Để tìm hiểu sâu hơn về xu hướng này, phóng viên TTXVN tại Nhật Bản đã thăm và có cuộc trao đổi với lãnh đạo công ty Link Station, một trong những doanh nghiệp IT tại tỉnh Aomori, Nhật Bản, đang có kế hoạch đầy tham vọng đưa chi nhánh tại Việt Nam trở thành trung tâm trong số các thị trường khu vực Đông Nam Á.
Ông Tanaka Taro, thành viên ban lãnh đạo công ty Link Station, cho biết IT là một lĩnh vực rất rộng và có nhiều tiềm năng phát triển trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ như hiện nay. Link Station chỉ là một phần trong số đó và đang nỗ lực cung cấp các gói hỗ trợ dịch vụ tổ chức sự kiện, tiêu biểu là sản phẩm phần mềm Gettii series. Đây là sản phẩm giúp đơn giản hóa và chuyên nghiệp hóa phần chuẩn bị của các hoạt động tổ chức sự kiện và đang rất sử dụng tương đối phổ biến tại Nhật Bản. Hiện có khoảng 3.000 đơn vị tổ chức sự kiện sử dụng dịch vụ này của Link Station để tiến hành tổ chức hội nghị hội thảo, câu lạc bộ thể thao cũng như tổ chức các chương trình âm nhạc giải trí…
Một ví dụ đơn giản, khi một đơn vị tổ chức sự kiện âm nhạc quy mô lớn sử dụng Gettii series, sẽ chỉ cần nhập thông tin liên quan đến show diễn, bao gồm cả loại vé, số tiền… vào hệ thống, sau đó thông tin sẽ được phản ánh lên trang web của sự kiện và khách hàng có thể đăng nhập, tìm hiểu thông tin và mua vé với đầy đủ loại hình thanh toán thuận tiện.
Cũng theo ông Tanaka Taro, bên cạnh việc phát triển tại Đài Loan (Trung Quốc), Link Station xác định Đông Nam Á là thị trường tiềm năng, trong đó Việt Nam có thể là “trung tâm khu vực” do sự phát triển ngày càng đa dạng của các loại hình giải trí, đặc biệt cho giới trẻ. Xác định sẽ phải cạnh tranh với nhiều “ông lớn” trong lĩnh vực IT nhưng ông Tanaka Taro tin tưởng rằng, dư địa để các bên hợp tác và cùng khai thác thị trường là rất lớn, đáng chú ý là sự kết hợp giữa thế mạnh về kinh nghiệm của các doanh nghiệp Nhật Bản với nguồn nhân lực IT dồi dào tại "dải đất hình chữ S".
Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Jin Masahiko, Trưởng phòng phát triển hệ thống của Link Station, cho biết cảm nhận sau hơn nửa năm làm việc chung là các đồng nghiệp IT của Việt Nam rất vui vẻ, hòa đồng và phối hợp tốt trong công việc. Hiện tại Link Station đã mở chi nhánh tại Việt Nam và hợp tác theo hình thức đội ngũ nhân viên Việt Nam tại Nhật Bản chịu trách nhiệm về quy trình thượng nguồn (upstream) và thiết kế (design), còn công ty đối tác tại Việt Nam đảm nhiệm quy trình sản xuất (coding, programing). Với nguồn nhân lực chất lượng cao, Việt Nam đang cho thấy là điểm đến đầu tư rất tiềm năng của các doanh nghiệp IT Nhật Bản.
Anh Nguyễn Nhật Minh, thành viên ban lãnh đạo Link Station Việt Nam cho biết, nằm trong kế hoạch phát triển thị trường ở Việt Nam, nên hiện tại bản thân đang được công ty mẹ tại Nhật Bản hết sức tạo điều kiện trong việc nắm tình hình thực tế sản phẩm, lập danh sách khách hàng tiềm năng, trau dồi kiến thức về quản lý, bán hàng, giới thiệu sản phẩm…, phục vụ công việc triển khai sau này ở Việt Nam. Đi từ cốt lõi về văn hóa làm việc giữa hai nước, người Nhật rất cần cù, chịu khó và kỷ luật, trong khi người Việt Nam lại có tinh thần sáng tạo rất cao trong công việc. Vì thế, khi kết hợp hai yếu tố đó với nhau sẽ tạo nên những sản phẩm có giá trị cạnh tranh vượt trội hơn các doanh nghiệp IT khác.
Chia sẻ về môi trường làm việc trong một công ty IT của Nhật Bản, anh Trần Thanh Ngoan, nhân viên phụ trách mảng phát triển Offshore của Link Station cho biết, các đồng nghiệp người Nhật của công ty rất nhiệt tình trong phối hợp làm việc cũng như giúp đỡ trong cuộc sống hàng ngày. Doanh nghiệp thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu, thăm quan để các nhân viên người Việt Nam hiểu rõ hơn về văn hóa Nhật Bản. Ngoài ra, công ty cũng hỗ trợ về sinh hoạt phí, nhà ở nên bản thân gần như không gặp khó khăn gì ngay cả trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 hoặc đồng yen mất giá.
Anh Ngoan cho biết thêm, Việt Nam là một trong những thị trường tiềm năng phát triển trong lĩnh vực công nghệ thông tin so với các nước trong khu vực, có thể cạnh tranh về cả về chi phí và chất lượng. Hiện tại Việt Nam có rất nhiều trường đào tạo về công nghệ thông tin có chất lượng rất cao nên thời gian tới, không chỉ Nhật Bản mà nhiều nước khác như Mỹ hay Australia cũng đang rất quan tâm đến thị trường Việt Nam.
Theo kết quả đánh giá của Skillvalue về thực trạng nguồn nhân lực và nguồn lực IT tại Việt Nam năm 2019, lập trình viên Việt Nam đứng hạng 29 toàn thế giới trong Bảng xếp hạng kỹ năng dành cho lập trình viên, là đại diện duy nhất của khu vực Đông Nam Á trong top 30. Hiện ước tính Việt Nam có khoảng 350.000 nhân lực IT như kỹ sư, lập trình viên và sẽ có thể tăng lên tới 1 triệu nhân lực trong tương lai. Trong bối cảnh ngành IT toàn cầu phát triển nhanh chóng, thì các dịch vụ kinh doanh IT như hoạt động thuê ngoài (Offshore) hay gia công quy trình kinh doanh (BPO: Back-office outsourcing) được cung cấp xuyên biên giới đang trở thành xu thế mới và thị trường châu Á-Thái
Bình Dương đang nổi lên như những điểm đến lý tưởng của dịch vụ Offshore.
Thuật ngữ Offshore được người Nhật sử dụng nhiều khi nói định nghĩa của quá trình đưa công việc ra nước ngoài để làm thay vì làm trong nước. Lập trình Offshore là việc ủy thác lập trình phần mềm, hệ thống mạng, lập trình ứng dụng điện thoại thông minh... cho các công ty nước ngoài hoặc các công ty con ở nước ngoài. Mục đích chính là đảm bảo nguồn nhân lực IT và giảm bớt chi phí so với việc đặt hàng ở Nhật Bản. Nơi nhận đơn hàng chủ yếu là các nước như Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam…, là những nơi có chi phí nhân sự rẻ và sức lao động phong phú nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng và hiệu suất công việc.