Để thương mại điện tử "có đất dụng võ"

Bên cạnh những doanh nghiệp thương mại điện tử chân chính vẫn còn nhiều doanh nghiệp làm ăn chộp giật, gây mất lòng tin người tiêu dùng. Điều này có thể kìm hãm sự phát triển bền vững của thương mại điện tử. Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Trọng, Phó Chánh văn phòng Hiệp hội Thương mại điện tử xung quanh vấn đề này.

Xin ông cho biết, thương mại điện tử đã có sự phát triển ra sao trong thời gian qua?

Năm 2015 có thể được coi là một năm bùng nổ của thương mại điện tử với những điểm đáng chú ý, những tập đoàn lớn trong nước bắt đầu tập trung đầu tư vào thương mại điện tử, điển hình là Adayroi của VinGroup. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nước ngoài cũng quan tâm thị trường này nhiều hơn thông qua việc đầu tư vào các công ty đang có vị trí thương hiệu uy tín trong nước như Lazada, Lingo, Bizweb, Haravan...

Thị trường thương mại điện tử đã trở thành sân chơi không chỉ cho doanh nghiệp lớn mà cả những doanh nghiệp nhỏ và các hộ kinh doanh cá thể. Người tiêu dùng cũng ngày càng quan tâm tới thương mại điện tử nhiều hơn.

Có thể nói thương mại điện tử trong nước có khá nhiều thuận lợi cả về hạ tầng viễn thông, môi trường pháp lý hay cộng đồng sử dụng Internet lớn, đa phần là giới trẻ dễ dàng tham gia mua sắm trực tuyến.

Giới trẻ ngày càng ưa chuộng mua hàng trực tuyến. Ảnh: Việt Hoàng

Dù thương mại điện tử Việt Nam có bước phát triển nhanh chóng nhưng vẫn còn nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này lại “chết yểu”. Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến nghịch lý này?

Có thể nói thương mại điện tử tại Việt Nam mới đang ở giai đoạn bùng nổ về quy mô thị trường ở bề rộng, tuy nhiên giá trị thị trường này còn khá thấp so với các hình thức kinh doanh khác cũng như so với thế giới. Có thể kể ra một số nguyên nhân đó là người tiêu dùng vẫn chưa thực sự tin tưởng vào mua sắm trực tuyến... Bên cạnh đó các dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử như thanh toán, chuyển phát, hỗ trợ sau bán hàng... chưa theo kịp tốc độ phát triển của thương mại điện tử.

Mô hình kinh doanh thương mại điện tử cũng đòi hỏi doanh nghiệp phải có nguồn lực, kế hoạch dài hạn và hướng đi mới tạo sự khác biệt trong môi trường đầy năng động này.


Mặc dù có ưu thế rõ rệt so với hình thức kinh doanh truyền thống, tuy nhiên sau nhiều năm có thể thấy thương mại điện tử ở Việt Nam vẫn chưa thực sự lấy được niềm tin của khách hàng. Theo ông, đâu là lý do chính của vấn đề này?

Nguyên nhân của vấn đề này bắt nguồn từ hai phía, đối với doanh nghiệp thì nguồn nhân lực có kỹ năng sâu về thương mại điện tử còn hạn chế, đa phần doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử ở mức cơ bản. Điển hình theo báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam năm 2015 thì đa số doanh nghiệp sử dụng website để cung cấp thông tin doanh nghiệp và sản phẩm.

Mới có 53% website có tính năng đặt hàng trực tuyến, 17% website có tính năng thanh toán trực tuyến. Do đó đa số sản phẩm dịch vụ chưa thực sự làm hài lòng người tiêu dùng từ sự đa dạng phong phú của thông tin tới những trải nghiệm mua sắm tiện ích mà đáng lẽ ra doanh nghiệp cần phải xây dựng thật hoàn thiện.

Doanh nghiệp chưa nhận thức được sức mạnh thực sự của Internet, bên cạnh việc giúp tiết kiệm chi phí và tăng hiệu quả kinh doanh thì nó cũng bao hàm những thách thức cho các doanh nghiệp kinh doanh chộp giật. Còn đối với người tiêu dùng thì vẫn lo sợ về vấn để bảo mật thông tin cá nhân khi mua sắm cũng như chất lượng hàng hóa dịch vụ không đảm bảo như quảng cáo.

Thói quen sử dụng tiền mặt và tâm lý muốn kiểm tra sản phẩm trước khi thanh toán của người tiêu dùng Việt Nam đã có từ lâu cần thời gian dài để thay đổi. Các dịch vụ hỗ trợ cho thương mại điện tử như thanh toán, chuyển phát chưa thực sự theo kịp tốc độ phát triển của thương mại điện tử.

Theo ông, thời gian tới cần những chính sách gì để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và giúp cho thương mại điện tử phát triển lành mạnh?

Cho đến nay môi trường chính sách và pháp luật cho thương mại điện tử khá hoàn thiện và đảm bảo đầy đủ quyền lợi cũng như nghĩa vụ cho cả người tiêu dùng và các doanh nghiệp. Tuy nhiên do tính chất mới của loại hình này nên cần thời gian để doanh nghiệp thực thi các nghĩa vụ theo đúng quy định pháp luật trong thương mại điện tử.

Ngoài ra, giai đoạn tới cần có chiến lược phát triển kế hoạch tổng thể cho cả giai đoạn 2016 - 2020 để có những định hướng cụ thể cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này cũng như giúp các cơ quan tổ chức có một cơ sở nền tảng triển khai thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử.

Các cơ quan quản lý cần hoàn thiện cơ chế giải quyết tranh chấp trong thương mại điện tử đặc biệt là giải quyết tranh chấp trực tuyến. Song song với việc hỗ trợ quản lý doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các tổ chức hiệp hội ngành nghề cần mở rộng việc tuyên truyền, đào tạo kỹ năng cho người tiêu dùng khi tham gia vào môi trường trực tuyến từ việc tìm kiếm hàng hóa sản phẩm và đơn vị bán hàng phù hợp tới những kỹ năng thanh toán, bảo vệ thông tin cá nhân trong môi trường này...
Uyên Hương (TTXVN)
Khai trương chợ thương mại điện tử nông lâm thủy sản
Khai trương chợ thương mại điện tử nông lâm thủy sản

Sáng 22/12, tại Hà Nội, Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp đã khai trương “Chợ thương mại điện tử nông lâm thủy sản Việt Nam (NLTS) và ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN