8 năm mới có 4 doanh nghiệp đăng ký
Chương trình nhãn sinh thái tại Việt Nam được thực hiện từ năm 2009 nhằm khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp (DN) hoạt động theo hướng giảm các tác động có hại tới tài nguyên, môi trường trong suốt quá trình sản xuất và thải bỏ sản phẩm và cung cấp thông tin cho người tiêu dùng về sự thân thiện với môi trường của sản phẩm, hoặc dịch vụ so với các sản phẩm hoặc dịch vụ khác.
Theo quy định, sản phẩm nếu được cấp Nhãn sinh thái của tổ chức Nhà nước sẽ được công nhận là sản phẩm thân thiện với môi trường. Cơ sở sản xuất, kinh doanh sẽ được hưởng những ưu đãi, hỗ trợ. Khi tham gia chương trình này, DN được miễn phí toàn bộ kinh phí đăng ký.
Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang là một trong những doanh nghiệp ít ỏi tham gia dán Nhãn xanh Việt Nam. |
Tuy nhiên, điều đáng buồn là từ năm 2011, sau khi hai sản phẩm đạt tiêu chí Nhãn xanh Việt Nam đầu tiên được công nhận là sản phẩm bột giặt Tide của Công ty P&G và bóng đèn huỳnh quang của Công ty Điện Quang đến nay mới có 4 DN đăng ký dán nhãn xanh cho 53 loại sản phẩm. Trong đó, một DN đã hết hạn nhưng không có ý định đăng ký dán nhãn trở lại.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế (Tổng cục Môi trường) cho biết, mặc dù đã được triển khai nhiều năm nhưng việc gắn Nhãn xanh hiện còn gặp nhiều khó khăn do đây là tiêu chí không bắt buộc, nên phụ thuộc hoàn toàn vào ý thức của DN. “Theo Nghị định số 04/2009/NĐ-CP của Chính phủ, các DN có sản phẩm đủ điều kiện để dán Nhãn xanh được hưởng những ưu đãi như: Ưu tiên phục vụ mua sắm công, miễn thuế xuất khẩu, ưu đãi thuế thu nhập DN, hỗ trợ giá, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, cho đến nay chưa DN nào nhận được sự hỗ trợ này nên cũng khó thu hút DN tham gia”, bà Nguyễn Thị Thu Hà cho biết.
Chưa kể, theo ý kiến của một số DN, việc dán Nhãn xanh cho sản phẩm chưa hẳn đã thực sự có lợi cho DN. Đơn cử như câu chuyện dán Nhãn xanh tại Công ty giấy Vạn Điểm (Phú Xuyên, Hà Nội) cách đây vài năm. Đây là một trong những DN đi đầu trong sản xuất giấy ít chất tẩy trắng giúp chống lóa mắt và giảm chi phí sản xuất. Tuy nhiên, sau một năm chờ đợi hoàn tất thủ tục để có thể dán Nhãn xanh thì sản phẩm này đã... ngưng sản xuất do người tiêu dùng vẫn chuộng loại giấy có độ trắng cao nên sản phẩm làm ra khó tiêu thụ, bị tồn kho nhiều.
Mặt khác, ở nước ta hiện nay, các DN chủ yếu là DN nhỏ và vừa, có nhiều khó khăn về tài chính, nguồn lực cũng như công nghệ, nên kinh phí dành cho môi trường trong các sản phẩm rất thấp. Trong khi đó, để được dán nhãn cho sản phẩm, DN phải đầu tư thêm 20% tổng chi phí sản phẩm dành cho hàng hóa nên họ chưa mặn mà.
Tạo điều kiện cho DN
TS Nguyễn Đình Hòe, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho rằng, sở dĩ việc dán Nhãn xanh ra đời đã lâu nhưng chưa nhận được sự hưởng ứng của DN là do việc thực hiện vẫn còn “nửa vời”. “Chúng ta phát động phong trào, đưa ra chính sách nhưng chưa có tổng kết, chưa có điều tra thực tiễn để xem xét chính sách có thực sự khuyến khích DN hay chưa và cần thay đổi gì để thúc đẩy sự tham gia của DN”, TS Hòe cho hay.
Cùng với đó, hiện nay Bộ Tài nguyên và Môi trường mới đưa ra được 14 tiêu chí dán Nhãn xanh cho một số sản phẩm như đồ gia dụng, văn phòng…; còn rất nhiều sản phẩm khác hiện vẫn chưa có tiêu chí để được dán nhãn, công nhận là sản phẩm thân thiện với môi trường.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu Hà thừa nhận: “Chương trình dán Nhãn xanh hoàn toàn miễn phí, nhưng kinh phí Nhà nước chỉ cấp thời gian ban đầu, còn vài năm nay nguồn kinh phí này không còn nên không có kinh phí truyền thông cũng như điều tra, đánh giá để xây dựng tiêu chí cho phù hợp với từng ngành”.
Do đó, theo bà Hà, thời gian tới cần có nguồn kinh phí ổn định để duy trì hoạt động truyền thông cũng như xây dựng tiêu chí các nhóm sản phẩm dán Nhãn xanh. Đặc biệt, cần cung cấp thông tin, hỗ trợ pháp lý cho DN khi thực hiện thủ tục đăng ký dán nhãn. Các quy định hướng dẫn ưu đãi, hỗ trợ đối với hoạt động đầu tư, sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường, đặc biệt về thực hiện dán Nhãn xanh cần cụ thể, minh bạch, rõ ràng để DN dễ tiếp cận. Bà Hà cho biết thêm, hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang xem xét tham gia mạng lưới sinh thái toàn cầu để học hỏi kinh nghiệm và tạo sự tin tưởng cho sản phẩm được dán Nhãn xanh tại Việt Nam. “Chính phủ đã có quy định liên quan đến mua sắm công đối với các sản phẩm thân thiện với môi trường. Hiện nay, Bộ Tài chính đang soạn thảo chi tiết hơn về việc này. Ở Nhật Bản, họ áp dụng hình thức bắt buộc trong mua sắm công đã khuyến khích DN tham gia”, bà Hà cho biết thêm.
Còn theo TS Nguyễn Đình Hòe, để thúc đẩy việc này, cần thay đổi nhận thức của DN cũng như người dân về việc gắn Nhãn xanh cũng như các sản phẩm “xanh” đối với phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. “Các DN Việt Nam cần hiểu rằng, họ sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh và mất thị phần không chỉ trong nước mà cả nước ngoài nếu không bắt kịp, đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao về sản phẩm thân thiện đối với môi trường”, TS Nguyễn Đình Hòe nhấn mạnh.