Thiếu hụt ít
Cứ sau Tết Nguyên đán, các DN lại “đua” nhau treo băng rôn tuyển dụng hàng trăm ngàn công nhân. Tuy nhiên, ghi nhận tại các KCN - KCX ở TP Hồ Chí Minh như KCX Linh Trung (quận Thủ Đức), KCX Tân Thuận (quận 4), KCN Tân Bình (quận Tân Bình) năm nay, tình trạng này diễn ra khá ít. Chỉ có một số DN treo băng rôn tuyển dụng thêm, với số lượng ít.
Khác với mọi năm, năm nay nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông trong các doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh không cao. |
Khảo sát của Trung tâm Dự báo Nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh (Famil), cũng cho thấy nhu cầu tuyển dụng lao động sau Tết Nguyên đán của các DN không cao. Theo đó, nhu cầu tuyển dụng lao động có tỷ lệ lao động phổ thông và sơ cấp nghề là 35%, trung cấp chiếm 35% và cao đẳng - đại học chiếm 30%. “Nhờ việc thành phố tích cực đẩy mạnh các chính sách nhằm bình ổn thị trường lao động và nỗ lực chăm lo phúc lợi tốt cho người lao động, nên sự thiếu hụt lao động phổ thông sau Tết Nguyên đán Bính Thân không cao, bình quân từ 3 - 4% và mức độ di chuyển lao động trong các DN bình quân 6 - 8%, thấp hơn nhiều so với các năm trước”, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh, cho biết.
Ông Trần Công Khanh, Chánh văn phòng Ban quản lý KCN - KCX TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, sau Tết, các KCN - KCX có xuất hiện tình trạng thiếu lao động, nhưng mức thiếu hụt không đáng kể. Theo đó, ngay trong những ngày đầu năm, số lao động quay trở lại làm việc đạt khá cao, từ 95 - 98% trở lên. Có được kết quả này là do thành phố và các DN đã có nhiều chính sách chăm lo tốt cho công nhân.
“Một số DN có đăng thông tin tuyển dụng lao động sau Tết, nguyên nhân do DN có nhu cầu mở rộng sản xuất, đáp ứng các đơn hàng trong năm mới hoặc đón đơn hàng mới. Bên cạnh đó, do TP Hồ Chí Minh là nơi tập trung 70% lao động ngoại tỉnh, trong khi đó các tỉnh miền Trung, miền Bắc đã hình thành khá nhiều KCN - KCX, nên thu hút các công nhân ngoại tỉnh rời TP Hồ Chí Mình về quê làm việc để tiết kiệm chi phí, dẫn đến tình trạng thiếu lao động ở một số ngành. Còn một nguyên nhân khác là doanh nghiệp tuyển dụng thêm lao động để thay thế các công nhân đã hết hợp đồng lao động, đây là sự sàng lọc lao động trong các DN. Tình trạng thiếu lao động này chủ yếu xảy ra trong các ngành da giày, may mặc, thủy sản…”, ông Khanh cho biết thêm.
Cần lao động chất lượng cao
Ghi nhận tại các trung tâm giới thiệu việc làm tại TP Hồ Chí Minh trong những ngày này, có khá ít lao động đến tìm việc.
Anh Nguyễn Thanh Sang, Phó Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp dạy nghề và giới thiệu việc làm Thanh niên cho biết, đến nay đã có hơn 1.500 chỉ tiêu đăng tin tuyển dụng lao động tại trung tâm. Tuy đầu việc dành cho người lao động nhiều, nhưng lượng người lao động tìm việc chỉ đáp ứng 30% nhu cầu tuyển dụng. Nguyên nhân là do không ít lao động sau Tết vẫn còn tư tưởng, tâm lý “bận” đi chơi, đi du lịch nghỉ ngơi, nên chưa muốn đi tìm việc ngay sau Tết.
Theo ông Trần Anh Tuấn, trong tháng 3, các doanh nghiệp thành phố sẽ có khoảng 26.000 chỗ làm dành cho người lao động, tập trung vào 4 nhóm ngành công nghiệp chủ lực và 9 nhóm ngành trọng điểm của thành phố.
“Tuy nhiên, xu hướng thị trường lao động sắp tới là cần nhiều lao động có chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu khi Việt Nam tham gia vào Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Binh Dương (TPP), gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Ngoài ra, xu hướng này cũng mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động Việt Nam đi xuất khẩu. Nhưng muốn đáp ứng được xu hướng trên, người lao động phải hướng tới việc hoàn thiện bản thân, nâng cao chất lượng tay nghề qua đào tạo nghề chuyên môn, nâng cao năng suất lao động… để phục vụ cho việc mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư nước ngoài và xuất khẩu lao động”, ông Tuấn cho biết thêm.