Theo đó, Bộ Giao thông vận tải cho hay, tại Quyết định số 1579/QÐ-TTg ngày 22/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể hệ thống cảng biển thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, khu bến sông Cấm - Phà Rừng được quy hoạch “có phạm vi là vùng đất và vùng nước dọc sông Cấm (từ hạ lưu cầu Kiền đến thượng lưu cầu Bach Ðằng) và vùng nước khu vực luồng Phà Rừng (từ khu vực nhà máy đóng tàu Phà Rừng đến thượng lưu cầu Bach Ðằng); không phát triển mở rộng, từng bước di dời, chuyển đổi công năng các bến cảng hiện hữu từ khu vực cầu Bạch Ðằng đến hạ lưu cảng Vật Cách với lộ trình phù hợp quy hoạch phát triển thành phố Hải Phòng; cỡ tàu đến 10.000 tấn hoặc lớn hơn, phù hợp với điều kiên luồng hành hải và tĩnh không công trình vượt sông”.
Căn cứ nội dung nêu trên, bến cảng Vật Cách có vị trí tại phía trái luồng hàng hải sông Cấm, nằm trong phạm vi vùng đất và vùng nước dọc sông Cấm (từ hạ lưu cầu Kiền đến thượng lưu cầu Bạch Ðằng), không thuộc phạm vi không phát triển mở rộng, di dời theo nội dung Quyết định số 1579/QÐ-TTg.
Do vậy, Bộ Giao thông vận tải đánh giá, đề xuất của Công ty cổ phần cảng Vật Cách về việc mở rộng bến cảng Vật Cách cho cỡ tàu đến 5.000 tấn là không trái với Quy hoạch tổng thể phát triển cảng biển thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải đang chỉ đạo Ban Quản lý dự án Đường sắt khẩn trương đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện đầu tư Dự án “Cải tạo các ga trên các tuyến đường sắt phía Bắc”; trong đó, hạng mục đầu tư tuyến đường sắt kết nối cảng Vật Cách, dự kiến khởi công quý I/2023, hoàn thành năm 2024.
Theo đề xuất của Công ty cổ phần cảng Vật Cách, mục tiêu chính của việc nâng cấp mở rộng cảng Vật Cách nhằm khớp nối đồng bộ với việc đầu tư nâng cấp ga Vật Cách liền kề, từng bước tiếp nhận hàng hóa qua đường sắt thay thế cho khu bến cảng Hoàng Diệu và hàng hóa trên tuyến đường sắt nối từ cảng Chùa Vẽ đến cảng Hoàng Diệu.
Ngoài ra, theo Ðề án di dời Khu bến cảng Hoàng Diệu thuộc cảng biển Hải Phòng của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ sắp tới, phương án vận chuyển các mặt hàng bằng đường sắt đến cảng Hoàng Diệu (lưu huỳnh, quặng, apatit…) là sử dụng bến cảng và ga đường sắt trong cảng Vật Cách.
Do vậy, mục tiêu mở rộng cảng Vật Cách như đề xuất của Công ty cổ phần cảng Vật Cách cơ bản phù hợp với đề án.
“Để đáp ứng nhu cầu sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần đảm nhận lượng hàng thông qua do di dời khu bến cảng Hoàng Diệu, Bộ Giao thông vận tải chấp thuận chủ trương mở rộng bến cảng Vật Cách thuộc cảng biển Hải Phòng cơ bản như đề nghị của Công ty cổ phần cảng Vật Cách và ý kiến thống nhất của Cục Hàng hải Việt Nam”, Bộ Giao thông Vận tải cho hay.
Bộ Giao thông vận tải giao Công ty cổ phần cảng Vật Cách triển khai các bước tiếp theo tuân thủ các quy định chuyên ngành hàng hải, quy định về đầu tư xây dựng và các quy định liên quan của pháp luật đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải; phòng chống cháy nổ và bảo vệ môi trường.
Do các bến cảng được đề xuất mở rộng về phía sông nên Công ty cổ phần cảng Vật Cách có trách nhiệm thiết kế mở rộng tuyến mép bến đảm bảo tuân thủ quy định tại Nghị định số 143/2017/NĐ-CP ngày 14/12/2017 của Chính phủ Quy định bảo vệ công trình hàng hải và các quy định có liên quan của pháp luật; lập phương án bảo đảm an toàn hàng hải phục vụ quá trình thi công xây dựng, khai thác bến cảng trình cấp thẩm quyền theo quy định.
Công ty cổ phần cảng Vật Cách cũng sẽ phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Cục Đường sắt Việt Nam để đảm bảo kế hoạch, quy mô mở rộng cảng Vật Cách phù hợp với quy hoạch chuyên ngành đường sắt, kế hoạch triển khai đầu tư xây dựng ga Vật Cách và phương án chi tiết về sử dụng bến cảng, ga đường sắt trong Đề án di dời khu bến cảng Hoàng Diệu được cấp thẩm quyền phê duyệt.