Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị Tp. Hồ Chí Minh, thiết kế cơ sở và dự án đầu tư tuyến metro số 5 - giai đoạn 1 đã được hoàn tất với các nội dung và thành phần hồ sơ phù hợp với quy định hiện hành trong nước cũng như của Chính phủ Tây Ban Nha. Tuy nhiên đến nay dự án này vẫn chưa thể triển khai được do thay đổi pháp lý.
Cụ thể, dự án đã được Tư vấn IDOM (Tây Ban Nha) lập báo cáo nghiên cứu khả thi từ tháng 4/2009 đến đầu năm 2010 và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1: Ngã tư Bảy Hiền – Cầu Sài Gòn, giai đoạn 2: Ngã tư Bảy Hiền – Bến xe Cần Giuộc. Đến năm 2011, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục Đề cương chi tiết của dự án. Năm 2012, UBND Tp. Hồ Chí Minh đã phê duyệt dự án đầu tư (lần thứ nhất). Tuy nhiên sau đó, Chính phủ Tây Ban Nha thông báo giảm nguồn tài trợ từ 500 triệu USD xuống 200 triệu USD nên dự án bị ngưng lại.
Đoạn vượt sông Sài Gòn đang được thi công khẩn trương với chiều rộng 11 m, 2 trụ chính đã thành hình. Ảnh: Hoàng Hải-TTXVN |
Sau khi được sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và sự giúp đỡ của các bộ ngành cũng như sự cam kết vốn của dự án, tháng 12/2014 tuyến metro số 5 - giai đoạn 1 đã được thu xếp vốn với tổng mức đầu tư 1,563 tỷ Euro từ vốn vay của Chính phủ Tây Ban Nha, Ngân hàng ADB, Ngân hành EIB, Ngân hàng KfW và vốn đối ứng trong nước. Trên cơ sở đó, UBND Tp. Hồ Chí Minh đã phê duyệt dự án lần thứ 2 theo quy định của Luật Xây dựng năm 2003 và các quy định về sử dụng vốn ODA.
Thế nhưng theo quy định tại Luật Đầu tư công có hiệu lực từ 1/1/2015, dự án metro số 5 – giai đoạn 1 là dự án quan trọng quốc gia, có tổng vốn đầu tư trên 10.000 tỷ đồng phải trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư nên một lần nữa dự án không phê duyệt được.
Từ vấn đề nêu trên, Ban Quản lý đường sắt đô thị đã tham mưu UBND Tp. Hồ Chí Minh kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ cho phép thành phố tiếp tục được triển khai dự án metro số 5 - giai đoạn 1 theo Luật Xây dựng năm 2003 và các quy định sử dụng vốn ODA. Song song đó, thực hiện tất cả các thủ tục theo Luật Đầu tư công, báo cáo Quốc hội tương tự như 2 tuyến metro số 1, số 2 mà thành phố đang thực hiện. Nếu chậm trễ, kéo dài, tuyến số 5 sẽ phát sinh thêm chi phí, chậm tiến độ, ảnh hưởng đến năm tài khóa cấp vốn cho dự án theo cam kết vốn của nhà tài trợ cũng như khả năng tài trợ có thể bị hủy bỏ do dự án kéo dài.
Liên quan đến các dự án metro, Ban Quản lý đường sắt đô thị Tp. Hồ Chí Minh vừa công bố cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) cho hệ thống đường sắt đô thị. Theo đó, logo được chọn là chữ M (viết tắt của chữ Metro) có hình dáng của búp hoa sen với màu xanh tươi mát, thể hiện khát vọng của chính quyền và nhân dân Tp. Hồ Chí Minh về những tuyến giao thông hiện đại, lan tỏa, giải quyết tình trạng quá tải; mang thông điệp về một hệ thống giao thông xanh, không gây tác động xấu lên môi trường.