ĐBSCL hướng tới nền nông nghiệp xanh

Xanh hóa sản xuất và tiêu dùng

Để vừa xây dựng một nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, vừa bảo vệ môi trường và đời sống của nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long ngày càng phát triển ổn định, bền vững, rất cần một “gói” giải pháp và triển khai đồng bộ.

Tiêu dùng xanh là “bệ phóng”

Tính đến thời điểm hiện tại, kế hoạch hành động cho tăng trưởng xanh đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành và đang được triển khai tại các bộ ngành và địa phương theo Quyết định số 1393 “Phê duyệt Chiến lược Tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn 2050”. Trong đó có hai nhiệm vụ liên quan đến tiêu dùng xanh là xanh hóa sản xuất và xanh hóa tiêu dùng. Theo ông Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục và Môi trường của Bộ Kế hoạch và đầu tư, quan điểm của chiến lược là nhằm thúc đẩy quá trình tái cấu trúc và hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên thiên nhiên, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, thông qua tăng cường đầu tư vào đổi mới công nghệ, vốn tự nhiên, công cụ kinh tế. Từ đó góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nghèo và đảm bảo phát triển kinh tế bền vững.

Nông dân huyện Vị Thủy (Hậu Giang) thu hoạch lúa đông xuân trên cánh đồng mẫu lớn và được thương lái thu mua tại ruộng.

Tuy nhiên, để thực hiện thành công chiến lược nói trên trong lĩnh vực nông nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng việc nghiên cứu, học tập kinh nghiệm các quốc gia đi trước sẽ rút ngắn được khoảng cách phát triển so với nhiều quốc gia khác trên thế giới. Trong đó, kinh nghiệm quan trọng nhất là để thực sự phát triển được ngành nông nghiệp xanh, động lực thúc đẩy là tăng trưởng xanh thì tiêu dùng xanh có vai trò hết sức quan trọng, xét trong bối cảnh của thể chế kinh tế thị trường sẽ định hướng cho sản xuất xanh.

PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Viện Chiến lược, Chính sách của Bộ Tài nguyên và Môi trường dẫn chứng tại Nhật Bản, để thúc đẩy tiêu dùng xanh định hướng cho sản xuất xanh trên tất cả các lĩnh vực, người Nhật đã tổ chức phổ biến và tổ chức hội chợ trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp, giao thông, xây dựng, sản xuất năng lượng xanh. Có những sản phẩm mới nhưng cũng rất nhiều các sản phẩm truyền thống của các hãng trước đây nay đổi sang hướng sản phẩm xanh, thay đổi công nghệ, mẫu mã và nguyên vật liệu thay thế. Người Nhật chú trọng không chỉ chất lượng sản phẩm mà còn quảng bá giới thiệu các sản phẩm đó tới người tiêu dùng.

Có nhiều ý kiến đánh giá rằng, đến nay ở Việt Nam đã bắt đầu xuất hiện các sản phẩm xanh thân thiện môi trường trong lĩnh vực nông nghiệp nhưng chưa nhiều trong khi chúng ta lại có có ưu thế là một nước nhiệt đới ẩm gió mùa, năng suất sinh khối cao, sản phẩm nông nghiệp đa dạng. Như vậy, để hướng đến một nền nông nghiệp xanh, Việt Nam cần nhiều nỗ lực, phát huy tốt nội lực của mình bằng một tổ hợp giải pháp triển khai đồng bộ.

Cần phải làm gì

Theo các chuyên gia, để thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp hiện đại, thân thiện với môi trường thì việc đầu tiên là tăng cường tuyên truyền giáo dục và nâng cao nhận thức, ý thức cho người dân đối với tiêu dùng xanh và sản phẩm nông nghiệp xanh thân thiện môi trường. Thứ hai, đổi mới cơ chế chính sách, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tạo lập thị trường cho tiêu dùng xanh, lấy thị trường làm động lực thúc đẩy sản phẩm xanh để lôi kéo và thu hút sản xuất xanh đối với các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư để đổi mới công nghệ và phát triển những ngành nghề lĩnh vực mới hướng đến tạo ra sản phẩm cho tiêu dùng xanh phải xuất phát từ thực lực của chúng ta. Hướng vào những sản phẩm có thế mạnh, nhất là những sản phẩm truyền thống và những sản phẩm do lợi thế về tự nhiên tạo ra. Ngoài ra, cần tăng cường hơn nữa và mở rộng hợp tác quốc tế trong sản xuất và tiêu dùng xanh, nhất là những hoạt động có tính chất giảm tác động của biến đổi khí hậu thông qua học hỏi kinh nghiệm, phối hợp nghiên cứu và chuyển giao công nghệ xanh.

Cần phải khẳng định lại, trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, việc xây dựng “cánh đồng mẫu lớn” thực sự rất quan trọng trong tiến trình xây dựng nền sản xuất nông nghiệp xanh, bền vững và góp phần thực hiện thành công chiến lược. Bởi không thể hiện đại hóa nông nghiệp trên những thửa đất manh mún mà cần phải có một vùng sản xuất rộng lớn để từ đó từng bước cơ giới hóa, tin học hóa nông nghiệp.

Chính vì vậy, ngay lúc này nhà nước cần có những chính sách tiếp tục khuyến khích nông dân, doanh nghiệp áp dụng những tiến bộ khoa học trên những “cánh đồng lớn” đã thành hình từ những nỗ lực trong các năm vừa qua. Đồng thời, đã đến lúc ở vùng ĐBSCL nên có một mô hình đào tạo cho nông dân hoặc cho bất cứ thành phần nào tham gia sản xuất nông nghiệp về các phương thức sản xuất hiện đại, ứng dụng của tin học phục vụ nông nghiệp thông qua hợp tác quốc tế như đã đề cập ở trên.

Mặt khác, để phát huy lợi thế tự nhiên của vùng ĐBSCL, việc nghiên cứu và phát triển các loại sản phẩm nông nghiệp sạch, đạt chuẩn quốc tế cũng cần được thúc đẩy triển khai mạnh hơn nữa. So với các nước, Việt Nam đang ở mức thu nhập trung bình thấp, việc đầu tư cho đổi mới công nghệ sẽ gặp nhiều khó khăn, chính vì vậy Chính phủ tiếp tục tạo ra những chính sách thông thoáng để mời gọi những thành phần doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tham gia vào quá trình sản xuất nông sản sạch, thân thiện môi trường. Nếu tất cả những giải pháp nói trên được triển khai một cách hiệu quả, đồng bộ, nhịp nhàng thì chắc chắn trong tương lai ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung sẽ phát triển bền vững.
Đ.A
Nông dân Bến Tre làm “lúa sạch”
Nông dân Bến Tre làm “lúa sạch”

Ba năm nay, ở Bến Tre xuất hiện cụm từ “Lúa sạch Thạnh Phú” khiến nhiều người quan tâm. “Lúa sạch Thạnh Phú” xuất phát từ chính những người nông dân làm lúa ở ấp An Hòa, xã An Nhơn, huyện Thạnh Phú.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN