Thành phố Hồ Chí Minh xác định xây dựng đô thị thông minh dựa trên 4 chủ thể gồm chính quyền, doanh nghiệp, người dân, tổ chức xã hội. Thành phố sẽ tập trung thực hiện chiến lược “2 cánh” trong quá trình xây dựng đô thị thông minh: Quy hoạch thông minh thành phố phát triển bền vững; Quản lý ngành thông minh - công dân thông minh - doanh nghiệp thông minh.
Từ kinh nghiệm quốc tế, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết, Thành phố Hồ Chí Minh xác định 4 giải pháp nền tảng: Xây dựng chính quyền đô thị dự báo được dài hạn, có chiến lược phát triển dài hạn để nhận ra các nguy cơ và phòng ngừa ách tắc; chính quyền có những biện pháp hỗ trợ 4 chủ thể quyết định hiệu quả mô hình; phát triển mạnh mẽ hạ tầng viễn thông, cơ sở dữ liệu lớn của thành phố, để không gian mạng trở thành không gian sống thường xuyên của mỗi con người; người dân, công dân là chủ thể của quá trình phát triển đô thị thông minh.
Tại hội nghị, các chuyên gia, nhà quản lý đã chia sẻ tầm nhìn, chiến lược và kinh nghiệm xây dựng thành phố thông minh của các thành phố trong nước và khu vực, đưa ra những giải pháp quản lý, quy hoạch và phát triển đô thị thông minh phù hợp với các thành phố dựa trên nền tảng công nghệ mới như: IoT (kết nối vạn vật), Big Data (dữ liệu lớn)…
Ông David Wong Nan Fay, Chủ tịch Tổ chức Công nghiệp điện toán châu Á - châu Đại Dương cho biết: Tổ chức này đã tổ chức rất nhiều hội nghị liên quan đến xây dựng đô thị thông minh ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực. Điều này giúp các quốc gia có được kinh nghiệm và thấy được bức tranh phát triển đô thị của các thành phố. Tổ chức Công nghiệp điện toán châu Á – châu Đại Dương hiện có rất nhiều chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực này và sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam cũng như Thành phố Hồ Chí Minh trong vấn đề xây dựng và phát triển thành phố thông minh.
Cùng nhận định trên, theo bà Yvonne Chiu, Chủ tịch Liên minh dịch vụ công nghệ thông tin thế giới (Witsa), những đề xuất, giải pháp của các chuyên gia, doanh nghiệp công nghệ thế giới đưa ra tại hội nghị lần này sẽ là cơ sở, góp phần giúp Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng, phát triển thành phố thông minh trong tương lai.
Trong khi đó, Tiến sĩ Eva Yi-Yuan Yueh đến từ Tổ chức Công nghiệp điện toán châu Á - châu Đại Dương chia sẻ, hầu hết các quốc gia trong khu vực đã phát động hoặc có kế hoạch thực hiện số hóa, tận dụng công nghệ thông tin để mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp. Nhằm tạo cơ sở cho các thành phố tìm hiểu và tham khảo mô hình đô thị thông minh, hiện Asocio đã xây dựng Bộ chỉ tiêu đánh giá đô thị thông minh của Asocio với 55 tiêu chí ở nhiều khía cạnh khác nhau. Các tiêu chí tập trung vào các nội dung ứng dụng công nghệ thông tin của người dân, sự cảm nhận, tiếp nhận của người dân đối với thành phố, thu ngân sách và phát triển kinh tế bền vững. Các thành phố có thể dựa trên các tiêu chí này để có định hướng phù hợp.
Ở góc độ địa phương, ông Dương Anh Đức - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Thành phố đã đầu tư và thúc đẩy mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin vào tất cả lĩnh vực. Tuy nhiên, bản chất của việc ứng dụng công nghệ thông tin này chưa thực sự mang tính tổng thể, chưa đạt độ kết nối cao giữa các lĩnh vực. Để giải quyết những vấn đề trên, Thành phố Hồ Chí Minh đang xây dựng Đề án Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành thành phố thông minh, xem đây là một trong các nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nhằm hướng đến mục tiêu đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế và hướng đến kinh tế tri thức, nâng cao chất lượng môi trường sống và làm việc, quản trị đô thị hiệu quả, tăng cường sự tham gia quản lý của người dân-phát huy trí tuệ nhân dân.
Các hoạt động xúc tiến hợp tác thông qua triển lãm và giới thiệu các sản phẩm, giải pháp CNTT cho đô thị thông minh diễn ra bên lề hội nghị. Ảnh: Thế Anh/TTXVN |
Theo ông Dương Anh Đức, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ xây dựng kho dữ liệu dùng chung; xây dựng trung tâm mô phỏng, dự báo xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng trung tâm điều hành đô thị thông minh, xây dựng Trung tâm an toàn thông tin và đề xuất một khu công nghệ làm nền tảng triển khai đô thị thông minh. Để thực hiện đề án, thành phố sẽ huy động nguồn lực xã hội, khuyến khích doanh nghiệp đề xuất dự án cụ thể, đầu tư và cho thuê các dịch vụ để đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin.
Tại hội nghị, các chuyên gia và tập đoàn công nghệ cũng đưa ra nhiều đề xuất giải pháp cụ thể về xây dựng, phát triển đô thị thông minh cho Thành phố Hồ Chí Minh, giới thiệu các giải pháp công nghệ thông tin để giải quyết các vấn đề mà thành phố đang quan tâm như: Trung tâm chỉ huy của thành phố, giao thông, an ninh trật tự, môi trường, năng lượng, cấp thoát nước…