Dịch vụ giao đồ ăn nhanh bùng nổ tại Việt Nam do nhu cầu ngày một tăng

Với cơ cấu dân số đô thị cao, người sử dụng smartphone ngày càng tăng nên nhu cầu đặt đồ ăn qua các ứng dụng di động đang bùng nổ tại Việt Nam. Đây là "mỏ vàng" cho các hãng công nghệ như Go-Việt, Grab...

Nghe tin trà sữa Phúc Long nổi tiếng của Sài Gòn mới mở cửa hàng đầu tiên tại Hà Nội, chị Mai Hương (quận Cầu Giấy, Hà Nội) mặc dù rất muốn đi mua nhưng nản lòng khi nghĩ đến đoạn đường từ Dương Đình Nghệ tới nơi bán trà là phố Xuân Thủy lúc nào cũng tắc nghẽn trong những ngày cuối năm nay.

Chú thích ảnh
Các hãng xe ôm công nghệ đang tranh giành miếng bánh thị phần giao đồ ăn nhanh tại Việt Nam. Ảnh: CTV

Được sự gợi ý của bạn mình, chị Mai Hương dùng điện thoại di động để đặt mua trà sữa thông qua ứng dụng Go-Việt, đây là đối thủ đang cạnh tranh trực tiếp với Grab trong lĩnh vực xe ôm taxi và mới lấn sân sang mảng giao đồ ăn nhanh.

"Mình không mất thời gian phải chạy đi mua, vẫn ngồi văn phòng làm việc và chỉ 15 - 20 phút sau là có ngay một ly trà sữa yêu thích. Phí dịch vụ cũng không hề đắt", chị Hương chia sẻ.

Quan sát tại cửa hàng trà sữa Phúc Long trên phố Xuân Thủy, có thể thấy rất đông trong số những người xếp hàng mua đồ là nhân viên các thương hiệu giao đồ ăn nhanh như Grab, Go-Việt, Now.vn... Điều đó cho thấy nhu cầu "ngồi một chỗ chờ đồ ăn ship đến" của các bạn trẻ ngày một lớn.

Anh Văn Minh (quê Hưng Yên), lái xe của Go-Việt cho biết mới chuyển sang làm dịch vụ Go-Food giao đồ ăn nhanh. Trong ngày 26 Tết, anh chạy xe không ngừng nghỉ để phục vụ nhu cầu của khách.

"Làm không hết việc vì đơn hàng quá nhiều. Cuối năm mọi người bận rộn, đường lại tắc nên ngại di chuyển. Muốn ăn gì thì họ đặt qua ứng dụng cho tiện", anh Minh cho hay.

Chú thích ảnh
Nhân viên các hãng giao đồ ăn xếp hàng đợi lấy đồ giao cho khách. Ảnh: Hương Mầu

Sau khi thử nghiệm dịch vụ giao đồ ăn nhanh Go-Food tại TP Hồ Chí Minh vào cuối tháng 11 năm 2018, hãng này vừa mở rộng dịch vụ này tại Hà Nội, bên cạnh dịch vụ gọi xe công nghệ hai bánh Go-Bike đã khai thác từ trước.

Bà Nguyễn Bảo Linh, Phó TGĐ phụ trách tăng trưởng Go-Việt chia sẻ: “Hà Nội là một thị trường tiềm năng với nhu cầu đa dạng và không ngừng tăng lên từ phía khách hàng”. Go-Food hiện đã sở hữu mạng lưới hàng ngàn đối tác ăn uống trên toàn quốc - từ tiệm ăn bình dân Việt Nam, chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh đến các nhà hàng sang trọng.

Phát triển với tốc độ nhanh không kém trong thị trường này chính là dịch vụ giao đồ ăn của Grab với tên gọi GrabFood. Kể từ khi chính thức ra mắt vào tháng 6/2018, GrabFood đã tăng trưởng vượt bậc về số lượng đơn hàng (tăng 25 lần) và số lượng đối tác kinh doanh cũng tăng 10 lần trong 7 tháng vừa qua.

Nhờ số lượng lớn đối tác tài xế GrabBike, GrabFood đã nhanh chóng có thị phần tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng và đang mở rộng dịch vụ giao nhận thức ăn ra thêm 12 tỉnh, thành phố tại Việt Nam.

Giám đốc Grab Việt Nam Jerry Lim cho biết: Tốc độ giao nhận một đơn hàng của GrabFood trung bình mất 25 phút và hãng này hướng đến cắt giảm còn 20 phút. Sự tự tin về tốc độ giao hàng của vị giám đốc Grab một phần là nhờ số lượng tài xế đông đảo của Grab.

Grab từng công bố mình có 175 nghìn đối tác, trừ đi số tài xế 4 bánh thì số lượng tài xế 2 bánh của Grab vẫn rất cao. Số lượng tài xế áo xanh Grab phủ khắp nội đô có thể giúp cải thiện đáng kể tốc độ giao hàng của GrabFood.

Có thể thấy, đội ngũ đối tác tài xế đông đảo chính là yếu tố lợi thế giúp Grab hay Go-Việt có tốc độ giao hàng nhanh chóng, cạnh tranh được với các hãng giao hàng truyền thống đã có từ trước. Với cơ chế shipper đến mua món trực tiếp, những hãng này có thể giao món trong vòng vài chục phút.

Chú thích ảnh
Một tài xế giao đồ ăn len lỏi trên đường phố Hà Nội. Ảnh: HD

Khác với Grab hay Go-Việt sử dụng tài xế tự do (chở người chuyển qua chở đồ ăn), các hãng công nghệ chuyên cung cấp dịch vụ giao nhận đồ ăn như Lalamove, Now, Lala, Vietnammm... sử dụng đội ngũ nhân viên do mình trả lương. Nhờ đó, tính chuyên nghiệp của shipper sẽ cao hơn vì không bận rộn với các cuốc chở khách/chở hàng mà hủy cuốc ship đồ ăn. Shipper cũng sẽ nhận nhiều quyền lợi trực tiếp từ công ty như một nhân sự chính thức, thay vì chỉ là đối tác như Grab, đồng thời không phải ứng tiền trước để nhận đồ ăn cho khách.

Ở một khía cạnh khác, nhiều chuỗi cửa hàng đồ uống và thức ăn nhanh đang đầu tư cho ứng dụng giao hàng riêng của mình. Chẳng hạn như chuỗi cà phê The Coffee House đã ra mắt ứng dụng di động với lời khẳng định thời gian giao hàng tối đa là 30 phút. Ten Ren, Passio và Tocotoco cũng là những thương hiệu đồ uống đã giới thiệu ứng dụng của mình trên smartphone.

Với sự bùng nổ của hàng loạt ứng dụng công nghệ cả trong nước lẫn nước ngoài trong lĩnh vực giao đồ ăn nhanh, người tiêu dùng Việt Nam đang được hưởng lợi. Họ có thể so sánh giá để chọn lựa một ứng dụng giao hàng chất lượng mà giá hợp lý nhất.

Bà Nguyễn Bảo Linh, Phó TGĐ phụ trách tăng trưởng Go-Việt khẳng định, cạnh tranh là tốt cho thị trường, người tiêu dùng được hưởng lợi nhờ chất lượng phục vụ được nâng cao.

Theo một báo cáo của hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor, thị trường đặt món trực tuyến ở Việt Nam có giá trị khoảng 33 triệu USD vào năm nay và dự báo đạt hơn 38 triệu USD vào năm 2020. Bởi vậy, ngày càng có nhiều doanh nghiệp muốn được chia phần từ "miếng bánh" này.

Mặt khác, Việt Nam đang trong thời kỳ đô thị hóa với tốc độ nhanh nhất ở Đông Nam Á. Mục tiêu năm 2020 dân số đô thị tại Việt Nam đạt khoảng 44 triệu người, chiếm 45% dân số cả nước, năm 2025 dân số đô thị khoảng 52 triệu người, chiếm 50% dân số cả nước. Báo cáo nửa đầu năm 2018 về thị trường ứng dụng đi động tại Việt Nam của Appota (công ty công nghệ giải trí, cung cấp các giải pháp và nền tảng cho ngành công nghiệp giải trí số tại Việt Nam) cho thấy, hơn 70% dân số Việt Nam sử dụng điện thoại thông minh.

Đây là những "điều kiện cần" để các ứng dụng giao đồ ăn bùng nổ mạnh tại các đô thị. Tuy nhiên, "điều kiện đủ" là các hãng phải nắm bắt được tâm lý người tiêu dùng.

Thực tế là dù thị trường tiềm năng nhưng không ít tên tuổi đã phải ngậm ngùi rút lui. Chẳng hạn như trường hợp của Foodpanda. Có mặt tại Việt Nam từ năm 2012 với tên gọi ban đầu là HungryPanda, Foodpanda đã xây dựng mạng lưới giao đồ ăn trực tuyến với hơn 1.000 nhà hàng tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội cùng đội ngũ khoảng 100 shipper.

Tuy nhiên, đến năm 2015, Foodpanda đã phải chấp nhận bán mình cho ứng dụng Vietnammm. Lúc này, Foodpanda đang là tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực đặt thức ăn trực tuyến tại 27 quốc gia thuộc 4 châu lục khác nhau.

Tại thời điểm Foodpanda rút lui, những cái tên chính cạnh tranh với Vietnammm là Eat.vn và Chonmon.vn. Tuy nhiên đến lúc này, Chonmon.vn đã ngừng hoạt động trong khi Eat.vn không thể truy cập được với lý do website đang nâng cấp.

Điều đó cho thấy thị trường Việt Nam có rất nhiều tiềm năng cho dịch vụ giao đồ ăn nhanh nhưng cạnh tranh cũng khốc liệt. Bài học thất bại của những hãng trên, một phần do sự chủ quan, là ví dụ cụ thể.

Hoàng Dương/Báo Tin tức
Amazon thử nghiệm dịch vụ giao hàng bằng người máy
Amazon thử nghiệm dịch vụ giao hàng bằng người máy

Doanh nghiệp thương mại điện tử Amazon (Mỹ) ngày 23/1 cho biết đã bắt đầu thử nghiệm dịch vụ giao hàng tại nhà bằng người máy ở khu vực gần thành phố Seattle, bang Washington (Mỹ), vào ban ngày từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN