Đề xuất Thủ tướng chủ trì giải quyết vướng mắc dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng

Liên quan đến việc giải quyết các vướng mắc, phát sinh dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1, hợp đồng BT với vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng), UBND TP Hồ Chí Minh vừa đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trì cuộc họp trong thời gian sớm nhất với các bộ, ngành liên quan, TP Hồ Chí Minh và Ngân hàng BIDV để giải quyết các khó khăn vướng mắc liên quan, đảm bảo dự án triển khai đúng quy định, đáp ứng tiến độ, đạt chất lượng.

Chú thích ảnh
Cống ngăn triều Mương Chuối (quận 8) thuộc dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng hiện đã ngừng thi công. 

Theo báo cáo của UBND thành phố, Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam (chủ đầu tư) tham gia quá trình chuẩn bị đầu tư dự án cơ bản theo đúng quy định của Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư và đã được các Cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận chủ trương thực hiện theo quy định, tuy nhiên chưa có ý kiến thông qua của Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh.

Về quá trình lựa chọn nhà đầu tư, ngày 10/12/2015, UBND thành phố ban hành Quyết định số 6728/QĐ-UBND về phê duyệt kết quả chỉ định Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam là nhà đầu tư thực hiện dự án. Đối với việc ký hợp đồng BT, ngày 27/5/2016, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư ký Hợp đồng BT số 2607/2016/HĐ-UBND với chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam và doanh nghiệp dự án là Công ty TNHH Trung Nam BT 1547.

Vào tháng 4/2018 vừa qua, doanh nghiệp dự án là Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 đề nghị tạm dừng thi công và chỉ duy trì triển khai tại các vị trí xung yếu có nguy cơ gây mất an toàn cho công trình với nguyên nhân phía Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Nam Sài Gòn đã dừng giải ngân cho dự án do Sở Tài chính chưa thực hiện báo cáo Ngân hàng Nhà nước về tình hình thanh toán giải ngân theo phụ lục 02A tại Quyết định số 2240/QĐ-NHNN để hoàn tất thủ tục tái cấp vốn cho dự án.

Đáng chú ý, báo cáo của UBND TP Hồ Chí Minh xác định, ngày 2/5/2018, Công ty TNHH Tư vấn Xây dựng Meihardt Việt Nam tư vấn giám sát hợp đồng có văn bản số HTFC-SCFC/LO-18-029 thể hiện, việc sử dụng tiêu chuẩn vật liệu chế tạo, lắp đặt cơ khí cửa van thép không thống nhất từ thiết kế cơ sở đến thiết kế bản vẽ thi công và thực tế thi công.

Nhà đầu tư sử dụng các tiêu chuẩn vật liệu khác với tiêu chuẩn đã được duyệt, nhưng chưa được UBND TP Hồ Chí Minh chấp thuận.

Trên cơ sở đó, UBND thành phố đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Tư vấn giám sát hợp đồng và các sở ngành, đơn vị liên quan rà soát, tham mưu về vấn đề này.

Về tiến độ dự án, dự án bị ảnh hưởng bởi 236 hộ gia đình và 29 tổ chức, doanh nghiệp. Hiện nay 154 hộ và 25 tổ chức, doanh nghiệp đã bàn giao mặt bằng.

Hàng tuần, UBND thành phố tổ chức họp giao ban chỉ đạo các quận huyện có các đơn vị của Bộ Quốc phòng chưa bàn giao mặt bằng khẩn trương thực hiện hoàn tất bồi thường giải phóng, bàn giao mặt bằng để đảm bảo thi công, tiến độ dự án. Tính đến ngày 31/7/2018, dự án đã thi công đạt 72% khối lượng. Tư vấn giám sát hợp đồng đã xác nhận giải ngân 3.483 tỷ đồng; trong đó, chi phí xây lắp là 3.232 tỷ đồng (tương đương 46,5%).

Tin, ảnh: Trần Xuân Tình (TTXVN)
Loay hoay bài toán chống ngập ở các đô thị lớn
Loay hoay bài toán chống ngập ở các đô thị lớn

TP Hồ Chí Minh và Hà Nội là hai trung tâm kinh tế - xã hội - văn hóa lớn của cả nước nhưng mỗi khi triều cường dâng cao hoặc có mưa lớn thì đều chìm trong biển nước, mặc dù cả 2 thành phố đã chi hàng ngàn tỷ đồng cho công tác quy hoạch chống ngập.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN