Đề xuất giải pháp xây dựng thành phố thông minh Bình Dương

Ngày 27/11, tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm tỉnh, UBND tỉnh Bình Dương phối hợp Tổng lãnh sự quán Vương quốc Hà Lan tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị thành phố thông minh Bình Dương lần 2 năm 2017.

Gần 1.000 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; các cơ quan ngoại giao tại Thành phố Hồ Chí Minh; các trường đại học, viện nghiên cứu và các nhà khoa học trong và ngoài nước dự hội nghị.

Tại hội nghị, các đại biểu, nhà khoa học đã thảo luận, chia sẻ về tầm nhìn, chiến lược, cũng như các chương trình hành động của các thành phố thông minh trên khắp thế giới. Đồng thời, đề xuất các giải pháp để thực hiện thành công thành phố thông minh Bình Dương trong thời gian tới.

Các đại biểu tham quan Triển lãm “Thành phố Thông minh Bình Dương 2017”.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm cho rằng, là tỉnh công nghiệp, Bình Dương đang phải đối mặt với nhiều thách thức như kinh tế dựa nhiều vào sản xuất truyền thống, gây ô nhiễm môi trường và thâm dụng lao động kéo theo bùng nổ dân số cơ học. Đặc biệt là giá trị gia tăng và hàm lượng tri thức của nhiều sản phẩm được làm ra còn thấp… Trước thực trạng đó, đòi hỏi Bình Dương phải được chuyển sang giai đoạn phát triển mới, mang tính đột phá, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân và doanh nghiệp.

Theo ông Trần Thanh Liêm, Bình Dương luôn trăn trở trong việc tìm ra những giải pháp tối ưu nhất nhằm hạn chế những tác động tiêu cực của quá trình công nghiệp hóa. Vì vậy, Đề án thành phố thông minh Bình Dương được xem là một chương trình chiến lược đột phá kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương, ứng dụng mô hình ba nhà (Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp), hướng tới trước năm 2021 tạo những nền tảng cơ bản cơ sở cho một nền dịch vụ, sản xuất công nghệ cao, quy hoạch xây dựng Bình Dương theo hướng thông minh, làm tiền đề cho nền kinh tế tri thức.

Chia sẻ thực tiễn kinh nghiệm từ Hà Lan, Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam Nienke Trooster cho biết: Thành phố thông minh là một môi trường đô thị, nơi các quy trình được kết nối một cách thông minh với sự tham gia của các bên liên quan và sử dụng cách tiếp cận đa lĩnh vực. Cách tiếp cận này đã thành công ở thành phố Eindhoven (Hà Lan) và được áp dụng rộng rãi hơn nữa ở Hà Lan. Bà Nienke Trooster tin tưởng rằng, cách tiếp cận đa lĩnh vực này sẽ thành công ở Bình Dương và ngày càng được quan tâm nhiều hơn ở Việt Nam.

Theo UBND tỉnh Bình Dương, trong bối cảnh xây dựng đô thị thông minh còn mới, chưa có tiền lệ, với nhiều cơ hội và thách thức, chính quyền tỉnh mong muốn xây dựng thành phố thông minh để phục vụ tốt hơn cho người dân - chính quyền - doanh nghiệp. Trong đó, người dân được hưởng thụ cuộc sống đáng sống với các tiện ích như: dịch vụ công trực tuyến, được hưởng nền giáo dục thông minh, với cơ hội việc làm, giải trí đa phương tiện, được chăm sóc sức khỏe, và đảm bảo an sinh xã hội... Đối với doanh nghiệp, đó là môi trường khởi nghiệp năng động, tạo ra nhiều cơ hội phát triển kinh doanh, thủ tục thuận tiện, tiếp cận dễ dàng đến đối tượng khách hàng. Đối với chính quyền, đó là giảm tải thủ tục hành chính công, xử lý các vấn đề khủng hoảng một cách nhanh chóng, tạo ra được niềm tin, đảm bảo phát triển thành phố bền vững, duy trì môi trường tự nhiên, sử dụng hiệu quả hạ tầng, qua đó giúp giảm chi phí cho cộng đồng dân cư.

Tin, ảnh: Hải Âu (TTXVN)
Bình Dương hướng đến xây dựng thành phố thông minh
Bình Dương hướng đến xây dựng thành phố thông minh

Xây dựng thành phố thông minh là một chương trình chiến lược đột phá về kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương đến năm 2021, tầm nhìn năm 2030.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN