Dù có xu hướng ngày càng giảm thiểu, thu hẹp, song như kinh nghiệm thế giới chỉ ra, tái cơ cấu và đổi mới quản lý doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong bối cảnh mới không phải là xóa bỏ triệt để các doanh nghiệp (DN) này, mà là làm cho chúng ngày càng hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn và đóng góp nhiều hơn cho kinh tế quốc gia theo nguyên tắc quản lý kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.
DNNN hoạt động theo cơ chế thị trường
Trong quá trình tái cơ cấu và quản lý DNNN “hậu” tái cơ cấu, cần dựa trên cơ sở tôn trọng, vận dụng đầy đủ, đúng đắn các quy luật, nguyên tắc của kinh tế thị trường và tuân thủ pháp luật; tách bạch chức năng quản lý nhà nước với chức năng chủ sở hữu.
Chế biến thực phẩm tại Công ty CP Chế biến xuất khẩu Cầu Tre (Tổng công ty Thương mại Sài Gòn). Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN |
Theo đó, sẽ đổi mới, phát triển và tiến tới áp dụng đầy đủ khung quản trị hiện đại theo thông lệ tốt của kinh tế thị trường với các DNNN; thực hiện nghiêm pháp luật, kỷ cương hành chính nhà nước và kỷ luật thị trường, đổi mới hệ thống đòn bẩy khuyến khích bảo đảm DNNN hoạt động theo cơ chế thị trường và cạnh tranh bình đẳng như các DN thuộc các thành phần kinh tế khác và phù hợp cam kết hội nhập, tôn trọng, vận dụng đầy đủ, đúng đắn các quy luật, nguyên tắc của kinh tế thị trường, xem nhu cầu thị trường, cơ chế thị trường và hiệu quả, lợi ích là căn cứ chính để quyết định việc phân bổ các nguồn lực cho phát triển; thực hiện nhất quán chủ trương quản lý giá theo cơ chế có sự điều tiết của Nhà nước đối với điện, than, xăng dầu, dịch vụ công theo lộ trình với mức độ và thời gian điều chỉnh phù hợp bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát...
Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách về thực hiện chức năng quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu Nhà nước đối với DNNN, đặc biệt là quản lý đầu tư, tài chính, cán bộ, công tác kiểm tra, giám sát và các quy định về cổ phần hóa, sắp xếp, đổi mới DNNN. Đặc biệt, cần phân định rõ thẩm quyền, nghĩa vụ của từng cấp trong thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu và phần vốn Nhà nước đầu tư vào DN khác, làm rõ cơ chế giám sát và trách nhiệm của đại diện quyền sở hữu vốn và tài sản nhà nước tại các DN phù hợp với Luật DN và yêu cầu quản lý vốn nhà nước tại các DN.
Nhà nước không bao cấp rủi ro cho DN, nhưng cũng không tạo ra những rủi ro cho DN bằng các quyết định hành chính của mình. Đồng thời, để bảo đảm các DNNN và chủ thể tham gia các quan hệ thị trường tuân thủ “luật chơi” đã đề ra, cần hoàn thiện căn bản hệ thống công cụ và cơ chế giám sát, chế tài phân định rõ thẩm quyền, nghĩa vụ của từng cấp từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) trong thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu và phần vốn Nhà nước đầu tư vào DN khác (đổi mới tổ chức và chức năng SCIC theo lĩnh vực, nhóm ngành kinh tế - xã hội, nâng dần tính tập trung một đầu mối và tính chuyên nghiệp trong quản lý, thay vì kiểu tổ chức và hoạt động vừa ôm đồm, vừa phân tán và bị quá tải như hiện nay); cần bảo đảm sự công khai, minh bạch về tài chính trong quá trình thực hiện quyền và trách nhiệm của chủ sở hữu nhà nước đối với vốn và tài sản nhà nước tại các DNNN; khẩn trương xác định các tiêu chí và thứ tự ưu tiên làm căn cứ để tổ chức và quản lý DNNN, khắc phục tình trạng trì trệ hoặc lạm dụng, trục lợi trong phân công chủ quản và “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” trong chỉ đạo, điều hành... Các bộ được giao làm đại diện chủ sở hữu tổ chức theo dõi, kiểm tra, giám sát, đánh giá hoạt động của DN theo cơ chế giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của DN 100% vốn nhà nước và DN có vốn nhà nước.
Tách bạch mục tiêu kinh doanh có lợi nhuận và phi lợi nhuận
Khác với các hoạt động kinh tế khác, hoạt động của DNNN luôn có 2 mục tiêu với 2 tính chất khác nhau, đó là mục tiêu kinh doanh thông thường như các DN khác và mục tiêu công ích đặc trưng riêng có của mình. Vì vậy, cần xác định rõ theo các hệ tiêu chí đồng bộ và khoa học về tính chất kinh doanh và tính chất công ích của DNNN; từ đó làm rõ cơ chế quản lý phù hợp đáp ứng mục tiêu kinh tế - xã hội, môi trường, cũng như các lợi ích quốc gia và địa phương, ngành, cụ thể và dài hạn; khắc phục sự nhập nhằng giữa nguồn vốn hoạt động vì lợi nhuận với nguồn vốn hoạt động phi lợi nhuận, cũng như giữa trách nhiệm xã hội của các tập đoàn kinh tế nhà nước đối với ổn định kinh tế vĩ mô với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, dễ dẫn đến đầu tư của tập đoàn vừa bị phân tán, vừa dễ bị lạm dụng, kém hiệu quả. Đây cũng là điểm nút để giảm thiểu sự nhập nhằng, mù mờ hoặc lạm dụng trong hạch toán và đánh giá các hoạt động công ích và hoạt động kinh doanh của các DN trong thực tiễn cả quản lý nhà nước, cũng như sự hoạt động tự chủ của DNNN, khiến các DNNN không hoạt động hiệu quả như mong muốn và tiềm năng, nhất là đối với các DNNN thuộc lĩnh vực độc quyền cao.
“Để việc tái cấu trúc DNNN có hiệu quả đòi hỏi phải có cách làm mới, có lộ trình, quyết liệt và thực chất, phải bắt đúng bệnh và không tiến hành theo kiểu phong trào và hình thức...” |
Đồng thời, dù tính chất kinh doanh hay công ích thì cũng đòi hỏi sự bình đẳng giữa các DNNN với các DN khác, hoặc theo Luật Doanh nghiệp đối với các hoạt động kinh doanh, hoặc theo Luật Đầu tư công (đang được xây dựng) với yêu cầu ngày càng mở rộng sự tham gia của các DN khác vào thực hiện các hoạt động công ích được tài trợ bằng nguồn vốn NSNN theo nguyên tắc khuyến khích đấu thầu công khai và bình đẳng, giảm thiểu tình trạng khép kín, sự chi phối của lợi ích nhóm và tư duy nhiệm kỳ... như tinh thần Nghị quyết Hội nghị TW3 Đại hội XI đã chỉ rõ. Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước cần thực hiện cơ cấu lại danh mục đầu tư và ngành nghề kinh doanh, tập trung vào các ngành nghề kinh doanh chính; thực hiện nghiêm pháp luật, kỷ cương hành chính nhà nước và kỷ luật thị trường, đổi mới hệ thống đòn bẩy khuyến khích bảo đảm doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo cơ chế thị trường và cạnh tranh bình đẳng như các DN thuộc các thành phần kinh tế khác. Các DNNN, tập đoàn và tổng công ty nhà nước phải thực hiện công bố thông tin và trách nhiệm giải trình hoạt động, nhất là về tài chính, như quy định đối với các DN niêm yết trên thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó, cần có quy chế kiểm soát giá và điều tiết lợi nhuận đối với DNNN hoạt động trong lĩnh vực độc quyền, nhằm bảo đảm lợi ích, sự bình đẳng, công bằng xã hội chung và giảm thiểu tình trạng biến sự độc quyền và lợi nhuận nhà nước thành sự độc quyền và lợi nhuận của DN... hoàn thiện chế độ kế toán của các tập đoàn, tổng công ty để đánh giá chính xác hiệu quả hoạt động.
Phải gắn hiệu quả kinh doanh của DNNN với lợi ích cá nhân của người đứng đầu. Thay vì bổ nhiệm các chức danh chủ chốt bằng những quyết định không có điều kiện ràng buộc, thiếu công khai minh bạch chuyển sang tuyển chọn công khai các ứng cử viên trong xã hội trên cơ sở những yêu cầu về tăng năng suất, lợi nhuận; cần sắp xếp lại các doanh nghiệp có nguy cơ vỡ nợ, khó khăn để xử lý; đẩy mạnh cổ phần hóa để đặt DNNN lớn vào môi trường cạnh tranh; áp dụng quản trị DN hiện đại, tốt nhất theo thông lệ quốc tế; đặt giám đốc điều hành vào môi trường cạnh tranh sẽ tránh được chuyện tranh cãi lương bổng...
Thực tế cho thấy, để bảo đảm hài hòa các mục tiêu và lợi ích của các bên có liên quan trong quá trình tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế và tăng cường quản lý DNNN “hậu” tái cơ cấu, cần coi trọng đổi mới quy trình và phương pháp thực hiện các quy hoạch phát triển kinh tế và DNNN, đi từ yêu cầu và mục tiêu tổng thể chung của cả nước, đến các vùng lãnh thổ, rồi mới đến từng địa phương, cơ sở; đặc biệt, cần thận trọng và đồng bộ khi xây dựng và triển khai các đề án và các thể chế hỗ trợ các mô hình sản xuất hàng hóa lớn, có lợi thế so sánh và kỹ thuật cao, công nghệ quản lý hiện đại, cần gắn kết chặt chẽ giữa các khâu sản xuất và phân phối trong chuỗi giá trị chung, bảo đảm phân bổ hợp lý lợi ích giữa các công đoạn trong chuỗi giá trị đó, cũng như cân nhắc tới những giới hạn nội tại về công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn vốn và yêu cầu giải quyết việc làm và an sinh xã hội, nhất là ở khu vực nông thôn vùng sâu, miền núi và hải đảo xa xôi.
Trong quản lý DNNN, sự phối hợp chính sách giữa các cơ quan chính phủ với các doanh nghiệp nhà nước cần gắn kết chặt chẽ và dân chủ với giới doanh nghiệp và viện, trường và các tầng lớp dân chúng khác. Sử dụng chuyên gia trong nước và nước ngoài có trình độ và khách quan nhằm đánh giá, phản biện độc lập các tác động 2 mặt của dự án đầu tư lớn. Làm tốt việc này sẽ hạn chế bớt những hoạt động đầu tư DNNN gắn với lợi ích cục bộ, chủ quan và ngắn hạn của các quan chức chuyên nghiệp và chính trị trong đầu tư công.
TS Nguyễn Minh Phong