Tỷ giá tăng gây nhiều ảnh hưởng
Theo các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, USD tăng giá khiến doanh thu xuất khẩu khi quy đổi sang đồng Việt Nam tăng, giúp cho các doanh nghiệp xuất khẩu được hưởng lợi. Tuy nhiên, doanh nghiệp khi sản xuất phải nhập khẩu nhiều nguyên phụ liệu, giá USD tăng khiến doanh thu bị bội chi về phí nhập khẩu, phí vận tải (logistics) và phải gánh khoản chênh lệch tỷ giá rất lớn nếu vay nợ bằng USD.
Là chủ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hàng dệt may có thị trường trọng điểm là Nhật Bản, ông Võ Thanh Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần An Phú Thịnh (huyện Long Thành, Đồng Nai) cho hay, doanh số xuất khẩu của doanh nghiệp sang thị trường này đang bị giảm mạnh. Đặc biệt, từ nhiều tháng nay, các đối tác Nhật Bản đã yêu cầu công ty giảm giá đơn hàng đã ký để cùng chia sẻ khó khăn do bị thua lỗ về tỷ giá. Để giữ chân khách hàng, doanh nghiệp buộc phải chấp nhận giảm nhưng sẽ khó để duy trì được lâu dài.
Ông Nguyễn Đặng Hiến, Phó Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, một công ty trong khu công nghiệp đang làm các thủ tục để nhập khẩu máy móc với giá 300.000 USD. Thay vì dự toán bỏ ra dưới 7 tỉ đồng để nhập khẩu, nhưng khi USD tăng giá, doanh nghiệp sẽ phải bỏ ra từ 7,3 - 7,5 tỉ đồng.
Tương tự, ngành chế biến - xuất nhập khẩu gỗ cũng bị ảnh hưởng không kém do biến động tỷ giá. Theo ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh, lẽ ra các doanh nghiệp ngành gỗ sẽ được hưởng lợi từ việc tăng giá USD khi bán được giá cao vào mùa xuất hàng tốt, song thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp ngành gỗ đang khó khăn về xuất khẩu. Nguyên nhân là do USD tăng giá cao, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng khi nhập khẩu nguyên liệu từ thị trường nước ngoài.
Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu trong những tháng cuối năm tăng cao để phục vụ cho các ngày lễ Tết, thế nhưng nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng hóa dự kiến khó có thể kìm giữ giá ổn định như các năm trước. Điển hình, Công ty cổ phần bánh kẹo Tràng An dự kiến sản xuất khoảng 3.000 tấn bánh kẹo cung ứng cho thị trường trong nước, nguyên liệu chính mà doanh nghiệp sử dụng là bột mì nhập khẩu. Tuy nhiên, trong bối cảnh tỷ giá liên tục biến động khiến giá bột mì có thể tăng từ 10 - 20%.
Tương tự, ngành chế biến thủy hải sản cũng đang “nhấp nhỏm”, khi hiện nay, sức mua của người tiêu dùng đã giảm đáng kể, cộng với biến động tỷ giá làm cho hoạt động xuất khẩu gặp rất nhiều khó khăn. Ông Võ Văn Phục, Tổng Giám đốc Công ty Thủy sản sạch Việt Nam lo ngại, bất lợi hiện nay là nguồn nguyên liệu thủy sản trong nước đang có dấu hiệu sụt giảm trong các tháng cuối năm, theo đó nhiều nhà máy đang phải đối mặt với sức ép phải mua nguyên liệu giá cao.
"Trước tình hình đó, nhiều nhà máy đang đẩy mạnh đàm phán, chia sẻ hài hoà giá thu mua nguyên liệu và giá xuất khẩu, đồng thời tăng cường sản xuất hàng tinh chế để tạo sức cạnh tranh cho thuỷ sản Việt khi EU và Nhật Bản đều rất ưa chuộng các sản phẩm này", ông Mai Bá Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty chế biến xuất khẩu Tôm Việt chia sẻ.
Theo giới chuyên gia, tính đến nay, VND đã mất giá khoảng 3,6%. Nếu Fed tiếp tục tăng lãi suất trong quý 4 và có thể duy trì đến đầu quý 2 năm sau thì áp lực với VND vẫn là khá lớn, do đó các doanh nghiệp nhập khẩu trong nước cần chuẩn bị phương án để ứng phó thích hợp.
Cần những giải pháp dài hơi
Theo Bộ Công Thương, trong những tháng cuối năm 2022, hoạt động xuất nhập khẩu sẽ gặp không ít thách thức. Trong đó, giá xăng dầu tiếp tục diễn biến phức tạp; giá dầu tăng cao trong khi đây là nguồn nguyên liệu chính cho sản xuất và tiêu dùng; tình trạng thiếu hụt gián đoạn nguồn cung, chi phí sản xuất, vận tải toàn cầu gia tăng… tạo áp lực lên lạm phát, giá cả hàng hóa trong nước, ảnh hưởng đến kích cầu tiêu dùng đối với thương mại.
Tiến sỹ, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhận định: “Trong giai đoạn ít nhất 3 - 6 tháng tới, doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần làm là phải cố gắng giữ vững đơn hàng và thị trường, đồng thời phải chấp nhận thiệt hại tài chính chứ không thể đặt ra mục tiêu có lời đối với các thị trường không sử dụng đồng USD”.
Theo ông Đinh Thế Hiển, nếu doanh nghiệp chỉ vì lo sợ chi phí tài chính trong vấn đề quy đổi tỷ giá như hiện nay mà bỏ sức đi tìm thị trường mới thì sẽ rất tốn kém tiền bạc và công sức, thậm chí có thể phải kéo dài hơn 3 - 6 tháng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh doanh nghiệp Việt vẫn dễ bị tổn thương bởi các chi phí nguyên liệu và nhiên liệu tăng cao hơn các nước, vùng lãnh thổ như Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản... Do đó, để cạnh tranh thị phần, ông Đinh Thế Hiển cho rằng, doanh nghiệp Việt cần từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, từ khâu sản xuất cho đến khâu chăm sóc khách hàng, từ đó hợp lý hóa sản xuất. Có như vậy, kết cấu giá thành của sản phẩm mới có thể chịu được chí phí nguyên liệu.
Trong khi đó, theo đề xuất của một số chuyên gia, để vượt qua được những khó khăn hiện tại, hoàn thành được chỉ tiêu xuất nhập khẩu đề ra trong cả năm 2022, doanh nghiệp cần cập nhật tình hình bạn hàng, nước nhập khẩu, nhu cầu tiêu dùng của các nước có quan hệ với Việt Nam. Bên cạnh đó, cần thống nhất quan điểm không chỉ dựa vào các thị trường truyền thống và có kim ngạch nhập khẩu hàng hoá lớn từ Việt Nam như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc hay Trung Quốc; doanh nghiệp có thể chuyển hướng sang một số nước khác để bù đắp kim ngạch xuất khẩu truyền thống bị giảm sút.
Ngoài ra, cần đa dạng hoá mặt hàng, linh hoạt trong phương thức thanh toán, chủ động về nguyên nhiên vật liệu cho sản xuất xuất khẩu, đa dạng hoá các phương tiện vận chuyển để giảm chi phí xuất khẩu đi các nước.
Theo ông Brook Taylor, CEO Quỹ VinaCapital Asset Management, so với các đồng tiền trong khu vực, giá trị của VND vẫn ổn định hơn nhiều. Điều này một phần do lãi suất (đặc biệt là lãi suất tiết kiệm) vẫn cao hơn tỷ lệ lạm phát 4% của Việt Nam - không giống như hầu hết các nước trên thế giới, bao gồm cả các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Chính vì vậy, ông Brook Taylor cho rằng, mặc dù các nhà đầu tư nước ngoài chịu khoản lỗ khi quy đổi ngoại tệ đối với giá trị các khoản đầu tư của họ nếu USD tăng giá, nhưng tại Việt Nam vấn đề này không bị ảnh hưởng nhiều vì Chính phủ đã nhất quán thể hiện quyết tâm trong 10 năm qua là duy trì tỷ giá USD/VND ổn định. Tuy nhiên, liên quan đến lĩnh vực xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp FDI chiếm phần lớn lượng hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam cũng đã bị tác động không nhỏ khi biến động tỷ giá. Bởi khi giá trị USD tăng cao, một mặt đẩy chi phí nhập khẩu đầu vào sản xuất tăng lên, mặt khác khiến các sản phẩm “Made in Vietnam” trở nên rẻ hơn đối với người tiêu dùng Mỹ (tính theo USD).
Còn theo khuyến nghị của ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Dịch vụ Đầu tư và Quản lý tài sản, CTCP Chứng khoán Tân Việt, các doanh nghiệp nhập khẩu nên sử dụng các hợp đồng hoán đổi ngoại tệ hoặc các hợp đồng tương lai ngoại tệ đối với các ngân hàng nhằm chủ động trong nguồn ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa, máy móc cho sản xuất.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, việc ổn định tỷ giá hết sức quan trọng vì không chỉ giúp ổn định vĩ mô, giữ được dòng tiền trong nước mà còn hạn chế nhập khẩu lạm phát. Tất nhiên, muốn giữ ổn định tỷ giá, phải chấp nhận một mặt bằng lãi suất cao hơn và kiểm soát tăng trưởng tín dụng, đồng nghĩa với việc hy sinh một phần tăng trưởng kinh tế.
Theo thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa trong kỳ 1 tháng 10/2022 đạt 27,75 tỷ USD, giảm 12,6% so với kỳ 2 tháng 9/2022. Trong đó, trị giá xuất khẩu đạt 14,11 tỷ USD, giảm 17,5% so với kỳ 2 tháng 9/2022; trị giá nhập khẩu đạt 13,64 tỷ USD, giảm 6,9% so với kỳ 2 tháng 9/2022. Tính chung từ đầu năm đến ngày 15/10/2022, tổng trị giá xuất khẩu đạt 296,34 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2021; tổng trị giá nhập khẩu đạt 289,094 tỷ USD, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Kết quả này cho thấy, càng về thời điểm cuối năm, dấu hiệu giảm tốc càng rõ rệt hơn trong bối cảnh lạm phát tăng cao ở hầu hết các quốc gia, đặc biệt là những thị trường trọng điểm của Việt Nam.