Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - (VCCI), quá trình điều tra tổng hợp chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, cho thấy: Dù dấu hiệu tích cực là tỷ lệ doanh nghiệp báo cáo không gặp khó khăn với các thủ tục hành chính về đất đai tăng lên nhưng cảm nhận của doanh nghiệp về rủi ro bị thu hồi đất cũng đã tăng trở lại trong năm qua sau chuỗi giảm và ổn định từ năm 2016.
Tỷ lệ doanh nghiệp đồng ý với nhận định “doanh nghiệp sẽ được bồi thường thỏa đáng nếu bị thu hồi đất” khá thấp, chỉ khoảng 29% và thấp hơn đáng kể so với mức 40% của năm 2013. Đáng chú ý, tỷ lệ doanh nghiệp trả lời khảo sát cho biết họ có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng ở mức thấp nhất kể từ năm 2006. Đây là dấu hiệu đáng lo ngại, bởi việc nắm giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giúp đảm bảo quyền tài sản và tạo sự an tâm cho nhà đầu tư về triển vọng đầu tư dài hạn.
Cùng với đó, trong những khó khăn chủ yếu khi tiếp cận, mở rộng mặt bằng sản xuất kinh doanh, vấn đề lớn nhất nằm ở sự phức tạp của các thủ tục hành chính thuê, chuyển nhượng đất đai (42,5%).
Cũng theo ông Tuấn, một nguyên nhân nữa đó là quy hoạch đất đai của địa phương chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của doanh nghiệp chiếm 39,3%. Khoảng 30,5% doanh nghiệp phản ánh “Việc cung cấp thông tin dữ liệu về đất đai không thuận lợi, nhanh chóng” và 21,5% doanh nghiệp cho biết địa phương có tình trạng “thiếu quỹ đất sạch”.
Các vấn đề khác cũng nằm trong mối quan ngại của doanh nghiệp có thể kể đến như giá đất theo quy định của Nhà nước cao, giá đất theo quy định của Nhà nước tăng quá nhanh, công tác giải phóng mặt bằng chậm, việc cung cấp thông tin dữ liệu về đất đai không thuận lợi và việc xử lý hồ sơ về đất đai lâu hơn quy định.
“Những phiền hà liên quan đến thủ tục đất đai là nguyên nhân khiến 53,8% doanh nghiệp phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh”, ông Tuấn nói.