Sản xuất và tiêu thụ bền vững không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn mang lại nhiều lợi ích cho bản thân doanh nghiệp. Hiện nay, có rất nhiều doanh nghiệp nắm bắt được xu hướng này và ngày càng sản xuất “sạch” hơn.
Sản xuất sạch hơn - xu thế tất yếu
Tại buổi lễ kỉ niệm 15 năm thành lập Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam - VNCPC (thành viên chính thức của Mạng lưới toàn cầu về hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn) tổ chức mới đây tại Hà Nội, các chuyên gia đã chỉ ra rằng: Sản xuất sạch hơn (SXSH) là một xu hướng tất yếu trên thế giới và Việt Nam không phải là ngoại lệ.
Dự án Đổi mới sản phẩm bền vững (SPIN) giới thiệu bếp khí hóa dân sinh cho đồng bào dân tộc tại xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. |
Theo PGS. TS Trần Văn Nhân, Giám đốc VNCPC, SXSH có ý nghĩa đối với tất cả các cơ sở công nghiệp dù lớn hay bé và tiêu thụ nguyên liệu, năng lượng nhiều hay ít. Đến nay, hầu hết các doanh nghiệp (DN) ở nuớc ta đều có tiềm năng giảm lượng nguyên liệu, nhiên liệu tiêu thụ từ 10 - 15%. Áp dụng mô hình SXSH không chỉ có lợi cho môi trường mà bản thân DN cũng được hưởng lợi rất nhiều. Theo đó, các DN áp dụng SXSH sẽ giảm thiểu nguyên vật liệu tiêu hao. Nhờ đó, DN sẽ tiết kiệm được chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Nhìn rộng ra, một nền kinh tế có nhiều DN hoạt động hiệu quả thì tính cạnh tranh cao hơn và phát triển bền vững hơn.
Bên cạnh đó, các kế hoạch hành động về SXSH sẽ giúp DN tạo dựng uy tín với khách hàng và nhà đầu tư, tạo điều kiện cho DN tiếp cận dễ dàng hơn với các nguồn hỗ trợ tài chính. Việc nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về các vấn đề môi trường thời gian qua đã dẫn đến sự bùng nổ nhu cầu về sản phẩm xanh trên thị trường. Chính vì vậy, sản phẩm của một công ty với hình ảnh "xanh" sẽ dễ được cả xã hội, người dân chấp nhận hơn.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thiên Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và Khoa học công nghệ (Tổng cục Môi trường), mặc dù việc triển khai sản xuất và tiêu thụ bền vững ở Việt Nam có một số thuận lợi nhưng cũng còn nhiều thách thức. Cụ thể là, DN thiếu khuôn khổ pháp lí cần thiết; thiếu các tiêu chuẩn môi trường; nhiều người tiêu dùng chưa thực sự quan tâm vấn đề này; cơ chế tài chính khuyến khích sản xuất, tiêu thụ bền vững chưa cụ thể, rõ ràng…
Tuy vậy, bà Phương cũng chỉ ra rằng, tiềm năng SXSH đối với các DN Việt Nam còn rất lớn. Hiện nay, sản phẩm giấy tái chế hiện mới chỉ đạt 30% (trong khi các nước trên thế giới trung bình là 55 – 65%); năng lượng sạch, tái tạo như địa nhiệt, mặt trời, gió, sinh khối… mới khai thác được rất ít, trong khi mục tiêu đến năm 2020 là 5% tổng nhu cầu điện. Theo kết quả nghiên cứu bước đầu về nhu cầu sản phẩm xanh, thân thiện môi trường, có hơn 45% người dân quan tâm đến các sản phẩm xanh (trong đó khu vực thành thị có đến hơn 64% người dân quan tâm, khu vực nông thôn là gần 4%). Trong khi đó, “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh” vừa được thông qua tháng 9/2012 là những điều kiện rất thuận lợi cho các DN Việt Nam thúc đẩy việc sản xuất và tiêu thụ bền vững mạnh hơn nữa.
Những kết quả bước đầu
Theo ThS Nguyễn Thị Truyền, ĐH Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, việc lồng ghép SXSH và sử dụng năng lượng hiệu quả để nâng cao năng suất và giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các DN là rất quan trọng. Nếu như SXSH tập trung vào các quy trình và việc giảm thiểu tiêu thụ nguồn tài nguyên thì sử dụng năng lượng hiệu quả lại tập trung chủ yếu vào việc giảm thiểu tiêu thụ năng lượng. Theo bà Truyền, các vấn đề của DN hiện nay là: Tiêu thụ nguyên liệu, nhiên liệu, điện năng ở mức cao; tiêu thụ nước chưa được kiểm soát; quản lí năng lượng chưa hiệu quả; phát sinh nhiều nước thải, khí thải, chất thải rắn; gánh nặng về tiêu hao chi phí sản xuất, xử lí môi trường…
ThS Truyền dẫn ví dụ về kết quả đạt được khi thực hiện các giải pháp cải tiến công nghệ theo chiều hướng SXSH và sử dụng năng lượng hiệu quả đối với lò hơi tại một DN chế biến thực phẩm đã giúp tiết kiệm 26% lượng than, 50% lượng điện, giảm khí phát thải nhà kính 1.800 tấn CO2/năm, thời gian hoàn vốn là 3 tháng. Lợi ích kinh tế mang lại là hơn 1 tỷ đồng/năm.
Một mô hình áp dụng SXSH thành công tại Nam Định là làng nghề cơ khí mạ truyền thống Đồng Côi. Làng nghề hiện có hơn 10 cơ sở sản xuất, phần lớn đều chưa có hệ thống xử lý nước thải, công nghệ lạc hậu. Để giải quyết bài toán ô nhiễm, với sự hỗ trợ của Cục Kiểm soát ô nhiễm (Tổng cục Môi trường), giải pháp SXSH được áp dụng tại một số cơ sở sản xuất của làng nghề thông qua việc lắp đặt thử nghiệm hệ thống xử lý nước thải sau mạ. Việc vận hành hệ thống xử lý nước thải tại Đồng Côi đã giúp các cơ sở sản xuất tiết kiệm được lượng nước sử dụng, trong khi chi phí vận hành thấp, dễ sử dụng, nên đã giúp giảm thiểu ô nhiễm và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Theo ông Hoàng Trọng Nghĩa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Nam Định, việc áp dụng SXSH với các DN của làng nghề Đồng Côi là một hướng đi thiết thực và hiệu quả. Thành công từ việc thực hiện SXSH tại làng nghề Đồng Côi đã mở ra hi vọng "xanh hóa" các làng nghề sản xuất cơ khí nói riêng và các ngành nghề khác nói chung. Đây là con đường mà các DN, cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn có thể lựa chọn để giải quyết các vấn đề về môi trường mà lại đạt hiệu quả kinh tế, nhất là trong thời điểm khó khăn hiện nay.
Hoàng Dương