Ngay từ sáng sớm, trên các cánh đồng muối lớn nhất của huyện Ninh Hải, bà con diêm dân đã khẩn trương ra ruộng cào muối, đóng bao chờ thương lái, công ty đến thu mua. Diêm dân Nguyễn Văn Hùng (xã Tri Hải, huyện Ninh Hải) cho biết, gia đình sản xuất hơn 5 sào muối (5.000m2), nhờ thời tiết nắng, gió nhiều giúp nước biển phơi trong ruộng bốc hơi mạnh làm cho hạt muối kết tinh nhanh. Khoảng một tuần lễ, ông Hùng thu hoạch được trên 8 tấn muối bán cho thương lái với giá bình quân 800.000 đồng/tấn, cho doanh thu khoảng 6,5 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư điện, nước, nhân công, gia đình ông còn lãi khá.
"Nghề làm muối khá vất vả, phụ thuộc nhiều vào thời tiết, nắng càng gắt thì hạt muối làm ra càng đẹp, trắng sáng. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn ít có mưa trái mùa nên việc sản xuất muối thuận lợi hơn. So với cùng thời điểm năm ngoái, giá muối tuy có giảm nhưng vẫn ở mức khá, hy vọng muối vẫn giữ được giá như hiện nay để bà con có động lực sản xuất", ông Hùng chia sẻ thêm.
Tại Ninh Thuận, nghề làm muối tập trung chủ yếu ở các xã Tri Hải, Nhơn Hải, Phương Hải (huyện Ninh Hải); các xã Cà Ná, Phước Diêm, Phước Minh (huyện Thuận Nam). Diêm dân làm muối theo kiểu truyền thống là đầu vụ tiến hành san phẳng, đầm mặt ruộng để tạo “lớp da đất” sau đó bơm nước biển vào ruộng, đợi nước biển bốc hơi trong vòng 7 - 10 ngày sẽ cào muối 1 đợt với sản lượng muối đạt từ 1,5 -1,7 tấn/sào (1.000m2), mỗi tháng có thể thu hoạch từ 3 - 4 đợt.
Ông Trần Ngọc Chiến, Giám đốc Hợp tác xã muối Phương Hải (xã Phương Hải, huyện Ninh Hải) cho biết, trên địa bàn xã Phương Hải hiện có trên 90 ha đất làm muối, hợp tác xã đang liên kết, thu mua muối của hơn 40 hộ dân với diện tích hơn 40 ha, sản lượng hàng tháng khoảng 3.000 tấn muối. Muối sản xuất trên nền trải bạt hiện có giá từ 850.000 - 900.000 đồng/tấn, muối sản xuất trên nền đất có giá từ 650.000 - 800.000 tấn. Giá muối tuy có giảm do các tỉnh miền Tây cũng đang thu hoạch nhưng với mức giá này bà con diêm dân làm đều có lãi khá.
Để nâng cao giá trị hạt muối, nhiều bà con diêm dân đang mạnh dạn chuyển đổi mô hình sản xuất, đầu tư công nghệ trải bạt, đóng giếng sử dụng nước ngầm, mở rộng diện tích sản xuất muối trải bạt. Chi phí đầu tư ban đầu cho 1 sào (1.000m2) muối trải bạt khoảng trên dưới 100 triệu đồng, tùy thuộc chất lượng bạt sử dụng. Muối trải bạt có giá bán cao hơn so với muối nền đất do đây là nguồn nguyên liệu sạch để các doanh nghiệp chế biến thành muối tinh chất lượng cao.
Tỉnh Ninh Thuận có bờ biển dài hơn 105km, nước biển có độ mặn cao, năng lượng bức xạ lớn, nhiều nắng, gió..., hội tụ những điều kiện lý tưởng để phát triển nghề muối. Tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 3.099 ha muối (diện tích muối diêm dân sản xuất 652 ha, muối công nghiệp 2.447 ha), sản lượng thu hoạch ước đạt 388.000 tấn muối các loại.
Thực hiện Đề án phát triển ngành muối giai đoạn đến năm 2030 của Chính phủ, tỉnh Ninh Thuận đặt mục tiêu đến năm 2025 nâng diện tích sản xuất muối lên 3.267 ha, sản lượng đạt 550.000 tấn/năm; trong đó, diện tích sản xuất muối kết tinh trên nền trải bạt 200 ha, sản lượng đạt 150.000 tấn; sản lượng muối chế biến đạt 100.000 tấn. Đến năm 2030, toàn tỉnh duy trì ổn định diện tích đất sản xuất muối với 3.267 ha, sản lượng đạt 650.000 tấn/năm.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận, để đạt các mục tiêu đề ra, tỉnh đang tập trung thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển diện tích sản xuất muối quy mô công nghiệp; áp dụng khoa học công nghệ, thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất, nhất là khâu thu hoạch và rửa muối sau thu hoạch, tăng năng suất sản xuất muối tối thiểu 30%, chất lượng muối ổn định, đáp ứng nhu cầu của các ngành công nghiệp và tận thu sản phẩm phụ thạch cao và nước ót.
Để thúc đẩy nghề muối phát triển vững, Ninh Thuận chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng các cánh đồng sản xuất muối quy mô công nghiệp đáp ứng nhu cầu ngành công nghiệp hóa chất, nguyên liệu cho chế biến muối tinh cao cấp. Đối với sản xuất muối thủ công sẽ tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, kiên cố hóa hệ thống thủy lợi đồng muối; hỗ trợ diêm dân vay vốn để đầu tư chuyển đổi sản xuất muối truyền thống sang áp dụng công nghệ trải bạt trên nền ô kết tinh để mang lại năng suất, chất lượng cao.
Cùng với đó, tỉnh tiếp tục nhân rộng mô hình liên kết sản xuất muối theo tổ hợp tác, hợp tác xã; tập huấn, bồi dưỡng kỹ thuật sản xuất muối, chế biến muối; hỗ trợ đầu tư hệ thống thiết bị chế biến để đa dạng hóa các sản phẩm từ muối; hỗ trợ phân tích chất lượng muối, mẫu mã, bảo hộ thương hiệu cho các cơ sở sản xuất chế biến muối vừa và nhỏ đáp ứng nhu cầu thị trường. Đồng thời, khuyến khích các địa phương bảo tồn và phát triển làng nghề sản xuất muối truyền thống, gắn với hoạt động du lịch tham quan, trải nghiệm sản xuất muối.
Thời gian tới, tỉnh Ninh Thuận tiếp tục kêu gọi nhà đầu tư, doanh nghiệp xây dựng nhà máy chế biến muối, sản xuất hóa chất sau muối tại tỉnh; xây dựng nhiều thương hiệu sản phẩm muối; tăng cường xúc tiến thương mại giới thiệu sản phẩm sau muối để mở rộng thị trường tiêu thụ nhằm góp phần đảm bảo sinh kế bền vững, nâng cao thu nhập cho diêm dân.