Doanh nghiệp nước ngoài trước thay đổi về môi trường kinh doanh ở Trung Quốc

Dù Trung Quốc vẫn là một thị trường tiềm năng cho các công ty nước ngoài, nhưng những thách thức đang gia tăng đã khiến việc đầu tư trở nên khó khăn hơn.

Chú thích ảnh
Tòa nhà Evergrande ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo chuyên gia kinh tế Nicola Stoev, từng là cố vấn cho các nhà đầu tư nước ngoài tại Bulgaria và là chuyên gia chính tại Bộ Tài chính Bulgaria, Trung Quốc, với vị thế là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là quốc gia sản xuất lớn nhất, từ lâu đã là điểm đến hấp dẫn cho các công ty đa quốc gia.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nền kinh tế Trung Quốc, với khoảng 1/3 GDP được tạo ra từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, với môi trường chính sách thay đổi liên tục, sự tăng trưởng kinh tế chậm lại và căng thẳng địa chính trị gia tăng, các công ty nước ngoài hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức tại thị trường này.

Một trong những thách thức lớn nhất mà các công ty nước ngoài gặp phải ở Trung Quốc là môi trường chính sách không ổn định. Bắc Kinh đã áp dụng các biện pháp hạn chế đối với quyền tiếp cận của các công ty nước ngoài thông qua các quy định về đầu tư nước ngoài.

Mặc dù một số lĩnh vực đã được mở cửa hơn, nhưng Trung Quốc vẫn là một trong những nền kinh tế có chính sách hạn chế hàng đầu thế giới.

Ngoài ra, các chính sách công nghiệp của Trung Quốc ngày càng thiên về việc thúc đẩy các công ty nội địa, đặc biệt là thông qua chương trình “Made in China 2025” (MIC25), nhằm thay thế các công ty nước ngoài trong 10 lĩnh vực công nghệ chiến lược. Những chính sách này không chỉ làm giảm khả năng cạnh tranh của các công ty nước ngoài mà còn ảnh hưởng đến sự tồn tại của họ trong dài hạn.

Cùng với đó, căng thẳng địa chính trị giữa Trung Quốc và các quốc gia phương Tây cũng là một yếu tố ảnh hưởng đáng kể đến các công ty nước ngoài. Sự phân chia thành "hai khối" này ngày càng rõ nét, với những hạn chế mới đối với đầu tư và thương mại. Một số công ty lớn như Samsung đã rút lui khỏi thị trường Trung Quốc do những căng thẳng này.

Trong khi Trung Quốc muốn giảm phụ thuộc vào phần còn lại của thế giới thì điều này đặt ra thách thức lớn cho các công ty nước ngoài trong việc duy trì hoạt động kinh doanh.

Mặt khác, tình hình kinh tế của Trung Quốc cũng đang chuyển biến theo chiều hướng tăng trưởng chậm lại. Tăng trưởng kinh tế thấp hơn, dân số già đi và những vấn đề trong lĩnh vực bất động sản đang làm giảm sức hút của thị trường này đối với các nhà đầu tư.

Nhiều công ty nước ngoài, từng chiếm ưu thế trong nhiều lĩnh vực, hiện đang phải cạnh tranh gay gắt với các công ty Trung Quốc, những doanh nghiệp đã trở thành lực lượng tiên phong trong các ngành công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo và sản xuất điện tử.

Có thể nói, dù Trung Quốc vẫn là một thị trường tiềm năng cho các công ty nước ngoài, nhưng những thách thức đang gia tăng đã khiến việc đầu tư trở nên khó khăn hơn. 

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo geopoliticalmonitor.com)
Chứng khoán Trung Quốc biến động mạnh
Chứng khoán Trung Quốc biến động mạnh

Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã tăng tốc trở lại sau một tuần nghỉ lễ. Chỉ trong vài phút đầu tiên của phiên giao dịch ngày 8/10, các chỉ số chứng khoán đã liên tiếp đạt đỉnh của hai năm, nhưng mất đà ngay sau đó, khi niềm tin của nhà đầu tư vào các kế hoạch kích thích kinh tế của chính phủ sụt giảm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN