Gạo và rau quả “được mùa”
Công ty Đại Dương Xanh có “thâm niên” 15 năm xuất khẩu gạo sang EU, từ chỗ lượng bán ban đầu chỉ 1 - 2 container (khoảng 20 tấn/ container), hiện nay số lượng xuất khẩu của doanh nghiệp đã lên đến vài nghìn tấn/năm.
Theo đại diện doanh nghiệp, trước đây, khách hàng mua gạo Việt Nam vì giá rẻ, nay họ mua vì chất lượng. Bên cạnh đó, Hiệp định EVFTA giúp cho gạo Việt Nam không chỉ được hưởng ưu đãi thuế, mà còn được khách hàng biết đến nhiều hơn.
Ông Trần Quốc Toản, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, trong quý I/2023, kim ngạch xuất khẩu gạo đạt hơn 1,85 triệu tấn gạo, với trị giá 981 triệu USD, tăng hơn 23% về lượng và tăng 34% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân đạt 529 USD/tấn, tăng gần 9% so với mức bình quân cùng kỳ năm 2022. Đáng chú ý, nhiều thời điểm trong các tháng, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam đứng đầu thế giới, cao hơn giá gạo cùng chủng loại của Thái Lan và Ấn Độ.
Quý I/2023 ghi nhận sự tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm 2022 ở cả thị trường truyền thống và thị trường tiềm năng. Đặc biệt, trị giá xuất khẩu gạo sang EU ghi nhận tăng trưởng tốt ở nhiều thị trường, nhờ xuất khẩu các sản phẩm gạo thơm, gạo phẩm chất chất lượng cao, với giá trị gia tăng cao. Điều này cho thấy, chất lượng gạo của Việt Nam đang ngày càng gia tăng, đáp ứng được yêu cầu cả các thị trường khó tính; đồng thời cho thấy tiềm năng mở rộng thị trường, gia tăng thị phần gạo chất lượng cao.
Nhận định về thị trường xuất khẩu gạo thời gian tới, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam dự báo, những tháng cuối năm, giá lương thực sẽ tiếp tục có những biến động do tình hình biến đổi khí hậu, xung đột vũ trang... khiến các nước tăng cường dự trữ lương thực. Đây là yếu tố giúp các doanh nghiệp xuất khẩu gạo được hưởng lợi trong thời gian tới.
Ngành hàng rau quả cũng đang có đà tăng trưởng mạnh. Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh gồm thanh long, sầu riêng, xoài, mít... và thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc. Xuất khẩu rau quả dự kiến sẽ tiếp tục thuận lợi trong quý II/2023.
Riêng trong 4 tháng đầu năm, mặt hàng sầu riêng Việt Nam chưa vào chính vụ, nên chỉ xuất khẩu cầm chừng sang thị trường Trung Quốc. Hiện nay, sầu riêng ở các tỉnh miền Tây đang bước vào vụ thu hoạch chính, nguồn cung dồi dào, bắt đầu đáp ứng các đơn hàng.
“Kim ngạch xuất khẩu của ngành rau quả Việt Nam năm 2023 sẽ đạt khoảng 4 tỷ USD, trong đó riêng sầu riêng có thể đạt khoảng 1 tỷ USD...”, ông Đặng Phúc Nguyên dự báo.
Tận dụng các FTA
Mặc dù có những điểm sáng, nhưng báo cáo đánh giá về tình hình xuất nhập khẩu của Bộ Công Thương 4 tháng đầu năm cho thấy, từ đầu năm 2023 đến nay, kinh tế thế giới phục hồi chậm với chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia, làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn dẫn đến đơn hàng sản xuất giảm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam liên tục giảm.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 210,79 tỷ USD, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 16,6%), trong đó xuất khẩu giảm 11,8% (cùng kỳ tăng 17,1%); nhập khẩu giảm 15,4% (cùng kỳ tăng 16,1%). Cán cân thương mại hàng hóa 4 tháng đầu năm 2023 ước tính xuất siêu 6,35 tỷ USD.
Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), mặc dù nỗ lực đẩy mạnh các giải pháp xúc tiến thương mại, tận dụng cơ hội mở rộng thị trường, tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại (FTA), nhưng trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm, suy giảm tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn, khiến xuất khẩu của Việt Nam gặp nhiều khó khăn.
Để đảm bảo thực hiện mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6% so với năm 2022, kim ngạch xuất khẩu năm 2023 dự kiến đạt từ 393 đến 394 tỷ USD, Bộ Công Thương xác định sẽ tập trung đổi mới và tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại hướng đến các thị trường mới, thị trường tiềm năng như Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông, Mỹ Latinh, Đông Âu... và các thị trường ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát và tăng trưởng khả quan (ASEAN).
Bên cạnh đó, Bộ chọn giải pháp đột phá vào các thị trường mới, nơi có tầng lớp trung lưu gia tăng như các thị trường mới nổi E7 (Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Mexico và Indonesia; thị trường Halal, gồm Trung Đông, Malaysia, Brunay).
Cùng với đó, đẩy mạnh khai thác hiệu quả các FTA; tạo thuận lợi tăng cường chuyển đổi số trong công tác cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) ưu đãi, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các FTA và đẩy mạnh phát triển xuất nhập khẩu thông qua hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới.