Đề án di dời khu công nghiệp Biên Hòa I vẫn giậm chân tại chỗ

Mặc dù nhiều doanh nghiệp đã nắm thông tin về đề án chuyển đổi công năng (đóng cửa – di dời) Khu công nghiệp Biên Hòa I (Đồng Nai), nhưng nhiều năm trôi qua, việc này vẫn giậm chân tại chỗ.

Mới đây, để đảm bảo tính pháp lý của đề án, UBND tỉnh Đồng Nai có văn bản kiến nghị Chính phủ đưa Khu công nghiệp Biên Hòa I ra khỏi quy hoạch khu công nghiệp. Chủ trương di dời khu công nghiệp vì thế vẫn tiếp tục được bàn thảo, hàng chục doanh nghiệp vẫn phải ngóng chờ, chưa biết mình sẽ dời đến đâu, được hỗ trợ những gì. 

Chú thích ảnh
Một góc Khu công nghiệp Biên Hòa (Đồng Nai). Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Công ty cổ phần Nhất Nam (chuyên sản xuất đồ gỗ) hiện có 250 lao động, hoạt động tại Khu công nghiệp Biên Hòa I đã hơn 40 năm. Diện tích đất doanh nghiệp thuê tại đây là 5,6 ha, thời hạn thuê đất đến năm 2051. Hầu hết công nhân của Công ty cổ phần Nhất Nam đã làm việc hàng chục năm, có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cao.

Ông Phan Văn Bình, Giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam cho biết, Khu công nghiệp Biên Hòa I nằm ở vị trí đắc địa (bên cạnh Quốc lộ 1A, Quốc lộ 51 và ngã 3 Vũng Tàu), việc sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp rất thuận lợi. Công ty cổ phần Nhất Nam có nhiều khách hàng là nhà cung cấp, phân phối chứ không phải người tiêu dùng thông thường, thị trường đồ gỗ còn nhiều tiềm năng. Từ khi có chủ trương di dời Khu công nghiệp Biên Hòa I, công ty ngừng mở rộng sản xuất, không trang bị thêm máy móc mới, bởi không biết khi nào sẽ phải chuyển đi.

Ông Bình chia sẻ: "Chúng tôi đồng tình với chủ trương di dời nhưng muốn biết thời gian cụ thể để kịp chuẩn bị. Chuyển đến nơi mới, Công ty cổ phần Nhất Nam dự kiến sẽ phải chi 50 tỷ đồng thuê đất (5 ha) và hơn 20 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, đầu tư trang thiết bị. Thời gian doanh nghiệp thực hiện các thủ tục thuê đất, xây dựng cơ sở mới dự kiến từ 1 - 2 năm. Doanh nghiệp dời đi đồng nghĩa với việc làm lại từ đầu, cần được Nhà nước hỗ trợ về mọi mặt, đặc biệt là vốn, địa điểm thuê đất. Ngoài ra, khi đến nơi mới, nhiều công nhân do đã có cuộc sống ổn định, hàng ngày không thể di chuyển hàng chục km để đi làm, nguy cơ rời bỏ doanh nghiệp là rất lớn. Chính quyền các cấp cần quan tâm, hỗ trợ lao động mất việc làm vì nguyên nhân bất khả kháng".

“Hoạt động của doanh nghiệp là liên tục với những chiến lược lâu dài, bởi nếu gián đoạn, doanh nghiệp không thể cung cấp hàng cho đối tác, từ đó sẽ mất khách hàng. Chủ trương di dời Khu công nghiệp Biên Hòa I đã có từ lâu nhưng chậm triển khai, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Chúng tôi muốn biết lộ trình cụ thể để có thời gian chuẩn bị”, ông Bình nhấn mạnh.

Theo các doanh nghiệp đang hoạt động tại Khu công nghiệp Biên Hòa I, năm 2010, Chính phủ ban hành Quyết định 86/2010/QĐ-TTg về Quy chế tài chính phục vụ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị (Quyết định 86).

Theo Quyết định này, doanh nghiệp phải di dời sẽ được làm chủ đầu tư hoặc liên doanh với nhà đầu tư khác để đầu tư theo đúng quy hoạch tại vị trí cũ. Nếu áp dụng Quyết định 86, Nhà nước sẽ không phải đền bù, chi tiền hỗ trợ với doanh nghiệp phải di dời.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, trước đây, Đồng Nai đã giao cho 1 nhà đầu tư thực hiện di dời Khu công nghiệp Biên Hòa I, tỉnh cũng dự kiến vào cuối năm 2022 sẽ đóng cửa khu công nghiệp này. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu các quy định, văn bản pháp luật liên quan, ngành chức năng nhận thấy, việc đóng cửa khu công nghiệp là thiếu cơ sở pháp lý.

Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai cho biết, Nghị định số 82/2018/NĐ-CP của Chính phủ (Nghị định 82) quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế không có quy định nào về việc đóng cửa, chấm dứt hoạt động khu công nghiệp, khu kinh tế mà chỉ có quy định về lập quy hoạch, đưa vào quy hoạch, bổ sung và đưa ra khỏi quy hoạch các khu công nghiệp.

Căn cứ Nghị định 82, UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản số 9622/UBND/KTNS (ngày 20/8/2019) kiến nghị Chính phủ đưa Khu công nghiệp Biên Hòa I ra khỏi quy hoạch khu công nghiệp; đồng thời, xin chủ trương cho đấu giá toàn bộ hơn 300 ha đất tại khu công nghiệp này.

Việc đưa Khu công nghiệp Biên Hòa I ra khỏi quy hoạch là yêu cầu bắt buộc để triển khai các bước tiếp theo trong việc chuyển đổi công năng khu công nghiệp. Khi đưa ra khỏi quy hoạch, đất ở đây không còn là đất công nghiệp, tỉnh sẽ lập quy hoạch dự án khu đô thị - thương mại - dịch vụ và cải thiện môi trường. Hiện, các ngành chức năng của Đồng Nai đang lập phương án bồi thường, hỗ trợ đối với doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Biên Hòa I; đưa ra quy định về đấu giá đất, lựa chọn nhà đầu tư triển khai dự án.

Ông Nguyễn Hữu Nguyên cho biết, khi lên phương án di dời doanh nghiệp khỏi Khu công nghiệp Biên Hòa I, Đồng Nai sẽ quan tâm đến những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải, hỗ trợ doanh nghiệp tìm địa điểm mới, tìm hiểu số lượng công nhân doanh nghiệp đang sử dụng, từ đó đề ra chính sách phù hợp, đảm bảo hài hòa lợi ích giữ các bên.

Khu công nghiệp Biên Hòa I ra đời năm 1963 - là khu công nghiệp được xây dựng sớm nhất ở nước ta với tổng diện tích 323 ha. Hiện khu công nghiệp có 82 doanh nghiệp đang thuê đất, mỗi ngày xả hơn 9.000 m3 nước thải, phần lớn nước thải do doanh nghiệp tự xử lý rồi xả trực tiếp ra sông Đồng Nai. Với lý do doanh nghiệp đang hoạt động tại khu công nghiệp gây ô nhiễm nguồn nước sông Đồng Nai, 10 năm trước, Đồng Nai đề xuất cơ quan Trung ương chuyển đổi công năng khu công nghiệp này và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý.
Công Phong (TTXVN)
Di dời Khu công nghiệp Biên Hòa I: 10 năm vẫn giậm chân tại chỗ
Di dời Khu công nghiệp Biên Hòa I: 10 năm vẫn giậm chân tại chỗ

Năm 2009, dựa trên đề xuất của tỉnh Đồng Nai, Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương chuyển đổi công năng, di dời khu công nghiệp Biên Hòa I ra khỏi thành phố Biên Hòa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN