Để hệ thống ngân hàng lành mạnh về lâu dài

Việc tái cấu trúc các ngân hàng yếu kém thời gian qua đã giúp hệ thống ổn định hơn. Tuy nhiên, để hệ thống ngân hàng lành mạnh hóa về dài hạn, việc cần phải giải quyết hiện nay là xử lý tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống.


 

Ông Nguyễn Xuân Thành (ảnh), Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright tại TP Hồ Chí Minh đã trả lời xung quanh vấn đề này.

´Ông có đánh giá ra sao về kết quả bước đầu thực hiện tiến trình tái cấu trúc các ngân hàng yếu kém thời gian vừa qua?


Trong 2 năm qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tập trung tái cấu trúc các ngân hàng yếu kém. Cụ thể: Theo danh sách của NHNN là tái cấu trúc 9 ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) yếu kém thì đến nay đã có 8 ngân hàng đã được tái cấu trúc. Tôi cho rằng, mục tiêu của quá trình tái cấu trúc không chỉ là giải quyết khó khăn trước mắt của từng ngân hàng, mà còn phải lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng, thay đổi cấu trúc sở hữu, đặc biệt là khắc phục vấn đề sở hữu chéo. Vì một trong những nguyên nhân rất quan trọng dẫn đến tình trạng yếu kém của hệ thống ngân hàng là nợ xấu, sở hữu chéo. Vấn đề này cần giải quyết trong trung và dài hạn.


Thực tế là, từ thời điểm năm 2011, các ngân hàng yếu kém trên đã mất thanh khoản nghiêm trọng và phải được NHNN hỗ trợ. Do đó, mục tiêu trước mắt để tái cơ cấu ngân hàng yếu kém là phải tìm được nhà đầu tư bên ngoài tham gia vào thay đổi cấu trúc vốn. Tuy nhiên, việc tìm kiếm nhà đầu tư bên ngoài cũng gặp trở ngại là họ bị giới hạn về mức độ vốn sở hữu. Nếu vốn sở hữu không lớn thì cũng không giúp cho các ngân hàng tìm được các nhà đầu tư thực sự để thay thế cổ đông hiện hữu trước đây đã lũng đoạn, gây nên tình trạng yếu kém của các ngân hàng này.

 

´Về dài hạn, ông có lo ngại cùng với quá trình tái cơ cấu ngân hàng, cấu trúc sở hữu chéo cũ lại được thay thế bằng một cấu trúc sở hữu chéo mới hay không?


So sánh trước khi tái cấu trúc và sau khi tái cấu trúc thấy rằng: Có những ngân hàng tuy đã được hợp nhất nhưng cơ cấu sở hữu không thay đổi. Các nhóm cổ đông cũ vẫn tiếp tục nắm quyền kiểm soát. Trường hợp nữa là một số ngân hàng yếu kém có nhóm cổ đông mới. Các cổ đông mới này chỉ được sở hữu vốn ở mức giới hạn cho phép. Do đó, để không vượt quá giới hạn cho phép, các cổ đông mới phải tham gia góp vốn thông qua nhiều nhóm cổ đông khác nhau. Nhưng các tổ chức này thực chất vẫn có liên quan. Như vậy, một cấu trúc sở hữu chéo cũ lại được thay thế bằng một cấu trúc sở hữu chéo mới.


Đối với việc hợp nhất ba ngân hàng thành một ngân hàng, thông qua quá trình tái cấu trúc, nợ xấu đã giảm, thanh khoản được cải thiện. Tuy nhiên, cơ cấu cổ đông không có nhiều thay đổi. Mặc dù có thêm cổ đông mới nhưng cổ đông cũ vẫn đóng vai trò quan trọng. Cổ đông nước ngoài vẫn có quan hệ khăng khít với cổ đông cũ. Và như vậy, sở hữu chéo vẫn còn. Ví dụ: Ngân hàng Xây dựng Việt Nam đổi tên đứng đằng sau vẫn là một tập đoàn xây dựng, một nhóm cổ đông bất động sản. Như vậy một ngân hàng trước đây yếu kém do sở hữu chéo thì bây giờ sở hữu chéo còn phức tạp hơn.


Như vậy tôi cho rằng, cách thức tái cấu trúc các ngân hàng yếu kém vừa rồi là dùng sở hữu chéo để tái cấu trúc. Thứ nhất là việc này cho phép không phải dùng tiền ngân sách. Thứ hai là ngân hàng có nguồn lực mới để xử lý nợ xấu, trả lại được các khoản vay tái cấp vốn của NHNN. Tuy nhiên, việc xử lý sở hữu chéo thì lại chưa giài quyết được triệt để.

 

´Theo như ông nói thì, việc dùng sở hữu chéo để tái cấu trúc các ngân hàng yếu kém sẽ để lại hệ lụy lâu dài?


Tại sao nợ xấu lại tăng nhanh, tại sao các ngân hàng lại yếu kém? Theo tôi, một trong những nguyên nhân là do sở hữu chéo. Đó là do các nhóm cổ đông, nhà đầu tư, sở hữu ngân hàng, đồng thời sở hữu các công ty phi tài chính của mình và dùng khả năng kiểm soát ngân hàng để cho phép công ty phi tài chính của chính mình vay mà không theo các chuẩn mực cho vay.


Theo đánh giá của tôi, để tái cấu trúc thành công phải đi liền với khắc phục sở hữu chéo. Nhưng do trước mắt chưa thể khắc phục ngay tình trạng sở hữu chéo nên chỉ lành mạnh hóa được các ngân hàng yếu kém trong ngắn hạn và rủi ro tiềm ẩn vẫn còn. Gánh nặng với cơ quan quản lý Nhà nước cũng rất lớn, vì phải giám sát, dùng bộ máy lớn, thì mới giám sát được tình trạng sở hữu chéo hiện nay.


Do đó, sắp tới vẫn phải có hướng ưu tiên để xử lý về sở hữu chéo. Theo đó, cần có những nhà cổ đông mới thực sự, có nguồn lực thực sự, để thay thế nhóm cổ đông cũ. Các cổ đông mới là nhà đầu tư của ngân hàng nhưng không có doanh nghiệp sân sau. Không nên để tình trạng tôi sở hữu ngân hàng và ngân hàng lại cho doanh nghiệp của tôi vay. Cần có những nguồn lực thực sự để tái cấu trúc ngân hàng.


Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tại Báo cáo tình hình triển khai Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phần về tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng và thị trường chứng khoán trước Quốc hội, Chính phủ cho biết các phương án cơ cấu đối với 9 ngân hàng TMCP đều được thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện và đã phê duyệt được 8 phương án đối với 9 ngân hàng yếu kém. Theo đó, đã hoàn tất cho việc hợp nhất 3 ngân hàng thành Ngân hàng TMCP Sài Gòn - SCB, 1 ngân hàng hợp nhất với 1 tổ chức tín dụng khác (Ngân hàng Phương Tây với PVFC), 1 ngân hàng sáp nhập với 1 ngân hàng khác (Habubank sáp nhập vào SHB), 3 ngân hàng khác đã được chấp thuận phương án tự cơ cấu lại.


Minh Phương (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN