Dự án Tổ hợp hóa dầu Long Sơn do Tập đoàn SCG (Thái Lan) làm chủ đầu tư, với tổng vốn đăng ký khoảng 5,4 tỷ USD, quy mô gần 400 ha đất, gần 70 ha đất có mặt nước và khoảng 194 ha mặt nước để làm cảng. Các hạng mục thi công đã bắt đầu triển khai từ tháng 11/2019, trong đó có 3 gói thầu xây lắp cơ khí của Tổng công ty Lắp máy Việt Nam, với tổng giá trị hợp đồng gần 1.300 tỷ đồng. Tổ hợp hóa dầu Long Sơn dự kiến khi đi vào hoạt động sẽ có công suất 998.000 tấn ethylene, 420.000 tấn Propylene, 113.000 tấn Butadiene, 483.000 tấn PP, 525.000 tấn HDPE, 525.000 tấn LDPE trong 1 năm.
Dự án Tổ hợp hóa dầu Long Sơn thuộc Khu công nghiệp Dầu khí Long Sơn (TP Vũng Tàu), nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam TP Hồ Chí Minh-Biên Hòa-Vũng Tàu, liền kề cảng Cái Mép-Thị Vải. Đây là dự án trọng điểm quốc gia, có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của cả nước nói chung, của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nói riêng. Đến năm 2023, Tổ hợp Hóa dầu Miền Nam dự kiến sẽ đưa vào hoạt động để giúp thay thế và giảm dần việc nhập khẩu các sản phẩm hóa dầu, cung cấp nguồn nguyên nhiên liệu quan trọng cho các ngành công nghiệp sản xuất nội địa; đồng thời, tạo ra cơ hội xuất khẩu các mặt hàng hàng hóa dầu, giúp Việt Nam có mặt trên bản đồ các nước xuất khẩu sản phẩm hóa dầu và tạo việc làm cho khoảng 20.000 lao động các địa phương.
Những ngày trung tuần tháng 1/2021, phóng viên báo Tin tức có mặt trên công trường lắp máy của dự án, ghi nhận không khí thi công khẩn trương của các nhà thầu lắp máy để đảm bảo tiến độ bàn giao chủ đầu tư trong năm 2022, kịp đưa vào chạy thương mại năm 2023.
Những hình ảnh phóng viên ghi nhận trên công trường:
Các gói thầu lắp máy của Lilama ký hợp đồng với 3 tổng thầu Hyundai Engineering, TPSK và Samsung. Gói thầu lớn nhất A1-tổng thầu TPSK, LILAMA tham gia lắp đặt kết cấu thép, kết cấu bê tông đúc sẵn, lắp đặt thiết bị, ống, bảo ôn, giàn giáo chung và sơn. Tại gói thầu này, Lilama triển khai thi công từ cuối 3/2020 ở tất cả các hạng mục như: Lắp đặt ống ngầm, ống nổi, kết cấu bê tông đúc sẵn và kết cấu thép pipe-rack, lắp đặt giàn giáo chung, chế tạo và sơn ống. Để thực hiện gói thầu này, Lilama huy động 450 cán bộ, công nhân viên tham gia. Đến cuối tháng 1/2021, gói thầu đã hoàn thành xây dựng xưởng chế tạo và sơn ống, hoàn thành lắp đặt kết cấu bê tông đúc sẵn; lắp đặt ống ngầm đạt 60%.
Gói thầu G-tổng thầu Hyundai Engineering, Lilama lắp đặt kết cấu thép, thiết bị và ống, lắp đặt thiết bị điện. Hiện tại, phần lắp đặt cơ khí đã triển khai tất cả các hạng mục lắp đặt kết cấu thép, lắp đặt thiết bị, lắp đặt ống nổi. Phần lắp đặt thiết bị điện cũng đã triển khai thi công các hạng mục lắp đặt thang máng cáp, ống luồn cáp, lắp đặt hệ thống tiếp địa. Tổng nhân lực thi công gói thầu này là 450 cán bộ, công nhân viên, tiến độ tổng thể đạt khoảng 65%.
Gói thầu B-tổng thầu Samsung, Lilama triển khai từ tháng 10/2020, đang lắp đặt ống ngầm, ống nồi và kết cấu thép... tiến độ đạt khoảng 50%.
Ông Lê Hải Long, Giám đốc Ban dự án Hóa dầu Long Sơn của Lilama cho biết, về tổng thể, dự án đang vượt tiến độ 1 tháng so với mục tiêu chủ đầu tư đề ra. Khó khăn của dự án hiện nay là công tác điều hành gặp không ít bất cập, ngoài ảnh hưởng của dịch COVID-19, làm ảnh hưởng tới công tác nhân sự của các nhà thầu tại hiện trường, dự án có nhiều tổng thầu, mỗi tổng thầu yêu cầu một bộ máy quản lý thực hiện độc lập với từng gói thầu, nên việc phối hợp thi công, bố trí nguồn lực khó thống nhất. Bên cạnh đó, dự án nằm trong khu vực biên giới hải đảo, nên có nhiều quy định khắt khe về đưa người và thiết bị máy móc vào công trường...
Để đẩy nhanh tiến độ theo yêu cầu của chủ đầu tư, các gói thầu của Lilama đang duy trì thường xuyên trên công trường khoảng 1.200 cán bộ, công nhân viên, người lao động, thi công 3 ca 4 kíp/ngày. Riêng thời gian cao điểm, Lilama có thể huy động khoảng 2.000 nhân công để thực hiện dự án.