Đoàn đã kiểm tra thực tế tại các công trình thi công tuyến metro số 1 như ga Phước Long, ga Ba Son, đường hầm TBM nối từ ga Ba Son đến ga Nhà hát Thành phố, hầm đào hở Lê Lợi, ga trung tâm Bến Thành… Đây là những khu vực phần lớn đã thi công xong cơ bản kết cấu bê tông, đang tiến hành các bước hoàn thiện.
Ông Bùi Xuân Cường, Trưởng Ban Quản lý Đường sắt đô thị Thành phố cho biết, hiện có 1.425 kỹ sư, công nhân đang thi công Dự án metro số 1, lúc cao điểm lên tới 2.500 người; thời gian tới sẽ tiếp tục tăng số lượng kỹ sư, công nhân để đẩy nhanh tiến độ. Mục tiêu đạt tổng khối lượng 80% trong năm 2019 là hoàn toàn khả thi.
Trong khi đó, tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) hiện đang chờ điều chỉnh đầu tư, tổng mức đầu tư và thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Dự án cũng đang triển khai đấu thầu và phấn đấu khởi công trong năm 2020. Thành phố đang nỗ lực, dành nhiều ưu tiên do dự án tuyến metro số 1 và số 2.
Dự án tuyến metro số 1 có tổng chiều dài 19,7 km (đoạn đi ngầm dài 2,6 km; đoạn đi cao dài 17,1 km) với 14 nhà ga (3 nhà ga ngầm, 11 nhà ga trên cao). Tổng mức đầu tư (theo đề xuất điều chỉnh) khoảng 47,3 tỷ đồng. Hiện nay, dự án đã thực hiện được khoảng 63% tổng khối lượng; theo kế hoạch năm 2019 sẽ hoàn thành 80% tổng khối lượng.
Tại buổi khảo sát, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân ghi nhận nỗ lực của Ban Quản lý Đường sắt đô thị, các nhà thầu thi công trong điều kiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; giúp công trình đạt được những khối lượng quan trọng. Dự án tuyến metro số 1 phụ thuộc nhiều yếu tố nên đã bị chậm so với kế hoạch. Thành phố sẽ hỗ trợ tối đa để công trình hoàn thành, đưa vào vận hành đúng tiến độ, làm tiền đề cho các tuyến metro sau, góp phần nhanh chóng hình thành hệ thống metro sau này.
Theo Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân, metro số 1 hết sức quan trọng, bởi đây là công trình mở đầu cho giai đoạn 10 - 15 năm hình thành hệ thống đường sắt đô thị của thành phố được đồng bộ. Những khởi đầu gặp gian nan, thách thức, nên phải lắng nghe, ghi nhận để góp phần giải quyết khó khăn và thực hiện thành công tuyến số 1, sau đó là tuyến metro số 2 và các tuyến khác sau này sẽ tốt hơn.
Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cũng gợi ý, Ban Quản lý Đường sắt đô thị Thành phố cần học hỏi mô hình của các nước đã xây dựng metro từ xưa cũng như các quốc gia mới đầu tư cho metro. Từ đó, học hỏi kinh nghiệm, tìm hiểu các cơ chế, chính sách của họ như thế nào. Ngoài ra, các đơn vị cần nghiên cứu, thực hiện quy hoạch đất dọc theo dự án các tuyến metro, qua đó có thể khai thác kinh tế để đầu tư trở lại cho dự án metro.
Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến cho biết, UBND Thành phố đang khẩn trương hoàn thiện nhân sự cho Ban Quản lý Đường sắt đô thị nhằm giúp đơn vị ổn định để thực hiện các dự án tốt nhất. Đối với tuyến metro số 2, thành phố cũng đã thông qua đơn gia T1, T2 để tiến hành bồi thường giải phóng mặt bằng. Thời gian tới, các quận huyện cần phải triển khai ngay để sớm bàn giao mặt bằng thực hiện dự án.
Theo Quyết định 568/QĐ-TTg ngày 8/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về Điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, hệ thống đường sắt đô thị của Thành phố gồm 8 tuyến xuyên tâm và vành khuyên nối các trung tâm chính của thành phố; 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray; quy hoạch xây dựng 7 Depot cho các tuyến đường sắt đô thị và 3 Depot cho các tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray. Tổng chiều dài của toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị khoảng 220 km, với tổng vốn đầu tư ước tính gần 250 tỷ USD.