Dịch vụ tài chính cần thiết kế sản phẩm chuyên dụng với người dân nông thôn

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng cho biết, các dịch vụ của ngân hàng, dịch vụ tài chính ngân hàng phải có thiết kế sản phẩm chuyên dụng hướng đến người dân vùng sâu vùng xa, vùng nông thôn vì vậy các ngân hàng cần lắng nghe ý kiến bà con nông dân vùng nông thôn, thiết kế sản phẩm, dịch vụ phù hợp.

Theo Phó Thống đốc, hiện 65% dân số sống ở nông thôn, nên khoảng 100 ngân hàng này sẽ không thể tồn tại nếu không cung ứng dịch vụ trên không gian số tốt, chất lượng tốt với chi phí hợp lý và an toàn. Đây cũng là quan điểm chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và thực tế các ngân hàng cũng đang rất cạnh tranh trong chuyển đổi số, điều này rất khác so với các ngành kinh tế khác.

Hiện nay, mỗi ngày giao dịch thanh toán qua hệ thống ngân hàng tương đương 35 tỷ đô la (khoảng 800 nghìn tỷ đồng). Do đó, ngành ngân hàng phải đảm bảo an toàn cho các giao dịch đó và sẽ phải cung cấp dịch vụ tốt hơn, đảm bảo tiện - lợi - an toàn.

Phó Thống đốc nhấn mạnh, ngành ngân hàng cam kết cung cấp dịch vụ tài chính một cách tiện lợi, an toàn, chi phí hợp lý. Để có được sự an toàn chắc chắn đến từ phía các cơ quan chức năng và người sử dụng, ngân hàng luôn đồng hành cùng bà con nông dân.

Phó Thống đốc cũng cho biết, bên cạnh làm tốt hoạt động thanh toán, mới đây Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư cho phép vay tiêu dùng trên môi trường số, khuôn khổ pháp lý để hoàn thiện quá trình cho vay này cũng đã được triển khai. Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại bên cạnh việc đánh giá khách hàng vay, khả năng trả nợ của khách hàng vay theo phương án truyền thống, Ngân hàng Nhà nước cũng đang phối hợp với Bộ Công an đánh giá dưới 2 khía cạnh là xác thực khách hàng và đánh giá khách hàng dựa trên cơ sở dữ liệu trên căn cước công dân. Khi các dữ liệu trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư “giàu có” hơn với những thông tin khác, bao gồm thuế, bảo hiểm xã hội… thì ngân hàng sẽ tiến hành cho vay tín chấp nhiều hơn.

Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cho biết, bên cạnh quảng bá số lượng khách hàng, địa điểm giao dịch, các ngân hàng cần tăng cường truyền thông về tính năng của các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, cái tốt và tiện cho nông dân... Các dịch vụ ngân hàng có thiết kế cho vùng sâu, vùng xa nên các ngân hàng cần lắng nghe ý kiến của bà con nông dân, doanh nghiệp ở vùng nông thôn để thiết kế các sản phẩm, dịch vụ cho phù hợp.

Theo Ngân hàng Nhà nước thì cơ quan này phấn đấu tạo điều kiện thuận lợi người dân sử dụng dịch vụ trên môi trường điện tử, đến năm 2025 có 50% quyết định cho vay nhỏ lẻ được thực hiện trên môi trường điện tử. Việc này liên quan tới hỗ trợ phát triển kinh tế vùng sâu, vùng xa, nông thôn... Với chỉ tiêu trên, Ngân hàng Nhà nước hướng đến cung cấp các dịch vụ, sản phẩm số đến người dân, đặc biệt, người nông dân ở vùng sâu, vùng xa.

Hiện Ngân hàng Nhà nước đang triển khai nhiều nội dung hỗ trợ, đảm bảo các hành lang pháp lý để các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán triển khai cung cấp dịch vụ tới người dân. Nhờ sự vào cuộc đồng bộ của các tổ chức tín dụng, tỷ lệ bao phủ cũng đã tăng trưởng mạnh với tỷ lệ xã/thị trấn có điểm cung ứng dịch vụ tài chính trên tổng số xã/thị trấn trên toàn quốc đạt 32,60%. Ứng dụng mobile banking cho phép người nông dân đăng ký, sử dụng các dịch vụ ngân hàng (tiền gửi, thanh toán, vay,...) không cần đến phòng giao dịch, chi nhánh. Ngoài ra, đã có 10,8 triệu thẻ mở bằng eKYC và 27 triệu tài khoản mở bằng eKYC (đến tháng 6/2023). Nhiều dịch vụ thanh toán mới, hiện đại (thẻ ngân hàng, QR code, ví điện tử,...) được các ngân hàng, trung gian thanh toán triển khai, cung ứng…

Đối với việc bảo mật thông tin, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường quản lý rủi ro, đảm bảo an ninh, an toàn và đẩy mạnh áp dụng các biện pháp hạn chế việc mở, sử dụng tài khoản thanh toán cho mục đích gian lận, lừa đảo; triển khai hoạt động truyền thông về cơ chế, chính sách chuyển đổi số ngân hàng, xây dựng và triển khai các chương trình giáo dục tài chính trên truyền hình và các phương tiện truyền thông đại chúng. Các tổ chức tín dụng triển khai kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, ứng dụng dữ liệu dân cư.

Để phát triển chuyển đổi số trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, khung khổ pháp lý; tiếp tục triển khai các nhiệm vụ tại kế hoạch phối hợp giữa Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước trong việc ứng dụng dữ liệu dân cư để làm sạch dữ liệu, xác thực trực tuyến, cung ứng dịch vụ ngân hàng, đặc biệt là đơn giản quy trình cho vay trên cơ sở giải pháp đánh giá khả tín khách hàng....

Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cấp phát triển hạ tầng công nghệ phục vụ chuyển đổi số như hạ tầng thanh toán điện tử liên ngân hàng, hạ tầng thông tin tín dụng; ứng dụng công nghệ để phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số tiện lợi, chi phí thấp; nâng cấp, mở rộng kết nối hệ thống thanh toán, hệ sinh thái số ngành ngân hàng; tiếp tục tăng cường đào tạo và tuyên truyền, giáo dục tài chính cho người dân; bố trí nguồn lực phục vụ cho chuyển đổi số…

Thùy Dương (TTXVN)
Dự báo lợi nhuận ngân hàng quý 3 kém khả quan
Dự báo lợi nhuận ngân hàng quý 3 kém khả quan

Chỉ còn vài ngày tới, các ngân hàng sẽ công bố kết quả kinh doanh (KQKD) quý 3/2023. Tuy nhiên, theo dự báo, lợi nhuận các ngân hàng sẽ không như kỳ vọng do nợ xấu ngày càng lớn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN