Ông Lê Tiến Trường, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt
May Việt Nam (Vinatex), cho biết: mặc dù phải đối diện với nhiều khó khăn,
thách thức nhưng ngành dệt may nói riêng và Tập đoàn Dệt May nói chung vẫn duy
trì được mức tăng trưởng ổn định.
Sản xuất hàng xuất khẩu tại Công ty cổ phần may Phú Thịnh – Nhà Bè. Ảnh: Mạnh Linh-TTXVN |
Dự báo, trong 6 tháng đầu năm
tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may và xơ sợi sẽ đạt khoảng 7,5 tỷ USD; trong
đó, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may ước đạt 6,6 tỷ USD, tiếp tục là ngành có
kim ngạch xuất khẩu lớn nhất cả nước.
Riêng Vinatex đạt kim ngạch
xuất khẩu trên 1,26 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 48% kế hoạch
năm.
Kết quả trên cho thấy, ngành
dệt may vẫn duy trì được mức tăng trưởng ổn định trong bối cảnh các thị trường
dệt may lớn như Mỹ, EU và Nhật Bản gặp nhiều khó khăn do thị trường suy giảm,
lượng hàng tồn kho cao và giá bông trên thị trường giảm sâu, chỉ bằng 40 - 45%
giá bông tại cùng thời điểm năm 2011.
Mặc dù khó khăn, nhưng nhiều
doanh nghiệp trong ngành vẫn có mức tăng trưởng xuất khẩu cao trên 12% so với
cùng kỳ năm trước như các Tổng công ty Phong Phú, Việt Tiến, Hoà Thọ, May 10, Đức
Giang và các Công ty dệt lụa Nam Định, May Bình Minh, Dệt công nghiệp Hà Nội, Dệt
May Huế… Doanh thu cũng tăng trên 15% như Xi nghiệp may Veston Hải Phòng, Dệt lụa
Nam Định, May Bình Minh, Len Việt Nam...
Để đạt mục tiêu xuất khẩu
trên 2,6 tỷ USD, đóng góp vào tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành trên 18 tỷ
USD trong năm 2012, Vinatex yêu cầu các doanh nghiệp trong ngành cần triển khai
một số các giải pháp như: xây dựng chiến lược về thị trường, trong đó tiếp tục
khai thác thị trường xuất khẩu truyền thống, mở rộng các thị trường mới.
Hằng Trần