Doanh nghiệp Việt Nam cần mang khát vọng 'vượt lên' đối thủ ngoại

"Chúng ta hiện nay phải dùng từ sánh vai hoặc vượt lên chứ không phải ở vị thế bắt kịp doanh nghiệp nước ngoài nữa", bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát chia sẻ tại cuộc Tọa đàm “Tạo đà cho doanh nghiệp tư nhân phát triển” sáng 22/11.

Tọa đàm do báo Đại biểu Nhân dân tổ chức với sự tham gia của nhiều vị đại biểu Quốc hội, chuyên gia kinh tế và đại diện doanh nghiệp (DN), nhằm làm rõ vai trò, đóng góp của khối DN tư nhân đối với nền kinh tế, cũng như tìm giải pháp để DN tư nhân phát triển.

DN tư nhân đang phải cạnh tranh khốc liệt

Theo chuyên gia kinh tế, TS Lưu Bích Hồ, trước đây, khi bước vào thời kỳ đổi mới, kinh tế tư nhân đã phát triển tới mức có 25.000 DN, đến nay đã có đến 600.000 DN, dự kiến sẽ tăng lên 1 triệu DN vào năm 2020. Mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được vì mỗi năm chúng ta tăng thêm ít nhất 100.000 DN đăng ký mới. DN tư nhân đã tạo ra gần 40% GDP, trong toàn bộ khu vực DN thì khu vực tư nhân tạo ra trên 62% việc làm mới tính đến năm 2016.

Chú thích ảnh
Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ.

Về vốn đầu tư, năm 2017 vốn của khu vực tư nhân chiếm 40,5% trong tổng nguồn vốn của xã hội và tăng đến 16,8% so với năm trước. Trong khi khu vực kinh tế nhà nước chỉ chiếm 35,7% tổng vốn và tăng 6,7% so với năm trước; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chỉ chiếm 23,8% tổng vốn và tăng 12,8% so với năm trước.

"Những con số trên cho thấy động lực của khu vực kinh tế tư nhân trong nền kinh tế ngày càng nhiều hơn và quan trọng hơn. Bên cạnh một số DN rất lớn như Vingroup, FLC, Tân Hiệp Phát... thì tôi thấy rằng, đại bộ phận DN mới đăng ký thành lập là DN vừa và nhỏ, vốn ít, thiếu kinh nghiệm và gặp nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động", chuyên gia cho hay.

Cụ thể: Trong số khoảng 600.000 DN tư nhân hiện nay, có 42% DN cho rằng họ xin được giấy phép hoạt động rất khó khăn.

"Ở tầm vĩ mô, chúng ta phải thúc đẩy việc hoàn thiện thể chế, hoàn thiện những gì ngăn cản đối với các DN, đây là điều quan trọng nhất. Qua 30 năm đổi mới, vừa rồi Trung ương đã ra Nghị quyết để thực sự coi kinh tế tư nhân là trụ cột. Trong môi trường chưa ổn định, DN muốn tồn tại thì phải bán được hàng, không chỉ đối mặt với cạnh tranh trong nước mà còn phải đối mặt với môi trường thế giới. Do đó, DN cần phải thể hiện được năng lực. Nhà nước đã tháo gỡ rất tốt nhưng DN phải đồng hành với Nhà nước", TS Lưu Bích Hồ đề nghị.

Chú thích ảnh
Ông Tô Hoài Nam, Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam.

Ông Tô Hoài Nam, Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam cho biết: "Tuy thể chế được cải thiện rất lớn nhưng số lượng DN thực chất hoạt động theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê chỉ khoảng 54%. Điều đó cho thấy bối cảnh cạnh tranh hiện khốc liệt hơn nhiều". 

Một điểm đáng lưu ý nữa là một số DN đang đuối sức trong cạnh tranh. Khi DN đuối sức thì chính sách phải đột phá, nếu cứ giữ như hiện nay sẽ làm cho tình hình thêm phức tạp.

"Hiện DN nước ngoài đầu tư vào Việt Nam rất mạnh, họ vào và đã chiếm hết chỗ của DN Việt Nam. Và chúng ta không thể nào ngăn cản một DN mạnh hơn, trừ phi chúng ta phải tạo một cơ chế để các DN nhỏ Việt Nam liên kết lại với nhau để họ tạo nên một quy mô lớn hơn, chất lượng hơn để phát triển trong thị trường", ông Tô Hoài Nam nhận định.

Không "bán mình" để giữ thương hiệu Việt

Chia sẻ với những lo ngại của các chuyên gia, bà Trần Uyên Phương, Phó TGĐ Tân Hiệp Phát đưa ra con số thống kê của thế giới, các DN sau 5 năm thành lập thì có 95% sẽ thất bại, chỉ sống sót được 5%. Từ 5% đó họ mới tăng trưởng lên sau 15, 20 năm. Số DN hiện nay tồn tại trên 150 năm trên thế giới rất hiếm.

Chú thích ảnh
Bà Trần Uyên Phương, Phó TGĐ Tập đoàn Tân Hiệp Phát.

Đại diện cho một DN tư nhân thành công không chỉ ở thị trường nội địa mà còn đưa sản phẩm đồ uống Việt Nam ra chinh phục thị trường nước ngoài, bà Trần Uyên Phương cho biết: "Đem một thương hiệu ra thế giới không phải là chuyện đơn giản. Nếu đơn thuần chỉ là xuất khẩu thì là câu chuyện khác. Còn thực sự muốn mở rộng đầu tư, mở rộng sản xuất, xây dựng thương hiệu ở những thị trường mà các DN khác đã tồn tại sẵn rồi thì là điều rất khó".

Tuy nhiên theo bà Trần Uyên Phương, Việt Nam cần phải chuẩn bị đương đầu với tình hình cạnh tranh ngày càng lớn, phải dùng từ "sánh vai" hoặc "vượt lên" chứ không phải ở vị thế "bắt kịp" nữa.

"Tân Hiệp Phát trong vòng 5 - 7 năm qua đã phải kìm hãm sự tăng trưởng vì chúng tôi nhận thấy bộ máy sắp đến lúc phải tăng cường năng lực thì mới đi lên được vị trí cao hơn. Đó cũng là một bài toán, khi phát triển đến một mức độ nào đó thì sẽ phải trả lời câu hỏi: Năng lực tổ chưc như thế nào, làm sao để đi lên? Từ năm 2012, Tân Hiệp Phát đã phải mời chuyên gia nước ngoài và những tổ chức thế giới để xây dựng một sơ đồ tổ chức. Muốn lên doanh thu 1 tỷ USD thì sơ đồ tổ chức phải như thế nào. Điều này đã tốn của chúng tôi một thời gian khá dài để có thể hoạt động phù hợp với sơ đồ tổ chức đó", bà Trần Uyên Phương chia sẻ.

Trong bối cảnh hội nhập, quá trình mua bán - sáp nhập DN diễn ra rất mạnh mẽ. Nhiều thương hiệu sản phẩm, hàng hóa Việt Nam vốn thân quen với người Việt Nam đã rơi vào tay DN ngoại. Vậy nhưng, Tân Hiệp Phát đã từ chối bán thương hiệu vào năm 2012 với giá 2,5 tỷ USD.

Chú thích ảnh
Dây chuyền sản xuất hiện đại của Tân Hiệp Phát.

Bà Trần Uyên Phương lý giải: "Chúng tôi mong muốn có một thương hiệu Việt mang ra thế giới. Mặc dù tiền rất quan trọng nhưng không phải là tất cả. Sứ mệnh, tầm nhìn của Tân Hiệp Phát đặt ra hơn thế. Tất cả mọi người đều biết Tân Hiệp Phát từng gặp rất nhiều khủng hoảng, nhưng sau mỗi khủng hoảng chúng tôi lại lớn lên, chúng tôi lại nhìn thấy được điểm yếu của bản thân, để đi tiếp".

"Từ năm 2009, Tân Hiệp Phát đã sẵn sàng mời các công ty khác tham gia hợp tác. Tuy nhiên, DN rất rõ ràng trong câu chuyện hợp tác để Tân Hiệp Phát phát triển. Nếu DN ngoại đến với tâm thế muốn thâu tóm hay tiêu diệt nhãn hiệu địa phương thì đó không phải là mục tiêu Tân Hiệp Phát mong đợi", bà Trần Uyên Phương cho biết thêm.

Bà Nguyễn Thị Lệ Thủy, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre) đồng tình và chia sẻ với ý kiến của bà Trần Uyên Phương về việc giữ gìn thương hiệu Việt.

"Tôi thấy rằng, một số DN tư nhân lớn, đã tạo nên tên tuổi, thương hiệu nhưng sớm "bỏ cuộc chơi", nhượng lại cho nước ngoài. Còn ngược lại đối với Tân Hiệp Phát, bên cạnh xây dựng thương hiệu đã có, họ còn cố gắng giữ gìn, phát triển thương hiệu Việt, đó là sự thể hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của DN đối với sự phát triển của đất nước. Rõ ràng việc giữ thương hiệu rất quan trọng. Nhưng cho đến lúc này, sự thành công của các DN như vậy chưa nhiều", bà Nguyễn Thị Lệ Thủy cho hay.

Theo bà Nguyễn Thị Lệ Thủy, việc xây dựng luật thời gian qua đã có nhiều tiến bộ, đổi mới. Cụ thể, khi đánh giá tác động, hoặc tổ chức các hội thảo xây dựng luật, DN đóng góp ý kiến, tham gia góp ý rất nhiều. Mặc dù xây dựng kịp thời, nhưng luật ra sau với luật ra trước thì chưa đồng bộ lắm. Trong thời gian tới sẽ có nhiều cải tiến hơn nữa trong xây dựng pháp luật.

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Văn Thân, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình.

Theo ông Nguyễn Văn Thân, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, nói về sự lớn mạnh của các DN tư nhân, cần phải có các DN đầu đàn. Vì như thế, cộng đồng DN nhỏ và vừa mới nhìn những tấm gương để noi theo bởi rõ ràng, khi người ta thành công thì mới tạo ra doanh thu, lao động, việc làm cho đất nước. Ngoài ra, các DN đầu đàn cũng đóng vai trò tạo ra công ăn việc làm cho DN nhỏ và vừa, tức là thúc đẩy nền kinh tế phụ trợ.

"Tôi lấy ví dụ câu chuyện của DN Tân Hiệp Phát, họ giải quyết được 4.000 lao động trả lương trực tiếp, còn lại là 10.000 lao động gián tiếp. Đây cũng là một trong những DN nộp thuế nhiều nhất cho nhà nước. Vì vậy, tôi đánh giá, muốn lớn, nhỏ, vừa như thế nào thì DN phải phát triển tốt, gương mẫu, tạo ra nhiều công ăn việc làm chứ không chỉ là hoạt động xã hội", đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thân đánh giá.

Hoàng Dương/Báo Tin tức
Hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân để thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững
Hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân để thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững

Ngày 26/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về kết quả 3 năm thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 5 năm giai đoạn 2016-2020; kết quả 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; việc thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH 13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN