Dẹp nạn sử dụng chất cấm trong chăn nuôi

Năm 2015 được coi là năm vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phát động, tuy nhiên, trong năm 2015 lực lượng thanh tra của Bộ NN&PTNT liên tục phát hiện nhiều sai phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm như: sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi, chất tạo mầu vàng ô, kháng sinh trong thủy sản, thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc, khiến người tiêu dùng hoang mang, lo lắng.

Lạm dụng chất cấm

Hiện nay, đối với nhiều người tiêu dùng, để chọn được thực phẩm sạch cho các bữa ăn hàng ngày thực sự là một bài toán khó. Vì mất vệ sinh an toàn thực phẩm không chỉ diễn ra ở việc bày bán không đảm bảo vệ sinh, mà ngay từ khâu sản xuất đã tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng.

Thực tế, để thu được lợi nhuận cao hơn, nhiều thương lái, nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi đã không ngần ngại bán, bắt ép người chăn nuôi sử dụng chất tạo nạc, chất tạo mầu… trong chăn nuôi, đánh lừa người tiêu dùng. Mỗi kg thịt lợn sử dụng chất tạo nạc được giá hơn 3.000 - 4.000 so với lợn không dùng chất tạo nạc.

Ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong năm 2015, Thanh tra của Bộ đã phát hiện 4 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi có chất tạo nạc (Salbutamol), một số trang trại sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Ngoài ra, lực lượng thanh tra còn phát hiện một số công ty có sử dụng chất vàng O để sản xuất thức ăn chăn nuôi cho gia cầm như: Trường Phú (Hải Dương), Thiên Tôn (Hải Dương), Vimark (Bắc Giang), Hà Hưng (Hưng Yên), Thịnh Đức (Bắc Giang), Minh Tâm (Bắc Ninh)… Đây là các chất tạo màu có thể gây ung thư và di truyền qua các thế hệ.

Lấy mẫu xét nghiệm chất cấm tại Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam.

Thực tế, chất lượng thực phẩm không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người, mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của giống nòi. Theo GS Phạm Ngọc Thạch, Giảng viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Salbultamol hay Clenbuterol là những chất tạo nạc bị cấm sử dụng trong chăn nuôi. Mặc dù có nấu chín hay nấu kỹ thì hàm lượng độc tố đối với cơ thể rất lớn. Khi sử dụng sản phẩm thịt còn dư lượng các chất này, nó sẽ gây độc cho cơ thể làm loạn nhịp tim, làm rối loạn hệ thần kinh giao cảm, thậm chí làm đột biến tế bào là những tác nhân phát triển thành ung thư.

Do vậy, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho rằng, cần lên án hành vi lạm dụng chất cấm như chất tạo nạc Sabutamol hoặc là Vàng Ô tạo màu vàng da trên gia cầm, đây là hành động phạm pháp. Bên cạnh việc gây tổn hại đến sức khỏe người tiêu dùng thì còn vi phạm gian lận thương mại lừa dối người tiêu dùng. Vì vậy cần phải đấu tranh với những hành vi sản xuất lưu thông, buôn bán, sử dụng chất cấm này như là đấu tranh với buôn bán, sử dụng chất ma túy.

Thực tế cho thấy, thủ đoạn đưa chất cấm vào chăn nuôi của các cơ sở sản xuất ngày càng tinh vi hơn như: Bán kèm theo thức ăn, thương lái ép người chăn nuôi phải sử dụng chất cấm, rao bán trên mạng… ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành (Bộ NN&PTNT) cho biết, đây là mặt trận rất cam go, đòi hỏi các cơ quan chức năng cùng vào cuộc. Đường dây nóng của bộ đã nhận được rất nhiều phản ánh của người dân về việc mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Qua kiểm tra tại các lò mổ phát hiện thấy tỷ lệ tồn dư chất cấm có trường hợp vượt 431 lần, tức là vừa cho gia súc ăn chất cấm đã đưa vào giết mổ.

Đảm bảo an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông, lâm thủy sản đang là yêu cầu bức thiết của nhân dân. Do vậy, theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, làm sao để nhân dân có thể phân biệt được thực phẩm an toàn và không an toàn. Các hành vi vi phạm buôn bán chất cấm trong lĩnh vực chăn nuôi phải được coi là tội ác, cần phải triệt phá tận gốc những đường dây cung cấp, mua bán chất cấm.

Tăng cường thanh tra đột xuất

Theo các chuyên gia nông nghiệp, để dẹp nạn sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, không chỉ cần sự vào cuộc của lực lượng thanh tra mà cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương. Cả xã hội cùng giám sát và tố giác. Người chăn nuôi và người tiêu dùng cùng vào cuộc tố giác những người chăn nuôi không chân chính, tố giác những đơn vị kinh doanh sản phẩm có chứa chất cấm.

Ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành cho biết, các địa phương cần thiết lập các đường dây nóng để người dân phản ánh về tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm, kháng sinh trong thủy sản, quản lý vật tư nông nghiệp… tăng cường cung cấp thông tin để người dân hiểu và chủ động cung cấp tin, tố giác các hành vi vi phạm về chất cấm trong chăn nuôi. Phấn đấu năm 2016 chấm dứt tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

Còn theo ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT, năm 2016, sẽ tổ chức các đoàn thanh tra để xử lý dứt điểm việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và sử dụng kháng sinh cấm theo hình thức thanh tra đột xuất. Tập trung kiểm tra chất cấm trong thủy sản, kháng sinh cấm, để nâng cao chất lượng hàng xuất khẩu, đảm bảo an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước. Tập trung vào các tổ chức thử nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định, chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy… bởi nếu các đơn vị này làm không tốt vô hình đã tiếp tay cho sai phạm.

Cùng quan điểm này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho rằng, Thanh tra Bộ đã tạo được sự chuyển biến trong một số lĩnh vực nhạy cảm như: chấn chỉnh trong việc kiểm nghiệm phân bón; nâng cao quản lý chất lượng nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm, điển hình như chất cấm. Đây sẽ vẫn là những vấn đề trọng tâm của thanh tra trong năm 2016 và bằng mọi cách phải tạo ra sự chuyển biến trên thực tế. Cần rà soát lại các đơn thư khiếu nại, tố cáo. Các đơn thứ đó thuộc lĩnh vực nào, vì sao nhiều đơn, đã giải quyết được bao nhiêu vụ, bao nhiêu đơn kéo dài, công tác thanh tra phải ngày càng nâng cao chất lượng và hiệu quả.

Muốn giải quyết dứt điểm các tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm “phải thực hiện thanh tra đột xuất, có làm như vậy thì mới phát hiện được sai phạm. Thanh tra đột xuất thường gắn với đơn thư khiếu nại, giải quyết vấn đề cụ thể và quá trình thanh tra phải đúng theo quy trình của nhà nước, không phải đi thăm hỏi, đã thanh tra phải đại diện cơ quan Nhà nước trong kết luận thanh tra đúng người, đúng tội. Ngành nông nghiệp tiếp tục lấy năm 2016 là năm tăng cường quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm vì vậy đây là trọng tâm”, ông Hà Công Tuấn nói.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, ngành nông nghiệp sẽ tập trung mọi nguồn lực để ngăn chặn và xử lý các vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm, hướng dẫn cho những người sản xuất, thiết lập các kênh phân phối sản phẩm nông sản an toàn thời gian tới.

“Chúng ta đã đáp ứng về sản lượng nông sản, nhưng người dân mong đợi các sản phẩm nông sản an toàn. Các đơn vị trong bộ sẽ làm mọi việc để đáp ứng yêu cầu này của người dân. Làm phải có hệ thống, thông qua giám sát để biết những cơ sở, vùng nào làm tốt, chưa tốt để tập trung giám sát, lấy mẫu kiểm nghiệm và chỉ ra cho người sản xuất, đấu tranh với những người cố tình vi phạm. Quá trình triển khai phải làm có trọng tâm trọng điểm, trước mắt tập trung xử lý 2 mặt hàng chính là thịt và rau”, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết thêm.
H.V
Chất tạo nạc vẫn đe dọa an toàn thực phẩm
Chất tạo nạc vẫn đe dọa an toàn thực phẩm

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát, việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đang là nỗi lo lớn của ngành nông nghiệp nói riêng và toàn thể người tiêu dùng nói chung.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN