triệu đồng/năm, duy trì việc làm thường xuyên cho 3 lao động là đoàn viên, thanh niên với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/tháng. 

Với niềm đam mê hội họa từ nhỏ, anh Phạm Thanh Lâm (sinh năm 1989) đã biến những hạt gạo dường như chỉ được biết đến trong ẩm thực thành các tác phẩm tranh thủ công độc đáo, mang giá trị nghệ thuật, kinh tế cao.

Anh Lâm sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Quỳnh Nhai, một huyện vùng cao của tỉnh Sơn La. Năm 2009, theo Dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La, gia đình anh chuyển đến nơi ở mới tại tổ 8, phường Chiềng Sinh, thành phố Sơn La. Tại đây, gia đình anh không có nương rẫy để canh tác nên hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Năm 2014, sau khi tốt nghiệp Khoa Sinh - Hóa, chuyên ngành Sư phạm Hóa, Trường Đại học Tây Bắc, anh đã quyết tâm khởi nghiệp, giúp phát triển kinh tế gia đình. 

Vốn là con nhà nông, anh luôn trăn trở làm thế nào để nâng cao giá trị hạt gạo. Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, cùng niềm đam mê hội họa, anh đã mày mò, tìm hiểu về dòng tranh làm từ gạo.

Anh Lâm cho biết, thời gian đầu, anh gặp nhiều khó khăn, bởi đây là một trong những dòng tranh mới, lạ tại Việt Nam nên có ít trường lớp, cơ sở đào tạo nghề này. Ngoài ra, đây là dòng tranh thủ công nên đòi hỏi sự kiên nhẫn, khéo léo, cẩn thận, tỉ mỉ từ khâu chọn gạo, rang gạo để tạo màu, phối ghép từng hạt gạo theo phác họa, xử lý chống mối mọt, phơi nắng và phủ bóng đến ép khung thành tranh. 

Sau nhiều lần thử nghiệm, anh Lâm đã tạo được hơn 30 màu gạo khác nhau, dựa trên tông màu chủ đạo là trắng, vàng, đen.

Tranh gạo của anh có đủ kích cỡ, giá bán khoảng 500.000 đồng đến 12 triệu đồng/bức, tuổi thọ trung bình khoảng 15 năm. Các thể loại tranh gạo rất đa dạng, phong phú, toát lên vẻ đẹp thiên nhiên, đất nước, con người Việt Nam nói chung và Sơn La nói riêng. Tranh gạo của anh đã có mặt tại nhiều điểm du lịch trong cả nước, là món quà lưu niệm ấn tượng được nhiều du khách ưa chuộng. 

Chú thích ảnh
Tranh gạo của anh Lâm có đủ kích cỡ, giá cả dao động khoảng 500.000 đồng đến 12 triệu đồng/bức, với tuổi thọ trung bình khoảng 15 năm. 

Năm 2017, nhận thấy tiềm năng của thị trường tranh thủ công làm từ gạo, anh Lâm quyết định thành lập Hợp tác xã tranh gạo Sơn La với 7 thành viên đều là đoàn viên, thanh niên tại tổ 8, phường Chiềng Sinh, thành phố Sơn La. Đến năm 2019, hợp tác xã của anh kết nạp thêm 5 thành viên và phát triển theo hướng đa ngành nghề. Riêng mảng làm tranh gạo có doanh thu từ 700 - 800 triệu đồng/năm, duy trì việc làm thường xuyên cho 3 lao động với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.

Anh Lò Văn Trân (sinh năm 1999) là đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn tại xã Chiềng Xôm, thành phố Sơn La. Bản thân anh không may gặp tai nạn, khuyết tật cả hai chân từ năm 17 tuổi. Anh chia sẻ, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, đang loay hoay tìm công việc phù hợp thì tình cờ anh biết đến Hợp tác xã tranh gạo Sơn La qua mạng xã hội. Anh tìm đến gặp anh Lâm và nhanh chóng nhận được sự đồng cảm với sở thích hội họa cũng như hoàn cảnh của bản thân. Anh được nhận vào học việc rồi trở thành thợ làm tranh gạo chính của hợp tác xã. Ngoài ra, hợp tác xã còn tạo điều kiện ăn, ở tại chỗ, nên hàng tháng anh gửi hầu hết tiền lương về giúp bố mẹ trang trải cuộc sống.

Là Phó Bí thư Chi đoàn tổ 8, anh Lâm luôn tâm niệm cần giúp đỡ đoàn viên, thanh niên vượt khó vươn lên. Thời gian tới, với hướng phát triển đa ngành nghề, anh Lâm mong muốn không chỉ tạo thêm việc làm mà còn mang tới cơ hội khởi nghiệp cho đoàn viên, thanh niên ở bất cứ hoàn cảnh nào. 

Sản phẩm độc đáo làm từ tre

Chú thích ảnh
TrongAnh Lê Tiến Dũng (sinh năm 1983) đã nghiên cứu và sản xuất thành công nhiều sản phẩm từ cây mạy loi (cây họ tre, trúc). 

Với ý tưởng sử dụng nguồn nguyên liệu sẵn có trong tự nhiên thay thế các sản phẩm từ nhựa để bảo vệ môi trường, anh Lê Tiến Dũng (sinh năm 1983) đã nghiên cứu và sản xuất thành công nhiều sản phẩm ống hút từ cây mạy loi (cây họ tre, trúc). Các sản phẩm này mang lại doanh thu khoảng 2 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho hơn 200 người dân địa phương. 

Sinh ra và lớn lên tại xã Hát Lót, huyện Mai Sơn (Sơn La), từ bé anh Dũng đã quen với việc giúp bố mẹ đi lấy cây mạy loi để làm bờ rào, đồ lặt vặt trong gia đình. Anh bộc bạch, lúc đó anh chưa ấn tượng với loài cây này. Đến khi đi làm, nhờ hoàn thành doanh số bán hàng, năm 2016 anh được Công ty cổ phần nội thất Hòa Phát cho đi du lịch Singapore. Anh rất thích thú khi thấy hầu hết hàng, quán đều sử dụng ống hút tre thay vì ống hút nhựa để bảo vệ môi trường. Lúc này, anh bắt đầu nghĩ tới cây mạy loi của vùng quê mình và ấp ủ ý tưởng sản xuất ống hút tre từ nguyên liệu này. 

Được biết, cây mạy loi sống nhiều tại vùng núi đá ở các huyện Mai Sơn, Thuận Châu, Quỳnh Nhai và thành phố Sơn La. Anh Dũng đã thử đi lấy về chế tạo nhưng không thành công. Với ý chí không ngại khó, ngại khổ, cuối năm 2017, anh tìm đến cơ sở sản xuất ống hút tre lâu năm tại thành phố Hội An (Quảng Nam) để tham quan và học tập kinh nghiệm. Sau nhiều tháng tự học hỏi, anh đã nghiên cứu ra quy trình sản xuất phù hợp với nguyên liệu là cây mạy loi và tự chế máy móc sản xuất thủ công. Anh thành lập Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất và thương mại dịch vụ Gia Phát, đến năm 2018 anh mở xưởng sản xuất đầu tiên tại quê nhà.

Chú thích ảnh
Các xưởng với năng suất trung bình 100.000 sản phẩm làm từ tre các loại mỗi ngày. 

Theo anh Dũng, cây mạy loi là loài tre mọc cụm, thân dẻo, nhỏ như trúc, thanh mảnh, tròn đều, cao từ 6 - 9m, có khi tới trên 10m, đường kính thân cây 2 - 3 cm rất phù hợp để làm ống hút. Bản thân loài này nhiều cành nhỏ, có khi tới 10 - 15 cành có kích thước gần bằng nhau phát triển từ nhiều gốc nên việc thu gom nguyên liệu cũng như ươm tạo cho lứa sau rất đơn giản, dễ dàng. Tuy nhiên, cây mạy loi có hàm lượng đường cao hơn so với các cây họ tre, trúc khác nên trong quy trình sản xuất anh không thực hiện luộc khử trùng, mà hấp để lấy hơi ép hết lượng đường, sau đó sấy chống mối mọt cho thành phẩm.

Anh Dũng còn đầu tư máy khắc chuyên dụng để tạo hình cho các sản phẩm quà tặng, lưu niệm đối với khách hàng, đơn vị có nhu cầu. 

Cuối năm 2018, anh mở rộng quy mô công ty với 7 nhà xưởng sản xuất đặt tại thành phố Sơn La và các huyện Mai Sơn, Thuận Châu, Quỳnh Nhai, năng suất trung bình 100.000 sản phẩm làm từ tre các loại mỗi ngày. Các sản phẩm hiện có gồm ống hút, bộ thìa - dao - dĩa, cốc uống nước, cốc giữ nhiệt cung cấp cho khách sạn, nhà hàng, cửa hàng trong và ngoài tỉnh. Công ty sản xuất theo đơn đặt hàng cho các đơn vị xuất khẩu đi một số nước như Nga, Mỹ, Pháp, Canada… Năm 2019, công ty có doanh thu khoảng 2 tỷ đồng và tạo việc làm cho trên 200 người dân địa phương, chủ yếu là phụ nữ, đoàn viên, thanh niên. 

Chú thích ảnh
Cuối năm 2018, anh Dũng mở rộng quy mô sản xuất với 7 nhà xưởng đặt tại thành phố Sơn La và các huyện Mai Sơn, Thuận Châu, Quỳnh Nhai. 

Chia sẻ về dự định sắp tới, anh Dũng cho biết, anh sẽ tập trung vào sản xuất mảng mặt hàng quà tặng, lưu niệm thân thiện với môi trường và mở rộng thị trường tiêu thụ trong cả nước. Năm 2020, riêng mặt hàng ống hút tre, công ty của anh phấn đấu sản xuất được 50 triệu sản phẩm. 

Anh Nguyễn Duy Dũng, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Sơn La đánh giá, mô hình tranh thủ công làm từ gạo của anh Phạm Thanh Lâm và các sản phẩm làm từ tre của anh Lê Tiến Dũng là các mô hình khởi nghiệp, thanh niên làm kinh tế giỏi của tỉnh Sơn La.

Các mô hình này không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao mà còn giúp giải quyết việc làm cho nhiều đoàn viên, thanh niên tại địa phương, góp phần chung tay cùng cộng đồng bảo vệ môi trường. Cùng với phong trào “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”, Tỉnh đoàn Sơn La sẽ tăng cường hoạt động quảng bá các sản phẩm của thanh niên khởi nghiệp, giới thiệu sản phẩm này tiếp cận chương trình OCOP của tỉnh, đồng thời có kế hoạch kết nối tiêu thụ trong thời gian tới.

Bài và ảnh: Diệp Anh (TTXVN)
Số 1 'Chìa khóa thành công - Những câu chuyện thật của CEO': Khởi nghiệp nơi đất khách
Số 1 'Chìa khóa thành công - Những câu chuyện thật của CEO': Khởi nghiệp nơi đất khách

“Chìa khóa thành công - Những câu chuyện thật của CEO” số 1 của năm 2020 sẽ lên sóng lúc 9h45 ngày 15/3/2020.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN